Kinh tế báo chí chưa bao giờ nóng bỏng như những năm gần đây
Doanh thu của báo chí, đặc biệt là từ quảng cáo sụt giảm mạnh, trong khi nguồn thu từ các hình thức, mô hình mới thì mới chỉ manh nha và chưa bù đắp được sự mất mát từ báo in. Nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề kinh tế báo chí, truyền thông Việt Nam chưa bao giờ nóng bỏng, phức tạp và nan giải như những năm gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế số và đặt ra những vấn đề cấp thiết cần tháo gỡ…
Ngày 14/6, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.
Tham dự hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng; Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) Hoàng Anh Tuấn và nhiều chuyên gia báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế.
THÁCH THỨC CÁC MÔ HÌNH KINH DOANH TRUYỀN THỐNG
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng dẫn báo cáo tại Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2023 cho biết tính đến hết năm 2023, đối với báo, tạp chí, tỷ lệ tự đảm bảo chi thường xuyên chiếm 39%, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chiếm 36%, ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên chiếm 25%; Đối với phát thanh, truyền hình: tỷ lệ đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư chiếm 6,94%, tự đảm bảo chi thường xuyên chiếm 26,39%, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chiếm 66,67%.
Doanh thu của các báo, tạp chí 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Còn tổng nguồn thu năm 2023 của các đài Phát thanh truyền hình giảm hơn 20% so với năm 2022. Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo (tức 10% tổng thời lượng phát sóng/ngày; 5% tổng thời lượng phát sóng đối với kênh truyền hình trả tiền). Có Đài, thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày.
"Vấn đề kinh tế báo chí - truyền thông Việt Nam chưa bao giờ nóng bỏng, phức tạp và nan giải như những năm gần đây. Cả giới báo chí cùng các nhà thiết kế chính sách đã bàn luận về nhiều định hướng, mô hình và phương thức tháo gỡ".
PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, một thực tế là dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Có lúc, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90%. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống.
Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết tổng kết tình hình báo chí thế giới, các ấn phẩm số thì tăng lên nhưng ấn phẩm in cả về số lượng lẫn doanh thu đều giảm sút, tuy nhiên phần tăng của số thì không thể bù đắp lại cho phần mất đi từ báo in. Theo ông Minh, đây là bức tranh chung của thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.
Ông Minh cũng chia sẻ số liệu doanh thu quảng cáo của báo chí toàn cầu trong giai đoạn từ 2019 – 2024 với các ấn phẩm số thì tăng nhưng không đáng kể từ 11,6 tỷ lên 11,9 tỷ USD, trong khi với báo in từ 2019 từ 35,1 tỷ USD thì đến 2024 dự kiến sẽ chỉ còn 21,4 tỷ USD. Doanh thu phát hành cũng tương tự, từ báo in sụt giảm từ 53 tỷ USD cho đến 2024 dự kiến là dưới 40 tỷ USD, trong khi rất nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đã có nguồn thu phí và các hình thức khác trên báo điện tử, nhưng mức tăng từ 5,3 USD đến 8,4 tỷ USD – tuy lớn vậy nhưng không bù đắp được nguồn thu mất đi từ báo in.
Theo PGS.TS Đặng Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trong bối cảnh toàn cầu của chuyển đổi số, sự cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí truyền thông nhằm thu hút công chúng và lôi kéo nhà quảng cáo diễn ra ngày một gay gắt, với sự xuất hiện và lan truyền khắp các nền tảng số như Facebook, Google... đáng kinh ngạc và đang thách thức các mô hình kinh doanh truyền thống cho các cơ quan báo chí trong nhiều thập kỷ qua.
CẦN THÁO GỠ NHỮNG "NÚT THẮT" ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BÁO CHÍ
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, hiện tại, các cơ quan báo chí đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Bên cạnh đó là cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí cần tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí.
Hiện nay, hàng năm chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách.
Ông Dũng cho biết thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực điều hướng quảng cáo sang báo chí với việc lập danh sách Whitelist với thông điệp “Làm nội dung sạch sẽ nhận được quảng cáo, và quảng cáo sẽ tìm đến những nội dung sạch”. Việc triển khai đã có kết quả bước đầu, song cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai để phát huy hiệu quả như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%. “Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc bố trí kinh phí, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách còn hạn chế”, ông Dũng nhấn mạnh.
PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, cho rằng việc phát triển kinh tế báo chí truyền thông không chỉ cần nhìn từ một vài trường hợp cụ thể, từ riêng một lĩnh vực hay loại hình riêng biệt mà cần được nhìn nhận ở quy mô tổng thể, chiến lược và toàn diện của hệ thống báo chí quốc gia, gắn với bối cảnh phát triển kinh tế số mạnh mẽ hiện nay. Từ đó có bước phát triển nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng, của hệ thống truyền thông Việt Nam chuyên nghiệp và nhân văn.
Theo ông Trung, vấn đề kinh tế báo chí - truyền thông Việt Nam chưa bao giờ nóng bỏng, phức tạp và nan giải như những năm gần đây. Cả giới báo chí cùng các nhà thiết kế chính sách đã bàn luận về nhiều định hướng, mô hình và phương thức tháo gỡ. Tuy vậy, bài toán khó dường như vẫn chưa có lời giải đáp thoả đáng. Những kết quả đạt được mới chỉ tiến đến một vài khía cạnh của cơ chế chính sách, những đề xuất dường như mới tóm lược một số mô hình tham khảo bên ngoài.
“Chúng ta vẫn chưa thực sự thẳng thắn đề cập đến bản chất, thậm chí còn đang né tránh những nút thắt cơ bản kìm hãm sự phát triển kinh tế báo chí - truyền thông. Nút thắt đó mang tính nguyên lý, như một “vòng kim cô” cần được nới bỏ”, PGS.TS Bùi Chí Trung nhận xét.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết qua hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”, các ý kiến của đại diện các cơ quan, các diễn giả, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan báo chí sẽ là những cái nhìn khách quan, đầy đủ các khía cạnh liên quan đến kinh tế báo chí truyền thông hiện nay; qua đó, đề xuất và kiến nghị với cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và cơ quan có thẩm quyền những kiến giải tháo gỡ những “nút thắt” liên quan đến kinh tế báo chí truyền thông.