Bộ Xây dựng tháo gỡ khó khăn cho Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang
Vướng mắc về quy định pháp luật lý trong đầu tư công, xây dựng hạ tầng, hoặc khó khăn về triển khai nhà ở xã hội… là nguyên nhân không nhỏ khiến cho thị trường bất động sản ở nhiều địa phương bị “ách tắc”…
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc tại một số tỉnh phía Nam, gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang để nắm bắt tình hình, đưa ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản tại các địa phương này.
BÌNH DƯƠNG KIẾN NGHỊ THÁO GỠ VỀ ĐẦU TƯ CÔNG
Tại tỉnh Bình Dương, ông Phạm Trọng Ninh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, cho biết hiện địa phương vẫn còn 4 nhóm khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng, tín dụng, thị trường và nguồn lao động.
Cụ thể, đó là thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai; thủ tục đầu tư xây dựng; giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định; tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư; phòng cháy chữa cháy.
Do đó, tỉnh Bình Dương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Bình Dương áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để tính thu nghĩa vụ tài chính cho các khu đất có giá trị trên 20 tỷ; có giải pháp thu hút được những đơn vị có chức năng thẩm định giá tham gia tư vấn giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thực hiện thu ngân sách; cần sửa đổi các chính sách về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo hướng bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành sớm hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, nhất là định mức, chi phí để làm cơ sở lập, thẩm định, phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư, chủ trương đầu tư; dự án không có cấu phần xây dựng; dự án giải phóng mặt bằng để có cơ sở tổ chức thực hiện.
Trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Tổ trưởng Tổ công tác cho rằng Bình Dương cần thúc đẩy và quản lý quy hoạch; rà soát các cấp độ quy hoạch để điều chỉnh, bổ sung kịp thời để thống nhất và đồng bộ làm cơ sở thu hút đầu tư; lập quy hoạch không gian ngầm.
Trong phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, Bình Dương cần phát huy thế mạnh, kinh nghiệm để thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" và tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
"Những vướng mắc liên quan đến nhà ở xã hội do Sở Xây dựng Bình Dương kiến nghị, Bộ Xây dựng sẽ tiếp nhận, trình Quốc hội để có cơ sở tháo gỡ khó khăn và nhanh chóng triển khai đầu tư xây dựng", ông Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.
Về những khó khăn chung, như ách tắc trong xác định giá đất, giải phóng mặt bằng, chuyển nhượng bất động sản, áp dụng hệ số đất, định mức chi phí dự án, chính sách tín dụng… gây ùn tắc trong quá trình đầu tư, xây dựng, Tổ công tác sẽ báo cáo chi tiết lên Thủ tướng để tìm cách tháo gỡ.
ĐỒNG NAI GẶP KHÓ TRONG THỦ TỤC GIAO ĐẤT
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đang gặp vướng mắc trong thủ tục giao đất, thuê đất, xác định tiền sử dụng đất; chuyển nhượng dự án bất động sản có yếu tố nước ngoài; quy chế về nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp gây khó khăn cho doanh nghiệp; thủ tục lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà...
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đề nghị Tổ công tác hướng dẫn tháo gỡ khó khăn các vấn đề trong thủ tục đầu tư, như: công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tại định cư; công tác tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư; công tác phòng cháy chữa cháy.
Hiện trên địa bàn Đồng Nai còn rất nhiều dự án lớn đang gặp khó khăn do bất cập của các đồ án quy hoạch, như: Đồ án quy hoạch chung thành phố Biên Hoà. Tỉnh kiến nghị Bộ Xây dựng tham mưu Thủ tưởng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương cho UBND tỉnh Đồng Nai lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Biên Hòa…
Về nhà ở xã hội, tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp theo hướng nhà ở xã hội không thu tiền sử dụng đất (hiện nay vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất). Nghiên cứu, điều chỉnh quy định về thẩm định giá bán. cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Bổ sung đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội; các đối tượng “hộ gia đình có thu nhập thấp tại khu vực nông thôn" được mua, thuê, thuê mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội....
Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng kiến nghị Chính phủ sớm thành lập các Khu công nghiệp Bàu Cạn -Tân Hiệp, Khu công nghiệp Long Đức 3, Khu công nghiệp Xuân Quế Sông Nhạn. Sớm đầu tư đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành.
Trả lời UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, tỉnh Đồng Nai cần chú trọng đến quy hoạch đô thị, xây dựng nhằm đảm bảo tính đồng bộ và chất lượng, có tầm nhìn dài hạn để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương trong thu hút đầu tư; đặc biệt cập nhật quy hoạch không gian ngầm.
TIỀN GIANG VƯỚNG TRONG TRIỂN KHAI NHÀ Ở XÃ HỘI
Báo cáo Tổ công tác tại buổi làm việc với địa phương, ông Hà Thiện Ý, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang, cho biết vướng mắc nhất hiện nay của Tiền Giang là lĩnh vực bất động sản do việc triển khai đầu tư xây dựng dự án gặp khó khăn.
Số lượng dự án được chấp thuận mới, khởi công xây dựng và hoàn thành đúng thời gian còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở thương mại có giá phù hợp cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Giá bất động sản cao hơn nhiều so với thu nhập trung bình của người dân.
Toàn tỉnh hiện đang thực hiện 23 dự án với tổng diện tích đất khoảng 153 ha, gồm gần 7.300 căn hộ có tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 1,379 triệu m2. Cùng đó là 5 dự án nhà ở xã hội, cung cấp khoảng 5.000 căn hộ tại các khu công nghiệp và thành phố Mỹ Tho.
Tương tự nhiều địa phương khác, Tiền Giang phản ánh đang gặp khó khi triển khai các dự án nhà ở xã hội; thủ tục đầu tư, xây dựng; giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Cùng với đó, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp hay việc áp dụng quy định mới về phòng cháy chữa cháy tại công trình và một số thủ tục hành chính khiến 2 dự án điện gió tại tỉnh không được hưởng ưu đãi đầu tư… cũng đang gặp “rào cản”.
Đặc biệt, tỉnh Tiền Giang cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung quy hoạch thêm 300 ha đất khu công nghiệp cho Tiền Giang để phát triển Khu công nghiệp Tân Phước 2.
Chia sẻ với những vướng mắc của Tiền Giang, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thông tin, trong dự thảo Luật Nhà ở sẽ bỏ quy định về hộ khẩu khi mua nhà ở xã hội và bỏ quy định dành 20% trong quỹ đất nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội.
“Tất cả những thay đổi này nhằm hướng tới an sinh xã hội, người thu nhập thấp có nhà ở khang trang”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng đề nghị Tiền Giang cần quản lý các cấp quy hoạch và phát triển nâng cấp đô thị; quan tâm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động…
Với những kiến nghị vượt thẩm quyền của Tổ công tác, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu đại diện các bộ, ngành tham gia buổi làm việc tổng hợp để báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết theo thẩm quyền.