Các trường hợp được hoàn trả một phần tiền đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, sẽ được hoàn trả một phần tiền đã đóng trong một số trường hợp được pháp luật quy định...
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thông tin về các trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hoàn trả một phần tiền đóng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết theo quy định tại Khoản 6 Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ, trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 3 tháng, hoặc 6 tháng, hoặc 12 tháng một lần, hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau, mà trong thời gian đó thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ được hoàn trả một phần số tiền đã đóng trước đó.
Cụ thể, trường hợp dừng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và chuyển sang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; hưởng bảo hiểm xã hội một lần; chết hoặc Tòa án tuyên bố là đã chết.
Cũng theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, mà vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày 1 tháng liền kề, sau tháng dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và có yêu cầu hưởng lương hưu.
Hiện nay, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện về tuổi đời theo quy định tại Điều 169 Bộ Luật Lao động năm 2019, và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam, và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ.
Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028; mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035. Năm 2024, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 61 tuổi, lao động nữ là 56 tuổi 4 tháng.
Về mức lương hưu hằng tháng, theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn. Mức thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
Cụ thể, bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tối đa là 10 năm.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến cáo người lao động căn cứ quy định của chính sách và tình hình kinh tế của gia đình để quyết định lựa chọn mức đóng, phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện phù hợp.
Đồng thời, liên hệ với cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi cư trú, hoặc đại lý thu bảo hiểm xã hội tại địa phương nơi gần nhất, để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.