Đại biểu Quốc hội lo ngại Luật Đường bộ xoá sổ dịch vụ chia sẻ xe ô tô trực tuyến
Thảo luận về dự án Luật Đường bộ ngày 21/5, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động. Nhờ đó, giúp hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu khí thải nhà kính và sử dụng hợp lý, có hiệu quả hơn các nguồn lực xã hội.
Cơ bản đồng tình với dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội lần này, đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên nêu rõ qua nghiên cứu báo cáo giám sát về chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, hoạt động vận tải đường bộ trong những năm qua phát triển mạnh mẽ, đáp ứng trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa, với gần 86.000 đơn vị kinh doanh vận tải đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô...
Song đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên lại bày tỏ nhiều băn khoăn khi dự thảo luật quy định tại khoản 10 Điều 56 đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Khoản 10, Điều 56 của dự thảo Luật quy định: Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ để vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giấy hoặc điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, bao gồm cả thuê người lái xe.
Nghĩa là mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở một hành khách hoặc một nhóm khách duy nhất.
“Tôi hiểu ban soạn thảo đưa ra quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng núp bóng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Tuy nhiên, việc này vô tình hạn chế một loại hình vận tải hành khách phổ biến ở nhiều quốc gia khác, đó là mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến”, bà Yên bày tỏ.
Đại biểu Yên cho rằng, về cơ bản, mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng cho phép các hành khách khác nhau có cùng lộ trình nhưng khác điểm đón và trả khách có thể đi chung một chuyến xe.
Hành khách sẽ được hưởng cước phí di chuyển rẻ hơn, còn người lái xe cũng được gia tăng thu nhập do lượng hành khách trong một chuyến xe tăng lên. Đồng thời, mô hình này mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, vì có thể tối đa hóa số lượng người di chuyển trong một chuyến đi, do đó, sẽ giúp giảm đáng kể lưu lượng xe lưu thông trên đường và giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát và điều chỉnh khoản 10 Điều 56 theo hướng vừa kiểm soát tình trạng “xe dù, bến cóc” nhưng vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ hoạt động.
"Đây cũng là cách thiết thực để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc dần tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu khí thải nhà kính, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để phát triển đất nước nhanh và bền vững", đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên nhìn nhận.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng lo ngại, quy định hiện như trong dự thảo luật sẽ dẫn đến không còn mô hình chia sẻ xe bằng ô tô con dưới 10 chỗ, bao gồm cả hợp đồng giấy, hợp đồng điện tử qua nền tảng gọi xe trực tuyến.
Việc chia sẻ xe cho phép một chuyến xe hợp đồng được chở khách độc lập miễn là có cùng cung đường di chuyển, các hành khách đồng ý ghép để tối ưu hóa quãng đường, chi phí. Dịch vụ chia sẻ hiện đang được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong nước, dịch vụ này đang được các đơn vị vận tải thực hiện bằng việc ghép chung các chuyến đi theo lộ trình cố định khi di chuyển liên tỉnh và được người tiêu dùng đón nhận.
Cách thức này giúp giảm bớt áp lực cho giao thông, ô nhiễm môi trường là điển hình kinh tế chia sẻ, kinh tế số, đem lại nhiều lợi ích kinh tế.
Do đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị chỉnh lý điểm này theo hướng quy định chỉ có ô tô khách mới phải thực hiện hợp đồng vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe bao gồm người lái. Còn loại xe chở người không phải ô tô khách thì chỉ cần hợp đồng bằng giấy hoặc điện tử mà không giới hạn về việc thuê cả chuyến hay không để tạo điều kiện triển khai luật trên thực tế.