Dân số già nhanh, quỹ hưu trí quốc gia Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng
Quỹ hưu trí quốc gia của Hàn Quốc đang trên đà suy giảm và được dự báo sẽ cạn tiền trong vài thập kỷ tới...
Hệ thống hưu trí của Hàn Quốc đang đối mặt với mối đe dọa sống còn khi thế hệ thời bùng nổ trẻ sơ sinh (baby boomer – sinh từ năm 1946-1964) bước vào tuổi nghỉ hưu và tỷ lệ sinh liên tục giảm xuống các mức thấp kỷ lục.
Tương lai của quỹ hưu trí quốc gia Hàn Quốc càng nhận được sự quan tâm lớn khi Bộ Y tế và Phúc lợi nước này năm ngoái dự báo rằng quỹ sẽ bắt đầu thâm hụt vào năm 2041 và cạn tiền vào năm 2055 nếu không có các biện pháp cải cách.
“Liệu tôi có cần tiếp tục làm việc trong phần đời còn lại của mình không”, một nhân viên văn phòng 35 tuổi tại Seoul, luôn tự vấn. Dự báo của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đồng nghĩa rằng hệ thống hưu trí của nước này sẽ sụp đổ trước khi anh 65 tuổi – độ tuổi đủ điều kiện nhận lương hưu.
“Các tổng thống chỉ có nhiệm kỳ 5 năm và họ thường chỉ tập trung cho cuộc bầu cử tiếp theo”, nhân viên văn phòng nói trên nhận xét. “Họ thậm chí chẳng có một cuộc tranh luận nào về những gì sẽ xảy ra 30 năm tới”.
Phản ứng trước mối lo ngại trên, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tháng trước đã công bố các kế hoạch cải cách mang tính căn bản đối với hệ thống hưu trí, bao gồm quyết định tăng tỷ lệ đóng góp từ 9% lên 13% – lần tăng đầu tiên kể từ năm 1998. Quyền lợi dành cho người về hưu cũng được điều chỉnh tự động tùy theo tình hình tài khóa.
Các đề xuất này có nhiều bất lợi cho cả người trong độ tuổi lao động và người về hưu. Do đó, ông Yoon đối mặt sự phản đối mạnh từ các đảng đối lập cũng như công chúng.
“Quỹ hưu trí quốc gia mang lại quyền lợi thấp và không đáng chút nào”, một nhân viên 29 tuổi của một công ty khởi nghiệp nhận xét. “Thà tôi tự đầu tư vào các sản phẩm tài chính lợi suất cao còn an toàn hơn”.
Theo Tổng thống Hàn Quốc, việc cải cách quỹ hưu trí chắc chắn vấp phản sự phản kháng và về mặt chính trị, thực hiện cải cách càng khó.
“Đó là lý do các chính quyền tiền nhiệm không đả động tới vấn đề này”, ông Yoon nói.
Hàn Quốc từng 2 lần thực hiện cải cách hệ thống hưu trí. Dưới tới Tổng thống Kim Dae-jung, nhiệm kỳ 1998-2003, Chính phủ đã tăng độ tuổi nhận lương hưu từ 60 lên 65. Còn Tổng thống Roh Moo-hyun (nhiệm kỳ 2003-2008) đã quyết định giảm tỷ lệ thay thế – tỷ lệ thu nhập trước khi nghỉ hưu của người lao động được chương trình lương hưu chi trả sau khi người lao động đó nghỉ hưu – xuống 40% vào năm 2007.
Chính quyền của ông Roh khi đó ước tính rằng thay đổi này sẽ đảm bảo an toàn cho quỹ hưu trí tới năm 2060. Tuy nhiên, tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc đã giảm mạnh từ mức 1,19 vào năm 2008 – năm ông Roh rời Nhà Xanh – xuống còn 0,72 vào năm ngoái. Theo các ước tính mới nhất, tới 2050, tỷ lệ người lao động/người về hưu tại Hàn Quốc sẽ là 1:1.
Xu hướng này tại Hàn Quốc diễn ra thậm chí mạnh mẽ hơn quốc gia láng giềng Nhật Bản, nơi cũng đang đối mặt dân số già hóa nhanh. Tổng tỷ suất sinh của Nhật đã giảm 8 năm liên tiếp, xuống mức 1,2 vào năm 2023.
Theo các nhà phân tích, Chính phủ Hàn Quốc thời gian qua hành động khá chậm chạp trước những thay đổi về nhân khẩu học. Người tiền nhiệm của ông Yook, cựu Tổng thống Moon Jae-in, không đặt cải cách hưu trí làm ưu tiên hàng đầu và cho biết sẽ không thực hiện bất kỳ thay đổi nào mà không nhận được sự đồng thuận của các bên liên quan.
Tỷ lệ sinh liên tục giảm có thể dẫn tới việc các thế hệ trong lương lai tại Hàn Quốc phải nộp nhiều tiền hơn vào quỹ hưu trí nhưng được hưởng ít lợi ích hơn.
Trong khi đó, tình trạng nghèo ở người cao tuổi hiện đã là một vấn đề nghiêm trọng tại Hàn Quốc. Vì phải tới năm 1999, quỹ hưu trí quốc gia mới tiếp cận toàn dân, nhiều người cao tuổi chỉ mới bắt đầu đóng tiền bảo hiểm hưu trí khi đã đi qua phần lớn sự nghiệp. Khoảng 40% người Hàn Quốc từ 66 tuổi trở lên hiện sống ở mức nghèo hoặc có thu nhập ít hơn 50% so với mức thu nhập bình quân quốc gia – theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
“Hệ thống an sinh xã hội của Hàn Quốc hiện chưa phát triển hoàn thiện. Trong khi đó, người dân không quản lý tài chính để phòng chonhững năm tuổi già của mình”, một cựu quan chức chính phủ nhận xét.
Theo các nhà phân tích, thực trạng hiện tại đòi hỏi Seoul phải nhanh chóng có các giải pháp ứng phó với tình hình, trước khi quá muộn.