Giảm phát thải, khai thác tối đa giá trị kinh tế từ rác thải
Theo các chuyên gia, quản lý rác thải, kiểm soát khí thải và đảm bảo hiệu quả năng lượng là những yếu tố quan trọng của một thành phố xanh và bền vững, hướng mục tiêu Net Zero. Đặc biệt với các đô thị có lượng rác thải sinh hoạt lớn, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải, khai thác tối đa giá trị kinh tế từ rác thải...
Với sự phát triển của các công nghệ xử lý chất thải, phát năng lượng góp phần giảm thiểu tối đa lượng rác chôn lấp, cung cấp năng lượng sạch, tận dụng tài nguyên từ rác thải. Việc phân loại rác thải tại nguồn sẽ mở đường cho rác hữu cơ tạo năng lượng, rác thải nhựa được tái chế, giảm phát thải khí nhà kính, thay đổi hành vi của cộng đồng, phát triển xanh, bền vững.
Theo thống kê, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày trong đó phần lớn là đến từ đô thị (60%). Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là 2 đô thị có lượng rác thải lớn nhất. Dự báo đến năm 2030, lượng rác thải rắn sinh hoạt có thể lên mức 90.000 tấn/ngày.
Tuy nhiên, việc đầu tư xử lý rác thải hiện nay ở Việt Nam còn hạn chế, chưa đúng mức. Hiện có 2 hình thức xử lý rác truyền thống là chôn lấp và tiêu hủy. Theo hình thức chôn lấp, có đến 70% rác thải rắn đô thị được xử lý theo cách này, trong đó chỉ có 20% được xử lý chôn lấp hợp vệ sinh. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh bãi chôn lấp rác.
Trong 30% lượng rác thải còn lại không được chôn lấp sẽ xử lý theo hình thức tiêu hủy. Tuy nhiên, có đến 2/3 được đốt tiêu hủy, không phát điện. Phương pháp này gây ô nhiễm môi trường, tạo ra khí nhà kính.
Không chỉ ảnh hưởng môi trường, cả 2 hình thức xử lý rác truyền thống này đều bỏ qua lợi ích kinh tế từ rác thải.
XỬ LÝ RÁC THẢI THEO MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN
Kết quả khảo sát cho thấy 65% rác thải rắn đô thị ở Việt Nam là chất hữu cơ, điều này đồng nghĩa việc xử lý sẽ khó khăn hơn. Bên cạnh đó là các chất thải nhựa, giấy, bìa… đều là những vật liệu có thể tái chế mang lại giá trị cao.
Tại hội thảo về “Net Zero- môi trường và năng lượng hướng tới thành phố không phát thải 2050”, chia sẻ mô hình xử lý rác thải rắn bền vững cho nền kinh tế tuần hoàn, ông Đỗ Sơn Thủy, chuyên gia Quỹ đầu tư VinaCarbon, VinaCapital, cho biết đơn vị đang hướng đến các công nghệ giúp thu hồi lại giá trị từ rác.
Ví dụ như công nghệ xử lý rác hữu cơ tạo ra Biogas qua phân hủy kị khí, qua đó tạo ra nhiên liệu sinh học hoặc quay trở lại để phát điện. Tuy nhiên, chi phí đầu tư mô hình này khá cao, thời gian thu hồi vốn dài nên chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.
Hình thức tái chế rác thải hiện đã khá phổ biến trên thế giới nhưng tỷ lệ này ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn (chỉ khoảng 10%). Đặc biệt hình thức này liên quan đến phát triển chuỗi cung ứng nên việc tìm đầu tư cho sản phẩm tái chế từ rác gặp nhiều khó khăn.
Với cả 2 hình thức xử lý trên đều có thể tận dụng tối đa giá trị kinh tế từ rác thải và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường.
“Dựa trên 2 công nghệ này, VinaCapital cùng các đối tác đang đầu tư, phát triển dự án ứng dụng công nghệ xử lý rác thải rắn theo hướng thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Qua đó sẽ giúp cải thiện tình trạng xử lý rác thải không hợp lý, gây ô nhiễm môi trường như hiện nay, khai thác tối đa giá trị từ rác thải”, ông Thủy cho hay.
Theo đó, sau khi phân loại, rác thải hữu cơ sẽ được xử lý phân hủy kỵ khí tạo ra Biogas, ứng dụng phát điện để vận hành hệ thống hoặc tạo ra nhiên liệu sinh học. Bùn thải từ quá trình phân hủy kị khí rác hữu cơ có thể tạo ra các loại phân bón sinh học. Các loại rác có giá trị cao như nhựa, giấy sẽ được đưa vào tái chế; rác giá trị thấp sẽ được ép thành viên nén năng lượng.
Mô hình này cũng giúp đa dạng hóa nguồn doanh thu hơn, giúp dự án tự lập và bền vững về mặt tài chính. Nguồn thu chính sẽ đến từ năng lượng điện, các sản phẩm tái chế từ rác, viên nén năng lượng. Đặc biệt các mô hình này cũng có thể tạo doanh thu từ tín chỉ carbon, tín chỉ nhựa. Đây có thể sẽ là nguồn thu tiềm năng trong tương lai, giúp các dự án có được nguồn tài chính trong thời gian đầu.
Tuy nhiên, với mô hình này, rác thải cần phải được phân loại và lâu dài phải được phân loại tại nguồn, từ thời điểm thu gom. Lượng rác cũng cần phải đảm bảo ổn định cho vận hành hệ thống liên tục. Không những thế, với chi phí đầu tư lớn sẽ cần huy động rất nhiều nguồn lực từ xã hội, khối tư nhân, tổ chức quốc tế hỗ trợ tài chính để chứng minh hiệu quả ban đầu của dự án sau đó có thể nhân rộng.
Dự kiến trong năm 2025 sẽ có một nhà máy tại Hà Nội và sau đó có thể nhân rộng ra các tỉnh thành khác trên cả nước.
Là đơn vị triển khai đầu tư điện rác tại Việt Nam, ông Lê Trọng Linh, Giám đốc dự án VSD Holdings, nhấn mạnh đô thị phát triển tăng trưởng mạnh mẽ gây áp lực lớn đến môi trường, thu gom và xử lý rác thải. Doanh nghiệp là một trong những đơn vị đầu tư có hệ thống lò đốt rác phát điện đưa vào hoạt động ở Việt Nam. Dự án đã áp dụng công nghệ AI trong thu gom, xử lý rác thải đầu vào.
Một dự án khác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại Bắc Ninh quy mô khoảng 500 tấn để phát điện cũng đã được triển khai đưa vào vận hành đã được hỗ trợ tín chỉ carbon.
Bên cạnh xử lý rác thải, công ty đã nghiên cứu để đảm bảo tuần hoàn dòng chảy của chất thải. Mô hình dự án này sẽ rất phù hợp với các khu công nghiệp.
Theo ông Linh, việc thay đổi xử lý rác thải từ chôn lấp sang đốt và đốt phát điện sẽ góp phần quan trọng trong quản lý chất thải, giảm rác thải và bãi chôn lấp, giảm phát thải ô nhiễm môi trường, mang lại giá trị lớn hơn khi tạo ra điện năng cung cấp cho quá trình sản xuất, các nhà máy… Việc chuyển đổi sang các mô hình ứng dụng công nghệ xử lý rác thải thay cho chôn lấp sẽ góp phần hỗ trợ phát triển các đô thị thông minh.
Ở một số nước khi nhà máy xử lý rác thải đạt tiêu chuẩn hoàn toàn sẽ được đặt trong các khu đô thị để giảm chi phí thu gom, thời gian vận chuyển.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất trong quá trình xử lý rác thải hiện nay là việc tính toán đầu vào phù hợp, phân loại rác thải tại nguồn. Đầu vào nguyên liệu rác sẽ quyết định rất lớn tới quá trình quyết định và lựa chọn phương án đầu tư dự án. Việc phân loại kết hợp với dữ liệu thành phần đầu vào của rác thải sẽ đưa ra phương án vận hành hiệu quả nhất.
Với một đô thị đang phát triển nhanh chóng, việc bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để xây dựng một cộng đồng thịnh vượng, hài hòa với thiên nhiên. Hà Nội hướng tới quản lý môi trường toàn diện trong đó có giảm ô nhiễn không khí, quản lý chất thải thông minh và bảo vệ hệ sinh thái đô thị với các sáng kiến, giải pháp công nghệ hiện đại và sự tham gia chủ động của cộng đồng.
Thông tin định hướng phát triển xanh, bảo vệ môi trường, giảm phát thải của thành phố hướng đến mục tiêu NetZero vào năm 2050, bà Lưu Thị Thanh Chi, Phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.Hà Nội, nhấn mạnh rằng hiện nay vấn đề bảo vệ môi trường đang đặt ra như một yêu cầu cấp bách.
KIỂM SOÁT CÁC NGUỒN PHÁT THẢI, PHÂN VÙNG PHÁT THẢI THẤP
Với diện tích đứng thứ hai cả nước, dân số gần 9 triệu người, lưu lượng các phương tiện giao thông lớn, vấn đề phát triển hạ tầng đô thị, giao thông vận tải gây sức ép lên môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí.
Hà Nội hiện nay có 10 Khu công nghiệp, 70 cụm công nghiệp làng nghề là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, nước thải… Các chiến lược phát triển kinh tế- xã hội Hà Nội đã nêu rõ định hướng xây dựng một thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Hà Nội đã có nhiều giải pháp trong đó tập trung xác định các nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu từ phát thải giao thông, bụi đường, công nghiệp và các hoạt động dân sinh… Thông qua việc xác định các nguồn phát thải để có các giải pháp xử lý.
Vấn đề bảo vệ môi trường Hà Nội cũng đã được đưa vào Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ 1/1/2025). Trong luật có một điểm mới đáng chú ý đó là Hà Nội sẽ đi đầu cả nước về triển khai vùng phát thải thấp.
“Chúng tôi đang nghiên cứu để đưa ra các quy định thí điểm vùng phát thải thấp ở một số vùng trên địa bàn Hà Nội”, bà Chi thông tin. Theo lộ trình kế hoạch trong năm 2025 sẽ thực hiện thí điểm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, từ các phố đi bộ”, sau đó sẽ khuyến khích các quận trong nội đô lịch sử, rút kinh nghiệm để mở rộng vùng phát thải thấp. Vùng phát thải thấp sẽ gắn liền với giao thông xanh và NetZero.
Một trong những giải pháp đưa ra để thí điểm vùng phát thải thấp tại Hà Nội đó là kiểm định khí thải các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, dán tem để nhận diện phương tiện xanh, sử dụng nhiên liệu xanh đáp ứng yêu cầu.
Cùng với đó sẽ thiết lập hạ tầng giám sát giao thông, ứng dụng công nghệ, số hóa để nhận diện xe; tiết lập biển báo giao thông theo quy định để cấp, hạn chế hoặc thu phí phương tiện trong vùng phát thải thấp. Đồng thời, tổ chức lại hạ tầng giao thông đường bộ, giao thông công cộng trong vùng phát thải thấp.
Để thí điểm vùng phát thải thấp, cần hỗ trợ đối tượng sinh sống, làm việc trong khu vực chuyển đổi các phương tiện giao thông thân thiện môi trường hơn.
Hà Nội đã ban hành kế hoạch quản lý chất lượng không khí đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035, trong đó đưa ra lộ trình và các tiêu chí, tiêu chuẩn, mục tiêu và giải pháp cụ thể để cải thiện chất lượng không khí Hà Nội.
Kế hoạch xác định các mục tiêu chính là kiểm soát và giảm thiểu những nguồn ô nhiễm chính từ các hoạt động giao thông, công nghiệp và dân sinh, cùng với đó, thiết lập hệ thống cảnh báo, phòng ngừa ô nhiễm không khí. Hiện nay, một hệ thống cảnh báo đang được triển khai thí điểm, kết hợp với dự báo thời tiết để đưa ra các cảnh báo sớm cho người dân và các đơn vị về ô nhiễm không khí. Xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành, liên cấp, liên vùng; đồng thời huy động các nguồn lực tham gia.
Các mục tiêu này hướng tới phát triển thành phố thông minh, bền vững, kết hợp giữa các biện pháp hành chính và ứng dụng công nghệ số hiện đại như AI…Kế hoạch đặt chỉ tiêu từ 75-80% số ngày trong năm của thành phố có chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình…
HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC CHO CHUYỂN ĐỔI XANH, PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG
Trong số các mục tiêu kế hoạch kiểm soát chất lượng môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn mới, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết Hà Nội sẽ tăng cường cải tạo đô thị gắn với quy hoạch phát triển thủ đô, xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải, chất thải rắn bằng các công nghệ hiện đại nhất. Riêng với rác thải sẽ triển khai áp dụng các công nghệ đốt rác phát điện…
Cùng với đó sẽ thực hiện các biện pháp chuyển đổi năng lượng, phát triển đô thị thông minh, tập trung phát triển năng lượng tái tạo, mở rộng điện mặt trời.
Các chuyên gia nhấn mạnh, để thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, phát triển đô thị bền vững không chỉ có giải pháp hỗ trợ quản lý nhà nước mà cần sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là sự tham gia của khối tư nhân. Nguồn lực để triển khai hành động không chỉ từ ngân sách nhà nước mà cần cả khu vực tư nhân tham gia.
Chia sẻ sáng kiến quốc tế để Hà Nội trở thành đô thị xanh và bền vững, ông Nguyễn Phương Nam, Đánh giá viên quốc tế của UNFCCC về Biến đổi khí hậu, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn và dịch vụ đổi mới khí hậu KLINOVA, nhấn mạnh sự liên hệ chặt chẽ, kết hợp hài hòa giữa thành phố thông minh và tính bền vững. Một thành phố nếu chỉ thông minh mà không bền vững sẽ là thành phố mang tính công nghiệp. Bên cạnh đó trong phát triển thành phố xanh và bền vững cần áp dụng các sáng kiến công nghệ số.
Ông Nam cho biết theo sáng kiến thành phố bền vững, trong số 10 chủ đề phát triển bền vững có yếu tố về hiệu quả sử dụng năng lượng và biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, hiệu quả sử dụng năng lượng; quản lý rủi ro thiên tai; không gian đô thị xanh; giao thông đô thị xanh…
Thực tế đã chứng minh, vấn đề phân loại rác thải nên tại nguồn để đảm bảo hiệu quả hoạt động xử lý rác thải tốt hơn. Các thành phố hiện đại đã tận dụng nguồn rác thải, thay vì xử lý sẽ dựa vào các đăng ký cơ chế tín chỉ carbon để thu hồi tín chỉ từ các hoạt động xử lý chất thải rắn và nước thải. Nếu được đầu tư bài bản, sẽ huy động nguồn tài chính từ khối tư nhân, các quỹ đầu tư quan tâm đến tín chỉ carbon đầu tư vào các dự án môi trường xử lý rác thải, nước thải...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 50-2024 phát hành ngày 9/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam