Giao đất, giao rừng vẫn “vướng” do các quy định thiếu đồng bộ

Chu Khôi
Chia sẻ

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích rừng giao cho cộng đồng hiện chưa tương thích với các Luật, quy định có liên quan, dẫn đến sự đắn đo, chậm trễ của chính quyền địa phương trong thực hiện giao đất, giao rừng. Đây cũng là một lý do dẫn đến quỹ đất lâm nghiệp mà các xã đang tạm quản lý rất lớn, muốn giao cho người dân nhưng vẫn khó thực hiện, trừ khi có các dự án hỗ trợ…

Thực hiện giao đất, giao rừng sẽ tạo sinh kế cho người dân, giúp xóa đói giảm nghèo.
Thực hiện giao đất, giao rừng sẽ tạo sinh kế cho người dân, giúp xóa đói giảm nghèo.

Ngày 11/12/2023, tại Hà Nội, Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo Chuyên đề: “Kinh nghiệm triển khai giao đất giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số từ quỹ đất do các lâm trường quốc doanh bàn giao về địa phương”.

CẢI THIỆN SINH KẾ CỦA NGƯỜI DÂN TỪ GIAO RỪNG

GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết trước đây cả nước có 423 lâm trường quản lý 6,3 triệu ha rừng. Thực hiện chủ trương sắp xếp lại các nông lâm trường quốc doanh, Nhà nước đã chuyển đổi thành các công ty nông, lâm nghiệp, sau đó tiến hành cổ phần hóa.

Trong quá trình đó, nhiều diện tích đất lâm nghiệp đã được các công ty lâm nghiệp giao về cho các chính quyền địa phương. Chủ trương diện tích này sẽ được địa phương giao cho người dân khi thực hiện chính sách giao đất giao rừng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hơn 400 nghìn ha rừng nghèo kiệt và đất rừng do UBND cấp xã tạm quản lý, chưa giao cho cộng đồng dân cư, các hộ gia đình và các chủ rừng khác. 

GS.TS Phạm Văn Điển: "Đến nay vẫn còn hơn 400 nghìn ha rừng nghèo kiệt và đất rừng do UBND cấp xã tạm quản lý, chưa giao cho cộng đồng dân cư".
GS.TS Phạm Văn Điển: "Đến nay vẫn còn hơn 400 nghìn ha rừng nghèo kiệt và đất rừng do UBND cấp xã tạm quản lý, chưa giao cho cộng đồng dân cư".

Ông Triệu Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Dân tộc – Văn phòng Quốc hội, cho hay Việt Nam có 53/54 dân tộc thiểu số với dân số 14,119 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Hiện nước ta vẫn còn 58 nghìn hộ dân thiếu đất ở và gần 300 nghìn hộ thiếu đất canh tác, thiếu sinh kế. Đây là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

“Vì vậy, giải quyết tình trạnh thiếu đất sản xuất của nông dân, đặc biệt người đồng bào dân tộc thiểu số để giúp ngưởi dân có tư liệu sản xuất ổn định, gắn bó với rừng, hạn chế du canh, di cư tự do, ngăn chặn tranh chấp, ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái có ý nghĩa vô cùng quan trọng cấp bách”, ông Bình nhấn mạnh.

 

"Kết quả thử nghiệm giao đất giao rừng thuộc Dự án, đến nay đã thực hiện được tổng diện tích giao 1.407,42ha (trong kế hoạch giao 1.500 ha), giao cho 20 cộng đồng. Trong đó tỉnh Kon Tum giao 1.278.62 ha giao cho 15 cộng đồng (đạt 98,3% so với kế hoạch); tỉnh Lào Cai đã giao 128,8 ha cho 5 cộng đồng (đạt 64,4% so với kế hoạch)”.

Ths. Nguyễn Thanh Thủy, Tư vấn Dự án “Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số”. 

Ths. Nguyễn Thanh Thủy, Tư vấn Dự án “Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số” (Dự án) cho hay Dự án do Liên minh châu Âu tài trợ và được đồng thực hiện bởi tổ chức CISDOMA, CEGORN, CRD và OXFAM trên địa bàn hai tỉnh Lào Cai và Kon Tum.

Đến nay, Dự án đã thực hiện 4 mô hình thí điểm giao đất đồng bộ với giao rừng cho cộng đồng trên địa bàn các huyện Kon Rẫy, huyện Kon Plong tỉnh Kon Tum và các huyện Bảo Yên, huyện Văn Bàn tỉnh Lào Cai.

Theo ông Lại Đức Hiếu – Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh Kon Tum, trong giai đoạn 2015-2919, UBND tỉnh Kon Tum đã thực hiện sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp và ra quyết định thu hồi các diện tích đất từ các công ty lâm nghiệp giao về cho UBND các xã, thị trấn trên địa bàn quản lý với tổng diện tích 8.795,63 ha. Đây là cơ sở đầu vào cho hoạt động thử nghiệm giao đất giao rừng của Dự án “Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số”.

Trong quá trình triển khai, Dự án đã đánh giá tập tục của cộng đồng để có cơ sở phân tích những điểm tích cực và hạn chế trong quản lý đất rừng truyền thống. Qua đó, đề xuất việc lồng ghép luật tục, đảm bảo phù hợp với pháp luật hiện hành trong quản lý diện tích rừng được Nhà nước giao cho cộng đồng.

Dự án đã hỗ trợ cộng đồng trong việc xây dựng quy ước bảo vệ rừng, thành lập Tổ bảo vệ rừng, thành lập Ban giám sát, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đảm bảo được sự tham gia chủ động và đồng thuận của cộng đồng.

Dự án cũng chú trọng sự tham gia của nữ giới, người yếu thế, đảm bảo yêu cầu nguyên tắc bình đẳng giới qua việc lồng ghép trong các cuộc họp, tập huấn, thành lập ban quản lý rừng cộng đồng, xây dựng quy ước bảo vệ rừng.

"Các vấn đề cải thiện sinh kế sau giao rừng gắn với giao đất cũng được hướng dẫn để người dân cùng thảo luận và thống nhất, chẳng hạn như “quyền hưởng dụng rừng” của cộng đồng sau giao đất, lồng ghép với dự án lâm sản ngoài gỗ để có thể xây dựng thử nghiệm về chuỗi giá trị các sản phẩm này. Mặt khác, tiếp cận các chính sách liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng để có đề xuất phù hợp với điều kiện địa phương", ông Lại Đức Hiếu chia sẻ. 

CÒN THIẾU NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Tuy nhiên, ông Hiếu nêu những trở ngại trong việc triển khai Dự án. Đó là, hiện tỉnh Kon Tum chưa thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích đất đã giao. Lý do bởi việc cấp giấy chứng nhận cho cộng đồng ghi tên Trưởng thôn (là người đại diện cho cộng đồng đứng lên nhận rừng và đất lâm nghiệp), điều này dẫn đến những sai lệch về cách hiểu khi bầu và thay thế Trưởng thôn mới.

Ông Hiếu nêu ví dụ, trước đây, từng có trường hợp giao đất giao rừng cho cộng đồng, ghi tên Trưởng thôn trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó đến nhiệm kỳ mới, Trưởng thôn đó không được dân bầu, mà người khác được bầu vào vị trí trưởng thôn. Trưởng thôn cũ cho rằng quyền sử dụng đất rừng là của mình, dẫn đến sự tranh chấp giữa cá nhân và cả cộng đồng thôn bản. Cũng theo lý giải của UBND huyện, thì Luật đất đai 2013 cũng chưa hướng dẫn cụ thể việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng.

Theo các chuyên gia của Dự án “Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số”, hiện UBND tỉnh Kon Tum vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về tái phân bổ đất đai có nguồn gốc từ các công ty nông, lâm nghiệp trả về địa phương. Chưa có lộ trình rõ ràng, chẳng hạn như cần một đề án quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hàng năm cho diện tích này.

 

"Nhà nước cần xây dựng thống nhất bộ tiêu chí chọn đối tượng giao đất, giao rừng từ quỹ đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường giao về địa phương quản lý". 

TS Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn- Trường Đại học Lâm nghiệp.

TS Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn- Trường Đại học Lâm nghiệp, cho rằng hiện quỹ đất lâm nghiệp do các xã đang tạm quản lý khá lớn, nhưng hầu hết các địa phương thiếu nguồn lực và tài chính trong việc tổ chức giao đất giao rừng về cho người dân.

Khi thực hiện giao đất giao rừng nảy sinh nhiều mâu thuẫn về ranh giới đất được giao, do đất đề nghị giao bị chồng lấn lên những diện tích đã giao cho hộ gia đình trước đây. Thế nhưng các cơ quan quản lý đất đai và chính quyền địa phương vẫn chưa có chương trình cụ thể phối hợp với nhau để bóc tách các diện tích chồng lấn và sai lệch với thực tế, chuẩn hóa lại bản đồ, hồ sơ đất đai.

Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giao đất giao rừng, TS Nguyễn Bá Long kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần thống nhất quy trình giao đất và giao rừng cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân trong một thủ tục hành chính để làm bớt phiền hà cũng như thời gian cho người dân.

Đồng thời cần tăng cường sự tham gia của cộng đồng và người dân tộc thiểu số trong quy trình các bước xây dựng phương án giao đất giao rừng, khảo sát, đo đạc, cắm mốc giới ngoài thực địa. Cần sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại để nâng cao độ chính xác trong hoạt động kiểm đếm diện tích đất, rừng ngoài thực địa.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con