Hình thành tuyến vận tải container thủy nội địa kiểu mẫu Hải Phòng - Bắc Ninh

Ánh Tuyết
Chia sẻ

Cục Đường thuỷ nội địa đang đẩy mạnh xu hướng container hóa vận tải thuỷ, đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao cũng như giảm tải hệ thống đường bộ. Gần đây, ICD Tân Cảng Quế Võ được khai trương và trở thành cảng cạn đầu tiên ở khu vực phía Bắc có kết nối vận tải đường thủy nội địa...

Sà lan có trọng tải 128 Teus hiện có thể hoạt động thông suốt trên 120km từ cảng biển Hải Phòng về đến ICD Tân Cảng Quế Võ.
Sà lan có trọng tải 128 Teus hiện có thể hoạt động thông suốt trên 120km từ cảng biển Hải Phòng về đến ICD Tân Cảng Quế Võ.

Thông tin từ Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, những năm gần đây, vận tải đường thủy nội địa ngày càng phát huy vai trò trong hoạt động vận chuyển hàng hóa, tăng trưởng hàng năm đạt khoảng 10%. Riêng năm 2022, vận tải thuỷ vận chuyển được hơn 400 triệu tấn, chiếm khoảng 20% khối lượng hàng hóa vận chuyển, luân chuyển của cả nước.

NHIỀU ĐIỂM NGHẼN "CẢN ĐƯỜNG" DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ

Tuy nhiên, sự phát triển của đường thủy nội địa Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và tỷ lệ vận tải container bằng đường thủy nội địa còn rất khiêm tốn.

Theo Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, vận tải đường thủy nội địa chủ yếu là mặt hàng vật liệu xây dựng, than và hàng rời, trong khi 70% hàng hóa thông qua các cảng biển hiện nay là hàng container.

Cùng với đó, hoạt động vận tải container đường thủy chủ yếu phát triển ở khu vực phía Nam, khu vực phía Bắc còn rất hạn chế. Hiện chỉ có khoảng 100.000 Teus (chưa đến 2%) trong tổng số 6,2 triệu Teus thông qua cảng biển Hải Phòng được vận chuyển bằng đường thủy nội địa.

Lý giá tỷ lệ đảm nhận hàng container còn rất khiêm tốn, lãnh đạo Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, cho hay do vận tải container bằng đường thủy nội địa có chi phí chưa cạnh tranh, đặc biệt, còn một số điểm nghẽn về tĩnh không cầu và độ sâu luồng làm cản trở doanh nghiệp đầu tư phương tiện cỡ lớn, cảng bến hiện đại.

Cùng với đó, chưa hình thành được các cảng thông quan nội địa (ICD) là đầu mối giao thông kết hợp vận tải thủy, vận tải bộ giúp gom và rút hàng giữa các cảng biển và các khu công nghiệp.

Chiếm đến gần 70% lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng, tương ứng khoảng 4 triệu Teus/năm, xung quanh tỉnh Bắc Ninh hiện có 56 khu công nghiệp, gồm 14 khu công nghiệp tại Bắc Ninh, 7 khu công nghiệp tại Bắc Giang, 5 khu công nghiệp tại Thái Nguyên, Hà Nội 15, Vĩnh Phúc 8 và 7 khu công nghiệp tại Phú Thọ.

"Với nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng cao trên trục Bắc Ninh - Hải Phòng, dự báo sẽ vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống đường bộ hiện tại, dẫn đến ùn tắc kéo dài tại các tuyến đường kết nối đến cảng biển và các khu công nghiệp, tạo áp lực về kinh phí bảo trì đường bộ, tăng rủi ro tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường", lãnh đạo Cục Đường thuỷ nhìn nhận.

ĐẨY NHANH "CONTAINER HOÁ" VẬN TẢI THUỶ

Do đó, thời gian qua, tích cực nghiên cứu giải pháp, cơ chế thúc đẩy dịch vụ vận tải thủy kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc với hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc tại khu vực Hải Phòng, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ trương dùng ngân sách nhà nước để đầu tư hạ tầng luồng tuyến, hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa.

Cùng với đó, để đáp ứng với xu hướng container hóa ngày càng rõ rệt, nhu cầu vận tải tăng cao vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống đường bộ và tình trạng ùn tắc kéo dài tại các cảng biển, khu công nghiệp và khu vực lân cận, từ năm 2020 đến nay, Cục Đường thủy nội địa đã chủ trương phát triển tuyến vận tải đường thủy kiểu mẫu từ ICD Tân Cảng Quế Võ đến cảng biển Hải Phòng.

Từ đó hình thành một hệ thống vận tải thủy thuận lợi, bao gồm: (1) cải tạo, nâng cấp hệ thống luồng tuyến đường thủy với đầy đủ báo hiệu, thiết bị phụ trợ đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến sông kết nối từ ICD Tân Cảng Quế Võ đến cảng biển Hải Phòng; (2) hình thành đội tàu là những phương tiện vận chuyển container bằng đường thủy với trọng tải đến 128 Teus; (3) các ICD, cảng, bến thủy nội địa, kho bãi hiện đại, có khả năng tiếp nhận sà lan chở container và là đầu mối giao thông kết hợp phương thức thủy, bộ; đồng thời là điểm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Nhờ đó, đến nay, sà lan có trọng tải 128 Teus có thể hoạt động thông suốt với chiều dài toàn tuyến khoảng 120km từ cảng biển Hải Phòng về đến ICD Tân Cảng Quế Võ thông qua các tuyến sông Cấm - sông Kinh Thầy - sông Thái Bình - sông Đuống - ICD Tân Cảng Quế Võ.

Cùng với đó, dự kiến sau khi cầu Đuống được nâng cấp chiều dài toàn tuyến sẽ là 220km kết nối thuận lợi từ cảng Hải Phòng về Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc và Phú Thọ.

 

Cũng theo tính toán của Cục Đường thủy, so với vận tải đường bộ, 1 sà lan chở được khoảng 100 Teus, bằng khoảng 50 xe container chạy trên đường bộ, với chi phí thấp hơn khoảng 20%, mức độ sử dụng nhiên liệu và lượng phát thải khí nhà kính/tấn-km chỉ bằng khoảng 30%, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đường thủy thấp hơn rất nhiều so với đường bộ.

Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Bùi Thiên Thu, nhấn mạnh thêm vai trò của vận tải đường thủy nội địa trong phát triển kinh tế xanh và sự cần thiết trong việc đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước, bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội trong việc thúc đẩy sự phát triển của vận tải container bằng đường thủy nội địa.

Từ đó, nhằm giảm tải cho hệ thống đường bộ, hệ thống cảng biển, đồng thời giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững ngành giao thông vận tải.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã cấp đất để đầu tư ICD Quế Võ, cảng thủy nội địa và hệ thống kho bãi với diện tích hiện nay là 9,6 ha và giai đoạn mở rộng lên tới 100 ha.

Năm 2021, Bộ Giao thông vận tải công bố ICD Quế Võ là cảng cạn và Bộ Tài chính công nhận ICD Quế Võ là địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Giữa tháng 3/2023, ICD Tân Cảng Quế Võ chính thức được khai trương.

Đặc biệt, kể đầu năm 2023, Hội đồng nhân dân TP. Hải Phòng quyết định giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng khu vực của khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa, giúp giảm chi phí và nâng cao tính cạnh tranh của vận tải container bằng đường thủy.

Với các chính sách hỗ trợ nêu trên, hiện đã có các doanh nghiệp có bề dày truyền thống về vận tải thủy như Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng Công ty cổ phần đường sông miền Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Dịch vụ quốc tế (ILS) đã phát triển hệ thống vận tải thủy tại khu vực phía Bắc.

Trong đó, "ICD Tân Cảng Quế Võ là cảng đầu tiên khu vực phía Bắc có kết nối vận tải đường thủy với quy mô 10ha, 650m cầu tàu, năng lực tiếp nhận sà lan trọng tải tối đa 160 Teu; được trang bị 5 cẩu bờ Liebherr (sức nâng 45 tấn, tầm với 30m) và hệ thống trang thiết bị, công nghệ điều hành khai thác đồng bộ, hiện đại", Cục Đường thủy cho hay.

Tân Cảng Quế Võ cũng là địa điểm thông quan cho hàng hoá xuất nhập khẩu với đầy đủ chức năng như: dịch vụ depot container rỗng, vận chuyển xếp dỡ sà lan; dịch vụ hải quan, soi chiếu, kiểm hoá.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con