Lồng ghép thực thi ESG và Kinh tế tuần hoàn, tạo sức bật chuyển đổi xanh
“Chuyển đổi số” và “chuyển đổi xanh” là những cụm từ khóa đang được nhắc tới nhiều nhất ở mọi cấp độ, trên cả bình diện thế giới, các khu vực, các nền kinh tế, ở mỗi quốc quốc gia, từng địa phương, doanh nghiệp và người dân...
Hai cuộc cách mạng công nghiệp Số và Xanh đã và đang chi phối sâu rộng, hình thành nên các mô hình kinh tế mới, làm thay đổi căn bản các phương thức hoạt động của các ngành, các lĩnh vực kinh tế.
Trong một thế giới VUCA, cách tiếp cận đảm bảo mục tiêu “trụ vững” lại chính là yếu tố “chuyển động”. Hay nói cách khác, “chuyển động” và “thích ứng” là cách hữu hiệu để “trụ vững” và “phát triển”. Các mục tiêu xanh, các tiêu chí xanh, các quy định xanh từ cấp độ quốc gia đến quốc tế, đang đồng thời tạo sức ép và động lực buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi. “Chuyển đổi hay là chết?” trở thành một mệnh lệnh, có ý nghĩa cấp bách hơn bao giờ hết đối với doanh nghiệp, lực lượng xung kích và nòng cốt của nền kinh tế.
ESG và Kinh tế tuần hoàn được xem là cuộc cách mạng xanh của thế kỷ 21 và đang trở thành tâm điểm quan tâm và ứng dụng thực thi của doanh nghiệp các lĩnh vực kinh tế. Thực tiễn chỉ ra vai trò của ESG trong việc thúc đẩy các sáng kiến, hoạt động của kinh tế tuần hoàn ngày càng trở nên quan trọng. Các doanh nghiệp tiên phong ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn kết hợp với thực thi khung đánh giá ESG đều cho thấy các doanh nghiệp này phát huy tính chủ động và sẵn sàng dẫn đầu quá trình chuyển đổi, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Từ thực tiễn triển khai, các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá rằng việc lồng ghép thực thi ESG và kinh tế tuần hoàn, có thể mang lại 10 giá trị nổi bật:
Một là: Hiệu quả tài nguyên. Việc lồng ghép các nguyên tắc ESG với kinh tế tuần hoàn có thể nâng cao đáng kể hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm tác động đến môi trường và chi phí vận hành;
Hai là: Giảm lượng khí thải carbon. Áp dụng các giải pháp tuần hoàn theo khung ESG giúp các công ty giảm đáng kể lượng khí thải carbon, góp phần vào nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu;
Ba là: Nâng cao danh tiếng thương hiệu. Các công ty tuân thủ các nguyên tắc ESG và Kinh tế tuần hoàn được người tiêu dùng và nhà đầu tư đánh giá cao hơn, cải thiện niềm tin và lòng trung thành với thương hiệu;
Bốn là: Đổi mới và năng lực cạnh tranh. Ứng dụng kinh tế tuần hoàn dựa trên khung ESG định hướng thúc đẩy đổi mới, mở ra các thị trường và cơ hội mới để tăng trưởng bền vững;
Năm là: Thu hút đầu tư. Các hoạt động bền vững làm cho các công ty trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư có ý thức sinh thái, đảm bảo nguồn vốn và sự ổn định trong tương lai;
Sáu là: Cải thiện quản lý rủi ro. Các hoạt động bền vững chủ động giúp giảm rủi ro hoạt động và danh tiếng, đảm bảo khả năng phục hồi kinh doanh lâu dài;
Bảy là: Thúc đẩy quan hệ đối tác: Sự hợp tác trên tinh thần đảm bảo các nguyên tắc từ ESG và kinh tế tuần hoàn sẽ mang đến những thành công chung về tính bền vững;
Tám là: Tăng cường các giá trị hòa nhập và bao trùm. Thực thi ESG trong Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy tạo việc làm và phát triển cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội công bằng hơn;
Chín là: Tuân thủ tốt các quy định. Việc dự đoán và thích ứng với các quy định về môi trường sẽ giúp doanh nghiệp tránh được các thách thức và hình phạt pháp lý;
Mười là: Tính bền vững lâu dài: Các công ty áp dụng những phương pháp này có vị thế tốt để đạt được thành công lâu dài trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi.
Có thể thấy đây chính là những điểm mấu chốt được quan tâm nhất trong bối cảnh các doanh nghiệp phải nhanh chóng lựa chọn cho mình các phương thức, mô hình, công cụ đánh giá phù hợp và hiệu quả nhằm đáp ứng các quy định về môi trường, các tiêu chí xanh của hàng hóa trên thị trường cũng như đảm bảo các mục tiêu giảm nâu, tăng xanh và hướng tới phát triển bền vững trên cả bình diện doanh nghiệp, địa phương, quốc gia và thế giới.