Mỹ đưa thêm hãng chip lớn nhất Trung Quốc vào “danh sách đen”
Hãng chip SMIC đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các tham vọng của Trung Quốc về công nghệ
Nhà sản xuất con chip lớn nhất Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC) vừa bị Mỹ áp một loạt biện pháp hạn chế mạnh tay. Đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm gia tăng sức ép lên các công ty Trung Quốc trong những tuần cầm quyền cuối cùng.
Theo tin từ CNN, Bộ Thương mại Mỹ ngày 18/12 đưa hơn một chục công ty Trung Quốc - bao gồm SMIC và hãng sản xuất thiết bị bay không người lái DJI - vào Danh sách Thực thể (Entity List). Việc bị đưa vào "danh sách đen" này đồng nghĩa với các công ty này không thể tiếp tục mua hàng hóa và công nghệ Mỹ.
"Chúng tôi sẽ không cho phép công nghệ tiên tiến của Mỹ được dùng để phát triển quân đội của một nước đối thủ đang ngày càng trở nên hiếu chiến", Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói trong một tuyên bố. Ông Ross nói thêm rằng SMIC "là một minh chứng rõ nét" cho những nguy cơ về Trung Quốc sử dụng công nghệ Mỹ để hiện đại hóa quân đội của mình.
SMIC trước đó luôn khẳng định không có mối quan hệ nào với quân đội Trung Quốc.
Động thái mới của Washington có thể đặt ra thách thức lớn đối với SMIC, vì cũng giống như nhiều nhà sản xuất con chip toàn cầu khác, công ty này có mức độ phụ thuộc cao vào phần mềm, máy móc và các trang thiết bị khác của Mỹ để thiết kế và sản xuất thiết bị bán dẫn.
Năm ngoái, nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) và thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc Huawei cũng bị Mỹ đưa vào Danh sách Thực thể, và kể từ đó, tăng trưởng doanh thu của công ty này đã giảm mạnh.
Với SMIC có tên trong "danh sách đen" của Mỹ, các công ty Mỹ phải xin Bộ Thương mại cấp phép mới được bán hàng hóa, dịch vụ cho công ty Trung Quốc này.
Trước khi bị Mỹ áp hạn chế, SMIC đã gặp rắc rối lớn. Truyền thông Trung Quốc tuần này đưa tin đồng Tổng giám đốc (CEO) của SMIC là ông Liang Mong Song sắp từ chức. Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Tư, SMIC cho biết đang cố gắng kiểm chứng thông tin này, dù công ty đã biết trước rằng ông Liang "muốn nghỉ việc với một số điều kiện nhất định".
Giá cổ phiếu SMIC giảm khoảng 5% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại Hồng Kông, sau khi hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin nói Bộ Thương mại Mỹ sắp đưa côn ty này vào Danh sách Thực thể. Tuần này, cổ phiếu SMIC giảm gần 10%, mức giảm trong một tuần tệ nhất từ cuối tháng 9.
SMIC đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các tham vọng của Trung Quốc về công nghệ. Cho tới nay, phần lớn lượng chip mà các công ty Trung Quốc dùng để sản xuất smartphone, máy tính, thiết bị viễn thông… đều do nước ngoài cung cấp. Năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu con chip của Trung Quốc là 306 triệu USD, chiếm 15% tổng giá trị nhập khẩu của nước này – theo số liệu thống kê chính thức.
Cách đây chưa lâu, SMIC – công ty có cổ đông lớn là các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc – tuyên bố muốn đầu tư thêm vào công nghệ và đuổi kịp các đối thủ. Tuy nhiên, giới phân tích nói rằng SMIC đang chậm hơn từ 3-5 về công nghệ so với những hãng chip hàng đầu thế giới hiện nay như Intel, Samsung và TSMC, và hãng này sẽ phải mất một thời gian dài nữa mới có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh toàn cầu.
Việc ông Liang từ chức có thể khiến mọi việc ở SMIC trở nên phức tạp hơn, bởi những tiến bộ công nghệ gần đây của công ty này chủ yếu do công của ông Liang – theo một báo cáo tuần này của Bernstein.
Sức ép từ Washington có thể sẽ khiến SMIC gặp nhiều thách thức hơn nữa trong nỗ lực đuổi kịp các đối thủ nước noài.
Đầu tháng, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa SMIC vào một danh sách công ty mà cơ quan này cho là thuộc quyền sở hữu hoặc được kiểm soát bởi quân đội Trung Quốc. Quyết định đó đồng nghĩa với việc các tổ chức và cá nhân Mỹ bị cấm đầu tư vào SMIC.