Ngăn chặn tình trạng nâng giá đường để trục lợi
Giá đường trên thế giới đang ở mức cao nhất trong 15 năm qua, một số nhà máy đường trong nước cũng đang “té nước theo mưa”, nâng giá bán đường lên tới 26.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng so với đầu tháng 8/2023. Trước thực tế này, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản đề nghị các hội viên tham gia bình ổn thị trường đường…
Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết mới đây, Ủy ban Điều phối Kinh tế Pakistan (ECC) đã phê duyệt lệnh cấm xuất khẩu đường sau khi giá đường tăng lên mức kỷ lục 170 Rs/kg tại thị trường nội địa. Vào giữa tháng 8/2023, cường quốc mía đường là Ấn Độ cũng đưa ra thông tin dự định sẽ cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2023-2024, bắt đầu từ tháng 10/2023. Nếu dự định này được thực thi, thì đây sẽ là lần đầu tiên Ấn Độ có lệnh tạm dừng xuất khẩu đường trong vòng 7 năm qua.
Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) ước tính sản lượng đường sản xuất cho niên vụ 2022 - 2023 chỉ đạt 34 triệu tấn, thấp hơn 2,5 triệu tấn so với dự báo gần nhất và giảm 5% so với cùng kỳ niên vụ trước. Hạn hán lịch sử tại khu vực Maharashtra của Ấn Độ đã khiến cho nhà sản xuất và xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới phải tiến hành áp hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 5 vừa qua.
Tại Brazil – quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, việc ban hành thuế xăng dầu của Brazil đã khiến cho nguồn cung đường trên thế giới cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực do các nhà sản xuất chuyển hướng sang xăng sinh học thay vì chế biến đường mía phục vụ cho xuất khẩu.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), lượng đường tồn kho trên thế giới trong niên vụ 2022 - 2023 giảm 13% so với niên vụ trước, tạo áp lực khiến giá đường trên thế giới tăng cao. Giá đường bình quân trên thị trường thế giới trong quý 2/2023 đã đạt 600 USD/tấn, tăng 35% so với thời điểm đầu năm và tăng 56% so với cùng kỳ năm trước.
NGÀNH MÍA ĐƯỜNG ĐẠT LỢI NHUẬN CAO
Tại Việt Nam, giá bán đường của các nhà máy sản xuất đường trong quý 2 của năm 2023 cũng đã tăng 10% so với tháng 1/2023, ở mức bình quân 20.000 đồng/kg đối với đường tinh luyện. Rất hiếm năm nào ngành mía đường Việt Nam đạt được lợi nhuận cao như năm nay.
Công bố báo cáo tài chính quý 2 và nửa đầu năm 2023 của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi cho thấy kết quả kinh doanh khá ấn tượng và đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận chỉ sau nửa năm. Cụ thể, trong quý 2/2023, Đường Quảng Ngãi ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 712 tỷ đồng, tăng tới 95% so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Đường Quảng Ngãi đạt 5.282 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 32%. Trong đó, dòng sản phẩm chính là đường đạt gần 2.220 tỷ đồng, chiếm 42%. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt hơn 1.028 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, tăng tới 90% so với cùng kỳ.
Lý giải nguyên nhân lợi nhuận tăng vọt, ông Võ Thành Đàng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, cho biết sản phẩm đường có sản lượng tiêu thụ tăng 133%, doanh thu tăng 151%. Thời gian qua, Công ty Đường Quảng Ngãi đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất công nghiệp giúp tăng năng suất và chất lượng cây mía.
Báo cáo tài chính quý 2/2023 của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La cũng ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 550 tỷ đồng, tăng 152% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 225 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Công ty cổ phần Đường Kon Tum cũng ghi nhận kết quả kinh doanh rất tích cực trong quý 2/2023, khi lợi nhuận sau thuế tăng 620% so với cùng kỳ năm ngoái. Có được kết quả này, là do sản lượng đường tiêu thụ tăng và giá bán mặt hàng đường tăng cao.
ĐANG CÓ DẤU HIỆU "GĂM HÀNG", ĐẨY GIÁ ĐƯỜNG
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết vụ sản xuất đường tại Việt Nam đã kết thúc vào tháng 6/2023. Trong vụ ép 2022/2023, ngành đường Việt Nam đã thực hiện mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương với các nước trong khu vực, trong khi vẫn giữ giá đường ở mức tương đương và thấp hơn so với các nước sản xuất mía đường lân cận bao gồm Philippines, Indonesia và Trung Quốc.
Dự kiến, niên vụ sản xuất đường mới (2023/2024), các nhà máy đường sẽ bắt đầu hoạt động từ giữa tháng 10/2023.
Vào giữa tháng 8/2023, Pakistan ban hành lệnh cấm xuất khẩu đường, trong khi đó, Ấn Độ dự kiến sẽ ban bố lệnh cấm xuất khẩu đường từ tháng 10/2023 đến hết quý 2/2024, đang tạo ra “cơn bão” khiến giá đường thế giới tăng vọt. Hiện, giá đường thô trên thế giới đã ở mức 620 USD/tấn, cao nhất 15 năm qua.
Bối cảnh trên khiến giá đường tại Việt Nam cũng đang tăng mạnh. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, vào đầu tháng 8/2023, giá đường trong nước đã đạt từ 20.000 - 21.500 đồng/kg, tăng 12% so với thời điểm đầu năm và tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến cuối tháng 8/2023, nhiều doanh nghiệp đã nâng giá bán đường lên thêm 4.000-5.000 đồng/kg, đạt ngưỡng 25.000 đồng/kg, thậm chí có công ty công bố giá đường kính trắng là 26.000 đồng/kg và đường tinh luyện là 27.000 đồng/kg.
Ngày 28/8/2023, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi thông báo giá đường tinh luyện loại 0,5kg/túi và 1kg/túi tại doanh nghiệp từ 27.000-27.500 đồng/kg; đường RS từ 26.000-26.500 đồng/kg; đường vàng 25.500-26.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, hiện chỉ còn một số nhà máy còn đường để bán, trong khi nhiều nhà máy đã hết hàng ngay sau khi kết thúc vụ sản xuất. Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, cho biết vụ mía vừa rồi, chịu ảnh hưởng bởi thời tiết, lượng mía giảm hơn 20%. Vụ sản xuất của nhà máy đã kết thúc vào cuối tháng 4 và đã hết sạch đường trong kho ngay từ tháng 5. Do vậy, dù biết giá đường biến động và tăng cao nhưng Công ty không được hưởng lợi.
Trước thực trạng giá đường tăng cao, mới đây, ngành thực phẩm có công văn gửi Bộ Công Thương kiến nghị mở rộng hạn ngạch nhập khẩu đường với tối thiểu 600.000 tấn, do các nhà máy sản xuất đường trong nước không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; đồng thời đề xuất hàng năm Bộ Công Thương thực hiện đấu giá hạn ngạch thuế quan vào tháng 9, với lượng tối thiểu theo cam kết WTO là 119.000 tấn.
Về vấn đề này, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh các quy định đấu thầu hạn ngạch thuế quan để ngăn cản các hành vi bắt tay vô hiệu hóa hình thức đấu giá, bảo đảm kết quả đấu giá phân giao phù hợp với các yêu cầu của Luật Cạnh tranh và Luật Đấu thầu.
Sau khi thực hiện khối lượng đấu giá 119.000 tấn, nếu có dấu hiệu giá đường tăng do thiếu nguồn cung hoặc hiện tượng găm hàng tăng giá khiến giá đường vượt qua mức giá hài hòa lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp sản xuất đường, các doanh nghiệp tiêu thụ đường và người tiêu dùng, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam xin nhận trách nhiệm kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan quản lý nhà nước để đề xuất bổ sung hạn ngạch thuế quan 2023 trước khi vào vụ ép 2023-2024.
Trong văn bản đề nghị các hội viên tham gia bình ổn thị trường đường, Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận định rằng đang có dấu hiệu “găm hàng”, đẩy giá đường lên cao của một số nhà máy đường, thương nhân kinh doanh đường. Theo đó, Ban Chấp hành Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị các hội viên sản xuất tham gia bình ổn bằng cách đưa đường ra thị trường theo yêu cầu sử dụng và giữ giá bán đường ở mức giá hợp lý bảo đảm mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.
“Không để giá đường tăng thêm nữa nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình và người tiêu dùng. Tuyệt đối không thực hiện hoặc tiếp tay với các hành vi găm hàng, đẩy giá”, Hiệp hội Mía đường Việt Nam khuyến cáo, đồng thời khẳng định đối với những trường hợp không tuân thủ sẽ buộc phải có những biện pháp đối phó.
Thời điểm này ngành đường Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị vào vụ sản xuất ép mía 2023 – 2024, thị trường đường ổn định là yếu tố quan trọng bảo đảm đầu ra của chuỗi liên kết sản xuất mía – đường. Theo quan điểm của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá bán đường tại kho của các nhà máy nên ở mức 20.000-22.000 đồng/kg là hợp lý...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 36-2023 phát hành ngày 04-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam