Nhiều ý kiến trái chiều bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy: Bộ Tài chính đưa ra loạt đề xuất sửa đổi
Là một "tấm lá chắn" hữu hiệu sau tay lái, tuy nhiên, bảo hiểm bắt buộc với xe máy vấp phải nhiều ý kiến trái chiều nhiều năm và đề nghị bãi bỏ. Để chính sách đầy nhân văn này thuận lợi khi thực thi, Bộ Tài chính đang dự thảo sửa đổi nghị định theo hướng: giảm phí bảo hiểm, tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo, thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm và gỡ vướng về thủ tục bồi thường...
Chiều ngày 9/1, trong buổi họp báo quý 4 do Bộ Tài chính tổ chức, ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nêu rõ sự cần thiết phải tiếp tục áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy.
Ông Ngô Việt Trung đánh giá hiện nay, mô tô, xe máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam, gây thiệt hại tới sức khỏe, tính mạng và tài sản của bên thứ ba. Dẫn chứng số liệu thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết tổng số xe máy đăng ký tính đến tháng 10/2020 là 72 triệu xe và chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn.
"TẤM LÁ CHẮN" HỮU HIỆU SAU TAY LÁI
Tuy nhiên, trên thực tế trong nhiều trường hợp, chủ xe lại tử vong khi xảy ra tai nạn hoặc đang gặp khó khăn về tài chính, phá sản; hay không đủ khả năng, năng lực tài chính để chi trả, bồi thường cho nạn nhân, đặc biệt là trường hợp chủ xe máy thuộc thành phần, tầng lớp lao động trong xã hội, tạo gánh nặng và bất ổn cho toàn xã hội.
Như vậy, "bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bao gồm cả xe máy là giải pháp tài chính, công cụ chuyển giao rủi ro từ chủ xe cơ giới sang các doanh nghiệp bảo hiểm. Khi đó sẽ bảo đảm nguồn tài chính cho chủ xe cơ giới để nhanh chóng bồi thường cho nạn nhân, kịp thời ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện an sinh xã hội", ông Trung nhấn mạnh.
Cơ sở pháp lý về tính bắt buộc của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũng được quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Luật kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 mới ban hành.
Đối chiếu kinh nghiệm triển khai loại hình bảo hiểm này tại nhiều quốc gia trên thế giới, ông Ngô Việt Trung, cho hay bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã được các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp ngay từ những ngày đầu ra đời của các phương tiện xe cơ giới.
Theo đó, Anh là quốc gia đầu tiên quy định bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là bắt buộc được quy định tại Luật Giao thông thông đường bộ 1930, trước quan ngại thời kỳ phương tiện xe cơ giới bùng nổ kéo theo hậu quả tai nạn giao thông càng nghiêm trọng.
Đến nay, hầu hết các nước dễ áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô, mô tô, xe máy và thậm chí có quốc gia áp dụng cả với xe đạp điện.
Thậm chí, để bảo đảm thực hiện, nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore... có quy định việc tham gia giao thông mà không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba là bất hợp pháp và có thể áp dụng hình phạt tù trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần.
Từ các nước phát triển có số lượng xe mô tô, xe máy thấp như Mỹ (khoảng 8 triệu xe), EU (11,6 triệu xe) hay các nước đang phát triển có số lượng xe mô tô, xe máy "khủng" tham gia giao thông như Ấn Độ (221 triệu xe), Trung Quốc (trên 90 triệu xe), Indonesia (110 triệu xe), Thái Lan (22 triệu xe), đều áp dụng loại hình bảo hiểm này.
Còn tại Việt Nam, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bao gồm cả ô tô, xe máy, được thực hiện 34 năm, quy định tại Nghị định 30-HĐBT ngày 10/3/1988, trải qua 4 lần sửa đổi vào các năm 1997, 2008, 2013 và 2021, cùng với đó là 8 lượt văn bản quy định chi tiết.
VÌ SAO CHÍNH SÁCH NHÂN VĂN NHƯNG LUÔN BỊ PHẢN ĐỐI?
Theo lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, từ khi chế độ bảo hiểm này xuất hiện đầu tiên Việt Nam, trải qua nhiều giai đoạn phát triển vẫn luôn có những quan điểm trái chiều về việc bỏ bảo hiểm xe máy và dấu hỏi về sự cần thiết của loại hình bảo hiểm này.
Thậm chí, tại các kỳ họp Quốc hội vừa qua, cũng có nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra vấn đề này và sau khi Bộ Tài chính có báo cáo giải trình thì đã tiếp tục đồng ý thực hiện bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe cơ giới trong đó có xe máy.
Do đó, cần phải tìm rõ bản chất tại sao lại có một số kiến không đồng tình với loại bảo hiểm này trong khi phí bảo hiểm xe máy rất thấp, chỉ trên 50.000/xe/năm?
Trước đó, cử tri nhiều tỉnh, thành như Bến Tre, Long An, Bình Thuận… đều kiến nghị xem xét bỏ quy định mua bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15/1/2021 do còn nhiều bất cập.
Bởi lẽ, khi tai nạn xảy ra, chủ phương tiện và người thân phải lo đi cấp cứu, không có thời gian để lo các loại giấy tờ chứng minh thiệt hại theo yêu cầu để nhận được bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm. Do đó, nhiều người mua bảo hiểm nhưng không thanh toán được vì không đủ giấy tờ.
Do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi quy định theo hướng không bắt buộc mua bảo hiểm hoặc quy định thủ tục chi trả bảo hiểm đơn giản nhất để người dân được thuận lợi hơn trong việc hưởng bảo hiểm này.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng từng gửi văn bản tới Bộ Tài chính góp ý về dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Cụ thể, VCCI thẳng thắn cho rằng trong thời gian qua, việc thực hiện các loại bảo hiểm bắt buộc được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích xã hội nhưng với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy thì không.
Sau hơn 10 năm triển khai Nghị định 103/2008/NĐ-CP, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, khiêm tốn ở mức 6% năm 2019 (45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm). Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác, cụ thể, tỷ lệ chi trả của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe ô tô là khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ là 31%.
Rõ ràng, lợi ích mang lại từ khoản tiền bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy lớn gấp nhiều lần chi phí xã hội phải bỏ ra.
Thấu hiểu những thắc mắc của cử tri các tỉnh thành, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, thừa nhận sau khi rà soát và nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tham gia bảo hiểm khá thấp. Hơn nữa, khi xảy ra tai nạn, số người yêu cầu bồi thường cũng tương đối thấp.
"Có thể một phần do thủ tục hành chính để bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm gây khó dễ, khiến người dân không muốn đòi quyền lợi. Cũng có thể do những vụ va chạm xe máy đều nhỏ và đa số các vụ đều tự thỏa thuận.
Trong khi đó, thống kê cho thấy lượng chủ xe ô tô yêu cầu bồi thường và được chấp nhận bồi thường lên đến trên 98%", ông Ngô Việt Trung phân tích nguyên nhân.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi yêu cầu cơ quan quản lý bảo hiểm phải giám sát được quá trình thực thi, thực sự tạo thuận lợi, không gây vướng mắc về thủ tục hành chính.
Bởi thủ tục rườm rà dẫn đến việc nếu xảy ra rủi ro được bảo hiểm hay người mua bảo hiểm "chán" đến mức không làm thủ tục. Đồng thời, các đơn vị cần ghi nhận những ý kiến để chính sách cần thiết này được thực thi và đi vào cuộc sống.
RÀ SOÁT QUY ĐỊNH BẤT CẬP
Chia sẻ các định hướng, giải pháp trong thời gian tới để chính sách đầy nhân văn này được đón nhận và đi vào cuộc sống hơn, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, cho biết trong thời gian tới, dự thảo Nghị định sắp ban hành nhằm đồng bộ với Luật kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 về cơ bản kế thừa các quy định tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tăng tỷ lệ chỉ bồi thường đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy.
Cụ thể, một là, giảm phí bảo hiểm. Dự thảo Nghị định bổ sung quy định tỷ lệ giảm phí 15% đối với các xe có lịch sử bồi thường thấp để tạo tăng cường vai trò công cụ điều tiết kinh tế của loại hình bảo hiểm này.
Hai là, tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo từ 25% lên 30%. Đề xuất này nhằm tăng cường hơn nữa chi hỗ trợ nhân đạo trong trường hợp tai nạn thuộc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hoặc không thuộc phạm vi bồi thường.
Những năm qua đã 2 lần tăng mức trách nhiệm bồi thường, từ 70 triệu đến 150 triệu đồng. Cục sẽ tiếp tục rà soát và sửa đổi phù hợp trên cơ sở đánh giá đầy đủ kết quả triển khai cũng như kết quả kinh doanh cụ thể của loại hình bảo hiểm này.
Ba là, thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
Theo quy định hiện hành tại Nghị định số 03/2021/NĐ- CP, lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn gây tai nạn sẽ không được bồi thường bảo hiểm.
"Dự thảo Nghị định đã thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo hướng chỉ loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế", ông Trung nêu rõ.
Góp ý về dự thảo này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ trường hợp xe máy. Theo đó, việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác, sẽ dựa trên sự tự nguyện thoả thuận của các bên.
VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc công khai thông tin, dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm xe cơ giới.
Thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, ước tính năm 2021, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới khoảng 3.970 tỷ đồng; trong đó, ô tô 2.893 tỷ đồng và xe máy 1.076 tỷ đồng.
Ước tính số tiền bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nhân sự toàn bộ xe cơ giới khoảng 750 tỷ; trong đó, ô tô 723 tỷ đồng; xe máy 27 tỷ đồng. Về dự phòng bồi thường khoảng 308 tỷ trong đó, ô tô 225 tỷ và xe máy 83 tỷ. Bên cạnh đó còn một số khoản dự phòng khác và trích nghiệp vụ nhưng chưa riêng tách riêng ô tô, xe máy.
Bình quân giai đoạn 2017-2021, tỷ lệ chi bồi thường của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bao gồm cả ôtô và xe máy) khoảng 19,81%.