Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Chu Khôi
Chia sẻ

Tổng sản lượng phế phụ phẩm, chất thải của ngành nông nghiệp tại Việt Nam rất lớn, ước tính lên đến 156,8 triệu tấn/năm. Do đó, cần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp để từ những thứ “bỏ đi” có thể tạo ra được hàng hóa giá trị cao, gia tăng lợi nhuận cho nông dân…

Kinh tế tuần hoàn là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp
Kinh tế tuần hoàn là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp

Tại phiên tọa đàm “Nông nghiệp tuần hoàn - sản xuất và tiêu dùng bền vững” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam lần thứ 3, năm 2024, do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức mới đây, đại diện nhiều doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu đã chia sẻ những kinh nghiệm khi xây dựng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn.

Giới thiệu về dự án “Thu gom và xử lý chất thải hữu cơ từ ngành cá tra - Ủ biogas và sản xuất năng lượng tái tạo”, ông Lê Minh Hiếu, Công ty TNHH Mekong 102, cho biết công ty sẽ kết hợp với các nhà máy chế biến cá tra, nhà máy chế biến trái cây tổ chức thu gom các chất thải sau chế biến và đầu tư xe bồn chuyên dụng để vận chuyển về nhà máy theo chu trình khép kín. Từ nguồn phế thải này sẽ tạo được nguồn phân hữu cơ và tách được khí tái tạo, dự kiến 3.000 - 5.000 tấn phân hữu cơ/năm và khí tái tạo 50.000 m3/năm.

Về thu hồi năng lượng tái tạo trong quá trình xử lý chất thải làm phân bón, ông Hiếu cho biết công ty sẽ tách khí metan ra, sử dụng làm nhiên liệu đốt bán cho các nhà máy lân cận trong cùng cụm nghiệp; hoặc đóng khí vào các bình gas đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Như vậy, ngoài lợi nhuận từ sản phẩm phân bón hữu cơ, dự tính mỗi năm dự án sẽ có thêm doanh thu 1 tỷ đồng từ việc bán khí gas.

NHIỀU MÔ HÌNH HIỆU QUẢ CAO

Ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp, cho biết hiện Viện đang thực hiện khoảng 20 dự án về các công nghệ xử lý chế biến các loại phụ phẩm cây trồng (lúa, cao su, mía đường, điều, cà phê…); xử lý chất thải chăn nuôi, giết mổ. Các kết quả nghiên cứu của Viện đã được chuyển giao cho các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

 

“Trong ngành lúa, chúng tôi đã nghiên cứu chế biến rơm và trấu thành viên nén. Chúng tôi cũng đã đồng hành với Hà Nội, hỗ trợ tạo ra chế phẩm trong việc xử lý rơm rạ nhanh để chuyển giao, phổ biến cho tất cả các huyện. Nhờ vậy, hiện nay tỷ lệ đốt rơm rạ ở Hà Nội giảm xuống rất nhiều”.

Ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Mỹ Ngân, Giám đốc Công ty Viet Haus, cho hay công ty hiện nay đang xây dựng hệ sinh thái tuần hoàn cho cây điều. Đến nay có 4.000 ha điều đã được chứng nhận hữu cơ. Viet Haus không chỉ thu hoạch hạt điều mà còn thu quả điều đem chế biến thành thực phẩm chay - loại thực phẩm đang rất được ưa chuộng ở châu Âu vì giàu dưỡng chất. Công nghệ chế biến quả điều thành thực phẩm được các doanh nghiệp ở châu Âu nghiên cứu và đặt hàng Viet Haus sản xuất. “Chúng ta tiếp cận mô hình doanh nghiệp không chỉ là mua bán hàng hóa, mà từ những thứ bỏ đi sẽ tạo ra được hàng hóa giá trị cao để gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Chúng tôi gọi là mô hình hệ sinh thái liên kết kiến tạo giá trị một cách bền vững”, bà Ngân nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Cố vấn cao cấp của Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), cho biết chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi được Chính phủ Hà Lan và Tổ chức SNV hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện, đã trải qua nhiều giai đoạn. Hàng trăm nghìn công trình khí sinh học đã được lắp đặt tại các chuồng chăn nuôi quy mô nhỏ hộ nông dân, tận dụng chất thải, giảm thiểu ô nhiễm, sản xuất năng lượng tái tạo.

Trong giai đoạn hiện nay, chương trình đang triển khai thực hiện dự án năng lượng khí sinh học trong nền nông nghiệp tuần hoàn, cung cấp máy phát điện biogas cho các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn. Sau 3 năm triển khai, dự án đã lắp đặt máy phát điện biogas tại hơn 100 trang trại ở 18 tỉnh, thành phố trên cả nước; đặc biệt nhiều tập đoàn chăn nuôi lớn như Dabaco, CP… đã sử dụng chất thải chăn nuôi để phát điện phục vụ tại chỗ cho chính các trang trại chăn nuôi. Dự án cũng đã đăng ký thành công tín chỉ carbon. Bà Hương cho rằng đây cũng là bước chuyển mình của SNV và các trang trại chăn nuôi lớn tại Việt Nam.

PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG ĐẦU RA CHO NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN

Bà Tạ Thu Trang, Trung tâm Thông tin Nông nghiệp nông thôn (AGROINFO), thuộc Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), cho biết tổng sản lượng phế phụ phẩm của ngành nông nghiệp tại Việt Nam rất lớn, ước tính lên đến 156,8 triệu tấn. Trong đó, trồng lúa tạo ra 47 triệu tấn rơm rạ, 8,6 triệu tấn trấu. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, hàng năm có khoảng 16 triệu m3 củi/năm, chế biến gỗ cũng tạo ra 8,6 triệu m3/năm, gồm: mùn cưa, đầu mẩu, gỗ vụn... Các doanh nghiệp chế biến gỗ đã thu gom phế phụ phẩm để sản xuất ván ép, gỗ ép, làm đệm lót sinh học phục vụ chăn nuôi, ép viên làm chất đốt...

Lĩnh vực chế biến thủy sản, chế biến tôm hàng năm sản xuất ra 889.840 tấn tôm, tạo ra 314.944 tấn phế phụ phẩm, gồm: vỏ tôm, đầu tôm, nước thải, bùn thải… Chế biến cá tra hàng năm sản xuất ra 1.420.000 tấn và 994.000 tấn phụ phẩm, gồm: da, đầu, xương, mỡ, nước thải, bùn… Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đã sử dụng và chế biến phụ phẩm thành các sản phẩm hữu ích, có giá trị phục vụ cho sản xuất thức ăn, chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao hơn.

Ngành trái cây hàng năm sản xuất 8.800.000 tấn, thải ra 4.400.000 tấn phế phẩm vỏ, cùi, hạt, lá và thân cây. Lĩnh vực chăn nuôi và giết mổ hàng năm thải ra 74.639.000 tấn chất thải, máu, xương, lông...

Bà Trang cho biết tại Việt Nam đã hình thành nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, như mô hình tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt; mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản như VAC, lúa-tôm, lúa-cá; các mô hình nông-lâm kết hợp; mô hình tuần hoàn sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hay tạo ra các sản phẩm có giá trị. Ngoài ra, có mô hình tiết chế hóa gắn liền với việc hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thuốc tăng trưởng trong trồng trọt và chăn nuôi.

Trong 3 năm gần đây, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Cụ thể, Quyết định số 1658/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 540/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Thông tư 19/2019/TT-BNNPTNT quy định việc thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng; Thông tư 12/2021/TT-BNNPTNT hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác.

Tuy nhiên, bà Trang cho rằng khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện; hiện nằm rải rác ở các luật, nghị định khác nhau. 

Ngoài ra, sự gắn kết giữa các tác nhân trong các mô hình kinh tế tuần hoàn còn yếu. Việc nghiên cứu, chuyển giao, phổ biến, đầu tư khoa học, công nghệ, nhân lực trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn còn chưa được quan tâm đúng mức.

Từ thực tế trên, bà Trang đề xuất một số giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp tuần hoàn; truyền thông nâng cao nhận thức và năng lực...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 51-2024 phát hành ngày 16/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam 

Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp  - Ảnh 1

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con