Thúc đẩy khoa học công nghệ là lời giải cho bài toán chuyển đổi kinh tế tuần hoàn
Góp ý tại Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam năm 2024, chuyên gia đã đề xuất áp dung công nghệ khí hóa chất thải rắn nhằm tăng cường hiệu quả xử lý rác thải cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn của Việt Nam...
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn năm 2024 ngày 10/12, ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh rằng thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ về môi trường, về giảm phát thải carbon sẽ là câu trả lời cho bài toán chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, giúp hàng hóa của doanh nghiệp trong nước tiếp tục có chỗ đứng tại các thị trường lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ mới cũng phải đảm bảo tính bền vững về kinh tế. Những công nghệ, giải pháp mang tính thử nghiệm cần có sự hỗ trợ ban đầu nhưng nếu không có sự bền vững, không thể tự "sống" được thì đó không phải công nghệ tốt.
Theo ông Đông, công nghệ tốt, công nghệ tiên tiến phải có đủ khả năng để thương mại hóa trên thị trường, đủ sức cạnh tranh. Ông cho biết một trong những giải pháp đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới và nên được áp dụng tại Việt Nam chính là công nghệ khí hóa chất thải rắn. "Đây là công nghệ tuần hoàn đúng nghĩa".
Đặc thù chất thải Việt Nam là các loại rác có giá trị tái sử dụng đã được những lao động làm nghề đồng nát đã thu gom để xử lý. Những thứ còn lại sẽ ra bãi rác là thách thức với mọi loại công nghệ", Viện trưởng Viện nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển chia sẻ tại diễn đàn.
Theo chuyên gia này, công nghệ đốt rác phát điện, được đánh giá là phương án nhiều tiềm năng để xử lý lượng rác thải lớn của Việt Nam nhưng cũng có những tồn tại hạn chế.
"Hiện tại, cứ 4 tấn rác đến nhà máy thì 1 tấn là tro bay gồm các chất thải độc hại cần phải chôn cất và bảo quản rất chặt chẽ (hơn 3%). Khoảng hơn 20% là tro xỉ, được nói rằng có thể dùng để làm đường nhưng vẫn cần quản lý chặt chẽ để tránh ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó là mỗi tấn rác đốt phát điện sẽ phát thải từ 1-1,7 tấn CO2", ông Đông giải thích thêm.
Ngược lại, đối với công nghệ khí hóa chất thải rắn thì không phát thải hoặc phát thải rất ít khí nhà kính. Theo số liệu đo lường thực tế tại Việt Nam thì chỉ có 75kg carbon/tấn rác.
Công nghệ này có tính tuần hoàn 100% và chỉ sản xuất ra 2 sản phẩm là biochar (than sinh học), có thể phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, và khí syngas - có tính chất tương tự như khí đốt tự nhiên. Đây là một nguồn năng lượng sạch với giá thành phù hợp.
Theo ông Đông, nếu công nghệ khí hóa chất thải rắn được áp dụng trong các khu công nghiệp sinh thái sẽ mang lại hiệu quả lớn khi khí syngas được tạo ra từ việc xử lý chất thải của các doanh nghiệp sản xuất có thể được dùng để phát điện cho chính những cơ sở này.
Bên cạnh đó, đang có những doanh nghiệp từ Mỹ, Anh muốn mang công nghệ xử lý nước thải độc hại của các khu công nghiệp đến Việt Nam. Quá trình xử lý này cũng sẽ tạo ra khí để phát điện cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
"Những công nghệ xử lý chất thải rắn và nước thải trên có thể mang lại lợi nhuận kinh tế cho doanh nghiệp vì chúng tạo ra tín chỉ carbon, có thể giúp doanh nghiệp không mất chi phí khi áp dụng những công nghệ này", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Ông Đông cho rằng cần có sự công bằng khi đánh giá và lựa chọn ứng dụng các công nghệ phục vụ quá trình chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, với những công nghệ đã chứng minh được tính hiệu quả cả về bảo vệ môi trường và có tiềm năng kinh tế, cần phải được nhân rộng ra quy mô lớn thay vì chỉ ứng dụng trong một số dự án nhỏ lẻ...