Sẽ sớm báo cáo Chính phủ giải pháp ứng phó tác động thuế tối thiểu toàn cầu
Dự kiến, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành có liên quan sẽ sớm báo cáo Chính phủ cũng như các cơ quan có thẩm quyền khác để chủ động có những chính sách ứng phó với tác động của thuế tối thiểu toàn cầu...
Trả lời VnEconomy tại họp báo Chính phủ chiều 5/5 về việc Việt Nam sẽ chuẩn bị các giải pháp gì để ứng phó với các tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan sẽ sớm báo cáo Chính phủ để có những chính sách ứng phó, cũng như dự kiến một số chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ nghiên cứu do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm tổ trưởng, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ thành lập một nhóm giúp việc cho tổ này.
Về phía Bộ Tài chính, ngày 18/4 vừa qua, Bộ cũng đã tổ chức hội thảo bàn về các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, kinh nghiệm áp dụng cho các quốc gia, dự kiến tác động cũng như các giải pháp khuyến nghị cho Việt Nam.
Qua hội thảo, đánh giá có hai vấn đề chính, một là Việt Nam có chủ động giành quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu hay giữ lại những ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI như trước đây.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, từ khuyến nghị của các tổ chức tư vấn độc lập cũng như chính các doanh nghiệp FDI chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, đều khuyến nghị Việt Nam nên chủ động sớm ban hành quy định pháp luật để giành quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu.
Tức là chúng ta phải xây dựng hệ thống pháp luật để điều chỉnh thuế tối thiểu toàn cầu theo mức thuế tối thiểu toàn cầu, có sự thay đổi so mức ưu đãi như trước đây.
"Như vậy, các giải pháp vẫn thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, cũng như dành các ưu đãi cho họ, song vẫn phù hợp để thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, và các chính sách khác mà Việt Nam là thành viên đã tham gia và cam kết", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Hiện Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng các giải pháp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thông qua các giải pháp cả trực tiếp lẫn gián tiếp, sau khi thay đổi mức độ ưu đãi cho các doanh nghiệp này.
Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành có liên quan để cụ thể hóa các chính sách này, dự kiến có một số chính sách có thể hỗ trợ được như: Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng trực tiếp trong các khu công nghiệp có doanh nghiệp đang đóng trên địa bàn; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu và phát triển, cũng như sẽ có các chính sách khác phù hợp với các cam kết của Việt Nam.
Đồng thời, vẫn thỏa mãn yêu cầu của các doanh nghiệp FDI khi có sự thay đổi về thuế tối thiểu toàn cầu. “Dự kiến, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành có liên quan sẽ sớm báo cáo Chính phủ, cũng như các cơ quan có thẩm quyền khác để chúng ta chủ động có những chính sách ứng phó với tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.
Một mặt vừa đảm bảo tài chính của Việt Nam song cũng cần đảm bảo các môi trường tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư lớn, đem đến cho Việt Nam những công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin thêm.