Tăng giờ làm thêm: Giới hạn ở mức vừa phải, không nên thành tiền lệ
Việc tăng giới hạn làm thêm trong tháng cần cân nhắc ở mức vừa phải, không nên áp dụng tổng số giờ làm thêm 300/năm cho mọi ngành nghề; thời gian làm thêm giờ chỉ nên mang tính chất tạm thời và bảo đảm các điều kiện chăm lo cho người lao động…
Chính phủ đã có đề xuất nâng số giờ làm thêm của người lao động từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ mỗi tháng, và tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ/năm cho mọi ngành nghề. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng giờ làm thêm trong tháng cần cân nhắc ở mức độ phù hợp và chỉ giới hạn ở một số ngành nghề.
Trao đổi với VnEconomy, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi là một vấn đề hết sức quan trọng, đây cũng là một trong bốn nội dung khi hoàn thiện Bộ luật Lao động năm 2019 đã được các cấp, các ngành rất quan tâm, và được lấy ý kiến rộng rãi.
“Trong Bộ luật Lao động, riêng mảng thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong đó có làm thêm giờ phải biểu quyết đến 2 lần. Nói như vậy để thấy rằng, vấn đề này đã được Quốc hội cân nhắc, thảo luận rất kỹ bởi rất nhiều yếu tố, từ sức khỏe của người lao động, năng suất đến đời sống, thu nhập, các yếu tố liên quan đến làm thêm giờ, cũng như mối quan hệ thấu đáo giữa các bên trong quan hệ lao động”, ông Quảng dẫn chứng.
Theo quy định hiện hành, giới hạn làm thêm giờ bao gồm giờ làm việc trong ngày, trong tháng và trong năm. Trước đây, Bộ luật Lao động 2012 quy định thời giờ làm thêm trong tháng giới hạn 30 giờ, thì đến Bộ luật Lao động 2019 được nâng lên 40 giờ.
Tuy nhiên theo ông Quảng, hiện nay đứng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có những thay đổi, xáo trộn, doanh nghiệp mong muốn khôi phục lại sản xuất, nhất là làm thêm giờ để đáp ứng các hoạt động thời gian qua bị gián đoạn cũng như tiến độ các đơn hàng nên có mong muốn điều chỉnh giới hạn làm thêm giờ.
“Qua khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì bản thân người lao động cũng có mong muốn làm thêm giờ, nhưng làm thêm cần cân nhắc. Về chủ trương là đồng ý, nhưng cũng nên xem lại giới hạn. Nâng từ mức 40 giờ/tháng theo quan điểm của tôi là rất ủng hộ, nhưng mức tăng tương đương cần vừa phải, ví dụ từ 40 giờ có thể lên thành 60 giờ sẽ phù hợp hơn, ngoài ra cũng cần loại trừ một số đối tượng để bảo vệ họ”, ông Quảng nhấn mạnh.
Về giới hạn tổng số giờ làm thêm trong năm, theo ông Quảng hiện nay hầu hết các ngành nghề sản xuất có gia công hàng dệt may, gia dày, xuất khẩu cần thiết thì đã cho giới hạn làm thêm đến 300 giờ một năm. Còn hiện nay, đề xuất mở rộng cho mọi ngành nghề thì “không nên”, mà chỉ nên duy trì ở một số nhóm ngành đặc thù, tất nhiên có thể mở rộng thêm một số ngành nghề khác song cơ bản là cần hạn chế.
Về thời hạn làm thêm giờ, vị chuyên gia của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, chỉ nên áp dụng theo Nghị quyết 30 của Chính phủ, nghĩa là việc làm thêm chỉ nên mang tính chất cấp bách, tạm thời, chứ không nên thành tiền lệ. “Việc sửa đổi pháp luật cần có thời gian dài, đặc biệt là giới hạn làm thêm giờ tăng cao thì công đoàn chúng tôi cho rằng người sử dụng lao động cần quan tâm bảo đảm các điều kiện lao động, chăm lo cho người lao động để tránh các tác động gây ảnh hưởng đến sức khỏe cả về trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động”, ông Lê Đình Quảng lưu ý.
Trước đó, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 10/3, Chính phủ đề xuất nâng số giờ làm thêm của người lao động lên không quá 72 giờ/tháng và không quá 300 giờ/năm.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đề xuất được đưa ra trong bối cảnh năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn năm trước, lao động trong các ngành kinh tế tiếp tục giảm, thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường mới nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 xảy ra liên tục trong 2 năm qua làm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, lao động không có việc làm và thất nghiệp, sự dịch chuyển lao động lớn dẫn tới thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật ở nhiều địa phương…
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp về thực trạng hoạt động sản xuất, đặc biệt là những khó khăn về lực lượng lao động, mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, làm bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc.
Theo Bộ trưởng, đối chiếu các quy định về giới hạn làm thêm trong tháng, trong năm theo Điều 107 của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động được phép thỏa thuận với người lao động làm thêm không quá 40 giờ/tháng, một số ngành nghề, công việc được làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm.
Việc nâng giới hạn làm thêm giờ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp do tác động tiêu cực của đại dịch, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới.
Nội dung của dự thảo Nghị quyết là khác so với Bộ luật Lao động năm 2019. Nhưng trong bối cảnh đặc biệt, đáp ứng yêu cầu cấp bách, đồng thời để việc triển khai chính sách hỗ trợ được tiến hành trong thời gian sớm nhất, kịp thời hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 xem xét, quyết định thông qua.