Xem xét điều chỉnh tăng giờ làm thêm, không quá 300 giờ/năm
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang tổng hợp ý kiến đề xuất cho phép điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng với một số ngành nghề, lĩnh vực, song không quá 300 giờ/năm...
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung hôm 26/9 cho biết, cơ quan này đang tiến hành tổng hợp ý kiến với đề xuất cho phép điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng với một số ngành nghề lĩnh vực.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện Bộ đang tổng hợp ý kiến của đối tượng tác động, nhất là các hiệp hội, doanh nghiệp để từ đó nghiên cứu, đề xuất theo hướng xem xét, xử lý cá biệt, chỉ nên áp dụng những lĩnh vực, ngành nghề, thực sự cần thiết trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, không áp dụng trên phạm vi tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, do vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, do vậy cần phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Việc điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng cũng sẽ không vượt quá 300 giờ/năm.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp nằm trong vùng bị phong tỏa, cách ly phải cho người lao động nghỉ việc, giãn việc.
Khi doanh nghiệp mở cửa trở lại thì áp lực giao hàng rất lớn, phải bố trí làm ngoài giờ, tuy nhiên tại Điều 107 Bộ luật Lao động quy định thời giờ làm thêm không được phép quá 40 giờ trong 1 tháng.
Vì vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất Nhà nước cho phép doanh nghiệp, sau thời gian phong tỏa được bố trí thời gian làm thêm quá quy định nêu trên để giải quyết các đơn hàng tồn đọng. Doanh nghiệp vẫn sẽ bù trừ các tháng để đảm bảo không quá 300 giờ/năm theo quy định.
Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như: phải được sự đồng ý của người lao động; bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày.
Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 40 giờ trong 1 tháng. Đồng thời, bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 1 năm.
Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước.
Bên cạnh đó là các trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời.
Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất. Các trường hợp khác sẽ do Chính phủ quy định.
Cũng nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ này vừa có Tờ trình gửi Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68 (gói 26.000 tỷ). Hướng sửa đổi là tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết, bổ sung một số nhóm đối tượng thụ hưởng.
Đáng chú ý là việc sửa đổi 2 chính sách liên quan đến người sử dụng lao động gồm: lược bỏ điều kiện quyết toán thuế và những vướng mắc liên quan đến chính sách cho vay trả lương cho người lao động, phục hồi sản xuất; đơn giản hóa điều kiện, thủ tục đối với chính sách hỗ trợ đào tạo từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất.