Tăng tốc đầu tư 5 tuyến cao tốc dài gần 600km, đánh thức tiềm năng đại ngàn Tây Nguyên

Ánh Tuyết
Chia sẻ

Bộ Giao thông vận tải cho biết đến năm 2030 sẽ ưu tiên phát triển các tuyến đường bộ và hàng không để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên. Trước mắt đang chuẩn bị và thực hiện đầu tư 5 tuyến cao tốc dài 568km với tổng mức đầu tư gần 140.000 tỷ đồng; đồng thời, nâng cấp 3 cảng hàng không hiện hữu...

Các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây: Ngọc Hồi - Pleiku,  Pleiku - Buôn Ma Thuột và Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa đang được nghiên cứu đầu tư.
Các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây: Ngọc Hồi - Pleiku, Pleiku - Buôn Ma Thuột và Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa đang được nghiên cứu đầu tư.

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành kế hoạch về thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải dự kiến đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác loạt dự án giao thông lớn ở khu vực Tây Nguyên.

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ

Tây Nguyên có diện tích 54.548 km2, chiếm 1/6 diện tích tự nhiên của cả nước, có biên giới với Lào và Campuchia. Hiện nay, cả khu vực này mới có vỏn vẹn 19km đường cao tốc, đoạn từ thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng tới chân đèo Prenn, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, chủ yếu phục vụ việc di chuyển từ Cảng hàng không Liên Khương tới TP. Đà Lạt và ngược lại. Do vắng bóng cao tốc nên khó tạo ra động lực để liên kết, phát triển vùng.

Kế hoạch nêu rõ ưu tiên phát triển các tuyến đường bộ và hàng không, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về giao thông của vùng để bảo đảm tính chất lan tỏa, liên vùng hình thành kết nối Tây Nguyên với duyên hải Trung Bộ và Đông Nam Bộ để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên.

Cụ thể, dự kiến đến năm 2030, Bộ Giao thông vận tải hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có chiều dài 180 km với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 54.000 tỷ đồng. Đến năm 2027, dự kiến đưa vào khai thác tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có chiều dài 118 km với tổng mức đầu tư sơ bộ gần 22.000 tỷ đồng.

Đến năm 2027, dự kiến đưa vào khai thác tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có chiều dài 129 km với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 25.500 tỷ đồng. Đến năm 2028, đưa vào khai thác tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 67 km với tổng mức đầu tư hơn 18.120 tỷ đồng.

Một số tuyến được nghiên cứu đầu tư, bổ sung vào quy hoạch có thể kể đến như: tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum; nghiên cứu chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, tiến trình đầu tư tuyến sau năm 2030 gồm: cao tốc Ngọc Hồi - Pleiku có chiều dài 90 km, quy mô 6 làn xe với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 18.900 tỷ đồng; cao tốc Pleiku - Buôn Ma Thuột có chiều dài 160 km, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 33.600 tỷ đồng; Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa có chiều dài 105km, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư 22.050 tỷ đồng.

Tăng tốc đầu tư 5 tuyến cao tốc dài gần 600km, đánh thức tiềm năng đại ngàn Tây Nguyên - Ảnh 1

Bộ Giao thông vận tải cũng dự kiến hoàn thành nâng cấp 63 km Quốc lộ 24 (Kon Tum - Quảng Ngãi) đoạn còn lại với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng vào năm 2030.

Đối với đường sắt, đến năm 2030, Bộ Giao thông vận tải dự kiến hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt và đường sắt kết nối Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước).

Tăng tốc đầu tư 5 tuyến cao tốc dài gần 600km, đánh thức tiềm năng đại ngàn Tây Nguyên - Ảnh 2

Đối với hàng không, Bộ Giao thông vận tải dự kiến hoàn thành nâng cấp 3 cảng hàng không vào năm 2029 gồm: Cảng hàng không Liên Khương, Pleiku, Buôn Ma Thuột và bổ sung vào quy hoạch Cảng hàng không Măng Đen vào năm 2025.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 về Đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên.

PHÂN CẤP TỐI ĐA CHO ĐỊA PHƯƠNG

Để có nguồn lực thực hiện, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên; hướng dẫn, phối hợp công tác đầu tư kết nối liên vùng sản xuất hàng hóa, đường đến trung tâm các xã, thôn, bản, đường liên thôn.

Thực hiện Đề án này, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp giữa trung ương và địa phương trong giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thi công và các dự án đã huy động được nguồn vốn bảo đảm chất lượng, tiến độ; ưu tiên phát triển các tuyến đường bộ và hàng không, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về giao thông của vùng, đảm bảo tính lan tỏa, liên vùng hình thành kết nối Tây Nguyên với duyên hải Trung Bộ và Đông Nam Bộ, từ đó khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng.

Đồng thời, hỗ trợ địa phương kêu gọi nguồn vốn hợp pháp đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vùng, bao gồm các trung tâm logistics, cảng cạn gắn với đầu mối vận tải lớn.

Để đạt được mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên, Bộ Giao thông vận tải ban hành kế hoạch xác định lộ trình cụ thể theo từng năm thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên.

Giải pháp tiếp đó được Bộ Giao thông vận tải chú trọng là khai thác có hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hiệu quả; xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo trì hạ tầng giao thông, khắc phục kịp thời các hư hỏng, sự cố, điểm đen tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Về khoa học, công nghệ sẽ chú trọng ứng dụng trong quản lý, điều hành, thiết kế, xây dựng, tổ chức giao thông, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành công trình; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; khuyến khích áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới.

Cùng với đó, rà soát, xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo trì. Nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật đường bộ phù hợp với tiêu chuẩn đường bộ của ASEAN để bảo đảm sự kết nối và hội nhập quốc tế.

Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm phục vụ nhu cầu vận tải, bảo đảm an toàn giao thông gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, tích hợp, lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ khi lập quy hoạch, dự án.

Thúc đẩy triển khai các dự án kết nối hạ tầng giao thông giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông, nhất là trong khuôn khổ Hợp tác tiểu vùng Mê Kông, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và các nước ASEAN.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con