Thúc đẩy hợp tác công nghiệp Việt Nam – Liên bang Nga lên tầm cao mới

Vũ Khuê
Chia sẻ

Doanh nghiệp Việt Nam – Liên bang Nga cần thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trên các lĩnh vực truyền thống và các lĩnh vực mới, như năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, chuyển đổi số, công nghiệp hỗ trợ...

Liên bang Nga có 164 dự án đầu tư vào Việt Nam.
Liên bang Nga có 164 dự án đầu tư vào Việt Nam.

Ngày 15/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương Liên bang Nga tổ chức diễn đàn "Công nghiệp đối thoại doanh nghiệp Nga - Việt" nhằm hỗ trợ kết nối, thúc đẩy hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Liên bang Nga thuộc lĩnh vực công nghiệp. Diễn đàn diễn ra từ ngày 15-16 tháng 12 năm 2022.

CON SỐ HỢP TÁC ĐẦU TƯ ẤN TƯỢNG

Gần 70 doanh nghiệp Nga trực tiếp sang Việt Nam tham gia sự kiện lần này thuộc đa dạng các lĩnh vực như: dược phẩm, thiết bị y tế, khai khoáng, dầu khí, máy móc và thiết bị vận tải, đóng tàu và sửa chữa tàu biển, công nghệ và thiết bị điện, công nghệ thông tin…

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng số lượng đông đảo doanh nghiệp Việt - Nga tham gia diễn đàn thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp hai nước trong tìm kiếm cơ hội phát triển hợp tác trong thời gian tới.

Thúc đẩy hợp tác công nghiệp Việt Nam – Liên bang Nga lên tầm cao mới - Ảnh 1

Đây là dịp để các Bộ ngành hai nước, trong đó có Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Công Thương Liên Bang Nga, các cơ quan đại diện, các tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư của Chính phủ hai bên nắm bắt thực tế nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó đặt ra những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp hai nước hợp tác sản xuất, kinh doanh.

Nhìn lại lịch sử, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhận định, nền móng hợp tác công nghiệp Việt Nam và Liên bang Nga đã được xây dựng từ thế kỷ trước. Hai nước thành lập Ủy ban liên Chính phủ Việt - Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật vào năm 1992, thành lập Liên doanh dầu khí đầu tiên Vietsopetro năm 1993, hoàn thành Nhà máy thủy điện Hòa Bình năm 1994…

Kể từ đó đến nay, cơ chế hợp tác song phương đã được hoàn thiện bằng nhiều văn kiện được ký kết ở cấp Nhà nước, các Hiệp định liên Chính phủ về các dự án trong lĩnh vực dầu khí, cùng nhiều văn kiện hợp tác được ký kết cấp Bộ, cấp địa phương trên các lĩnh vực kinh tế. Các văn kiện nêu trên là những nền tảng pháp lý quan trọng để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại, năng lượng, công nghiệp và nhiều lĩnh vực quan trọng khác.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tính đến tháng 11 năm 2022, Liên bang Nga có 164 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng mức đầu tư đạt 965,8 triệu USD, đứng thứ 27 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án của Liên Bang Nga tập trung chủ yếu vào lĩnh vực khai khoáng; dịch vụ lưu trú và ăn uống; công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã đầu tư sang Liên bang Nga 16 dự án với số vốn đăng ký cho đến nay hơn 1,6 tỷ USD. Dự án quan trọng và tiềm năng nhất hiện nay là dự án thăm dò và khai thác dầu khí 4 Lô tại Khu tự trị Nhenhetxki của Công ty liên doanh Rusvietpetro và Dự án xây dựng trang trại nuôi bò và sản xuất sữa của Tập đoàn TH dự kiến trị giá 2,7 tỷ USD, mô hình trang trại có quy mô dự kiến khoảng 6.000 con bò.

CÒN NHIỀU TIỀM NĂNG HỢP TÁC

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đặng Hoàng An thẳng thắn cho rằng các con số nêu trên còn khá khiêm tốn với tiềm năng và quan hệ hợp tác của hai nước.

Ông cũng cho biết định hướng thời gian tới của Việt Nam là phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, xây dựng ngành công nghiệp nội địa về sản xuất, chế tạo các thiết bị về năng lượng tái tạo nhằm nâng cao tính độc lập tự chủ, giảm giá thành.

“Vì vậy, tôi đề xuất Việt Nam và Liên Bang Nga nghiên cứu hợp tác trong lĩnh vực này. Đây cũng có thể là một định hướng mới cho hợp tác song phương Việt Nam - Liên Bang Nga trong lĩnh vực năng lượng”, ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Thúc đẩy hợp tác công nghiệp Việt Nam – Liên bang Nga lên tầm cao mới - Ảnh 2

Đối với lĩnh vực công nghiệp, Việt Nam sẽ ưu tiên huy động hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và quốc tế để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại. Các nhóm ngành công nghiệp được lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo; điện tử, viễn thông, công nghệ số, năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Định hướng đến năm 2035, công nghiệp Việt Nam phát triển thân thiện với môi trường, công nghiệp xanh, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp có công nghệ tiên tiến sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng và giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, phát triển các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, độ chính xác ngày càng cao, góp phần nâng cao giá trị gia tăng.

Căn cứ vào tiềm năng hợp tác và những định hướng chính về phát triển ngành công nghiệp của Việt Nam và Liên bang Nga, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị trong thời gian tới doanh nghiệp hai nước có thể tập trung chú trọng hợp tác vào những lĩnh vực trên.

Doanh nghiệp Việt – Nga cần tiếp tục tăng cường tiếp xúc trực tiếp thông qua các diễn đàn, sự kiện xúc tiến thương mại do các cơ quan Chính phủ và phi Chính phủ tổ chức.

Đồng thời tiếp tục nắm vững khuôn khổ pháp lý chung như các Hiệp định liên Chính phủ song phương và đa phương, cũng như chính sách, pháp luật của hai nước để tận dụng hiệu quả các cam kết, tránh những rủi ro pháp lý.

Ông Nosov Sergey Sergeevich - Vụ trưởng Vụ châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh, Bộ Công Thương Liên bang Nga cũng đồng tình cho rằng diễn đàn thể hiện mối quan tâm của Chính phủ hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ song phương. Điều này sẽ tạo xung lực lớn cho quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Thông qua các phiên thảo luận, hai bên sẽ tìm ra các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, hợp tác hiệu quả, thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương, tận dụng tiềm năng đang có để đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con