Tiền đón hàng ngắn hạn, thanh khoản tăng vọt 32%, thị trường đảo chiều phục hồi
Những lo ngại về đợt xả ngắn hạn khi hàng về đã tạo nên nhịp lao dốc khá mạnh nửa đầu phiên chiều nay. VN-Index giảm hơn 7 điểm tương đương -0,65% trước khi phục hồi thành công. Dòng tiền bắt đáy đã phản công, không chỉ kéo chỉ số quay đầu tăng 0,3% (+3,36 điểm) lúc đóng cửa mà còn giúp độ rộng đảo ngược...
Những lo ngại về đợt xả ngắn hạn khi hàng về đã tạo nên nhịp lao dốc khá mạnh nửa đầu phiên chiều nay. VN-Index giảm hơn 7 điểm tương đương -0,65% trước khi phục hồi thành công. Dòng tiền bắt đáy đã phản công, không chỉ kéo chỉ số quay đầu tăng 0,3% (+3,36 điểm) lúc đóng cửa mà còn giúp độ rộng đảo ngược.
Nếu tính riêng giao dịch phiên chiều thì thanh khoản HoSE và HNX đạt khoảng 10.491 tỷ đồng, tăng 20% so với phiên sáng. Nếu tính chung cả ngày, giá trị khớp lệnh tăng 32% so với hôm qua, đạt 19.266 tỷ đồng. Tổng hợp 3 sàn, giao dịch đạt 22.829 tỷ đồng, tăng 32%.
Thanh khoản phục hồi tốt đi cùng với diễn biến phục hồi ngược dòng là một tín hiệu tốt. Thực ra chiều nay thị trường chịu áp lực lớn hơn hôm qua, vì cổ phiếu có lãi về tài khoản. Tâm lý nhà đầu tư khi lỗ nhẹ lại muốn giữ và “gồng”, trong khi đang có lãi lại rất sợ bốc hơi lợi nhuận.
Sức ép bán nửa đầu phiên chiều nay có đi kèm với hiện tượng ép trụ. VN30-Index tuy cũng tạo đáy cùng thời điểm với VN-Index, nhưng mức giảm tới 0,94% so với tham chiếu. Cả loạt blue-chips giảm mạnh đáng kể như MWG tại đáy giảm tới 3,91%, SSB giảm 2,38%, VIC giảm 1,76%, POW giảm 1,71%, MSN giảm 1,55%, HDB giảm 1,34%, VCB giảm 1,27%, BID giảm 1,25%, VPB giảm 1,27%...
Thống kê sàn HoSE thì khoảng 45% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch trong phiên hôm nay tạo đáy giảm trên 1% buổi chiều. Độ rộng của VN-Index tại đáy chỉ có 131 mã tăng/358 mã giảm. Mặc dù thị trường thường bị bán mạnh hơn từ sau 2h, nhưng hôm nay sức ép xuất hiện sớm hơn, có lẽ nhà đầu tư muốn tránh áp lực mang tính thời điểm đó.
Dòng tiền bắt đáy hoạt động khá ấn tượng hôm nay khi đẩy thanh khoản lên cao và kéo được giá tăng. Với áp lực bán nhiều hơn, để đẩy được giá lên thì chắc chắn cần lực cầu mạnh và nâng giá liên tục, biểu hiện dễ nhìn thấy nhất là thanh khoản. Trong khoảng 30 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục, độ rộng đã cải thiện đáng kể, với 235 mã tăng/232 mã giảm. Đóng cửa số cổ phiếu cải thiện tiếp tục nhiều hơn, HoSE ghi nhận 263 mã tăng/220 mã giảm. VN-Index từ chỗ giảm hơn 7 điểm thành tăng 3,36 điểm.
Chỉ số vẫn chưa thể tăng tốt hơn được do mức độ phục hồi của nhóm trụ hạn chế. VIC vẫn còn giảm tới 1,41% so với tham chiếu, dù là có cải thiện nhẹ từ đáy giảm 1,76%. BID từ mức đáy -1,25% co lại còn -0,8%. VPB xóa sạch mức giảm 1,27% để lùi về tham chiếu. VHM còn giảm 0,26%, VNM giảm 0,14%. Như vậy trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, vẫn còn 4 mã giảm, 2 mã tham chiếu, còn lại quay đầu thành công. VCB bật tăng 0,12%, HPG tăng 0,55%, CTG tăng 0,68%, FPT tăng 1,2%. Nếu biên độ phục hồi của nhóm trụ này tốt hơn, VN-Index chắc chắn bùng nổ.
Dù vậy, trạng thái phục hồi ở cổ phiếu vẫn xuất hiện trên diện rộng. Bằng chứng đầu tiên là độ rộng thay đổi chuyển sang tích cực với số mã tăng nhiều hơn. Thêm nữa tuy vẫn còn 220 mã đỏ, nhưng đại đa số đều “thoát đáy”. HoSE chỉ còn 40 cổ phiếu vẫn chốt ở giá thấp nhất phiên, trong đó, trong đó 21 mã vẫn đóng cửa dưới tham chiếu. Khoảng 60% số cổ phiếu lúc đóng cửa đã phục hồi tối thiểu 1% so với giá thấp nhất phiên.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay ghi nhận bán ròng thêm tới 602,2 tỷ đồng trên HoSE, nhưng chủ yếu là tập trung vào VPB với -452,5 tỷ đồng. Một số mã khác bị bán thêm và mức ròng khá lớn là VHM -73,4 tỷ, MWG -58,5 tỷ, VRE -44,2 tỷ, VIC -43,3 tỷ, POW -24,3 tỷ, VHC -20,4 tỷ. Tổng mức bán ròng cả phiên hôm nay đạt 714,7 tỷ đồng, trong đó rổ VN30 bị bán ròng 643 tỷ đồng. Chỉ có 2 mã được mua ròng đáng kể là STB +103,8 tỷ và NKG +35 tỷ.
Nhịp rung lắc khá mạnh trong phiên chiều nay cho thấy sự lỏng lẻo của các giao dịch ngắn hạn vẫn còn. Tuy nhiên khi giá giảm đã có lực cầu bắt đáy xuất hiện.