TP.HCM: Chưa quy định người tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 được ra đường sau 15/9
Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải khẳng định TP.HCM chưa có quy định cụ thể người dân đã tiêm 2 mũi vaccine sẽ được ra đường sau 15/9. Đây là thông tin sai sự thật và thành phố sẽ công bố khi dịch bệnh được kiểm soát…
Chiều 5/9, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải đã phản hồi về một số thông tin được lan truyền trên mạng xã hội trong những ngày qua về phục hồi kinh tế, cho phép hoạt động kinh doanh, kiểm soát theo mũi vaccine khi ra đường…
CHƯA CÓ THÔNG TIN MỞ CỬA SAU 15/9
Theo ông Hải, thông tin TP.HCM bắt đầu “sống chung với Covid-19 từ ngày 15/9, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh được hoạt động khi đảm bảo an toàn, việc mở cửa có lộ trình tăng dần 30 - 50 - 70%. Sở Công thương là đầu mối hướng dẫn các công ty có quy mô cao giảm quy mô hoặc không được hoạt động, chuẩn hóa thông tin vaccine cho toàn bộ người dân, cấp chữ ký số cá nhân để thực hiện online, chuyển dần sang dịch vụ điều trị Covid-19 có thu phí" là những thông tin sai sự thật.
Về thông tin "ai tiêm 2 mũi vaccine sẽ được hoạt động sau ngày 6/9 hoặc ngày 15/9", ông Hải cho biết sau khi kiểm soát dịch bệnh sẽ có quy định cụ thể cho từng đối tượng tham gia hoạt động.
Hiện chưa có thông tin cụ thể, các kế hoạch phải do UBND TP.HCM ban hành nên người dân không nên tin vào các lan truyền thất thiệt trên mạng.
MỞ ĐIỂM TRUNG CHUYỂN HÀNG HÓA TẠI CHỢ ĐẦU MỐI BÌNH ĐIỀN
Liên quan đến phương án lưu giữ hàng hóa và bổ sung điểm cung ứng cho hệ thống phân phối, trong đó có việc mở cửa chợ truyền thống, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết: Sở Công thương đã chuẩn bị các phương án lưu giữ hàng hóa và bổ sung điểm cung ứng cho hệ thống phân phối, trong đó có việc mở cửa chợ truyền thống.
Ông Phương khẳng định thành phố chưa bao giờ có chỉ đạo, chủ trương đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động chợ truyền thống. Trong thời gian qua, nhiều chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động là do yêu cầu phòng chống dịch, điều kiện dịch tễ các địa phương.
Để bổ sung nguồn cung hàng hóa, Sở Công thương đã đề xuất UBND TP.HCM, gợi ý các quận, huyện tổ chức các phương thức, mô hình cung ứng khi chợ truyền thống dừng hoạt động.
Ông Phương cho biết trong thời gian tới, khi việc đi chợ hộ dần ổn định thì các quận, huyện có thêm lực lượng để chuẩn bị mở lại chợ truyền thống. “Sở Công thương đã làm việc với đơn vị quản lý chợ đầu mối Bình Điền, dự kiến ngày 7/9 sẽ bắt đầu tổ chức điểm trung chuyển hàng hóa cho các thương nhân, cung ứng về các hệ thống phân phối, điểm cung ứng, chợ truyền thống”, ông Phương nói.
Trước đó, từ ngày 6/7, chợ Bình Điền (Quận 8, TP.HCM) phải tạm dừng hoạt động sau khi ghi nhận chuỗi lây nhiễm Covid-19 tại đây. Các thương nhân có 12 giờ để vận chuyển, đưa hàng hóa ra khỏi chợ.
Cũng theo ông Phương, thời gian qua thành phố gặp những khó khăn trong việc tổ chức cung ứng thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến sẵn. Có thể kể đến lý do như phụ thuộc vào vùng nguyên liệu, việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn về lưu thông, hình thức đi chợ hộ những ngày đầu còn lúng túng, hệ thống siêu thị chưa được ưu tiên cấp giấy đi đường…