Vị trí đang được săn đón nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo: Giám đốc Đạo đức AI
Nhiệm vụ của Giám đốc Đạo đức AI là xác định nguyên tắc quản lý công nghệ, tìm hiểu bối cảnh pháp lý và kết nối bên liên quan, từ đó giúp doanh nghiệp áp dụng trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm…
Theo Yahoo Tech, sự ra đời của ChatGPT đã mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo bùng nổ.
Công nghệ generative AI có thể viết email, lập trình hay thiết kế đồ họa chỉ trong vài phút. Ngay lập tức, những ngày tháng nhân viên văn phòng miệt mài kiểm tra hộp thư đến và thiết kế bài thuyết trình công phu đã đi vào dĩ vãng.
Đa số công ty vội vã áp dụng AI trong hoạt động vận hành nhằm gia tăng lợi nhuận và tối ưu năng suất. Theo cuộc khảo sát thực hiện vào tháng 5/2024 từ công ty tư vấn Mckinsey & Company, 65% trong số hơn 1.300 doanh nghiệp tham gia nghiên cứu thừa nhận thường xuyên sử dụng generative AI — con số tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng rủi ro khi sử dụng công nghệ sai cách cũng rất lớn. AI có thể gây ảo giác, phát tán thông tin sai lệch và củng cố định kiến đối với các nhóm đối tượng yếu thế nếu không được quản lý nghiêm ngặt. Bộ máy càng tinh vi thì rủi ro mang tới cho con người càng cao.
Sức mạnh to lớn đi kèm với trách nhiệm nặng nề. Các công ty đang kiếm tiền từ AI phải giải bài toán quản lý và đảm bảo công nghệ đi đúng hướng.
Đây chính là lúc doanh nghiệp cần một Giám đốc Đạo đức AI xuất hiện.
VAI TRÒ QUAN TRỌNG TRONG THỜI ĐẠI AI
Nhiệm vụ công việc sẽ khác nhau tùy thuộc từng công ty, nhưng nhìn chung, Giám đốc Đạo đức AI chịu trách nhiệm xác định tác động của công nghệ AI đang sử dụng có thể gây ra cho xã hội. Ông Var Shankar, Giám đốc AI và Quyền riêng tư tại Enzai, nền tảng phần mềm chuyên về quản trị AI, rủi ro và tuân thủ, nhận định: "Cần xem xét ngoài việc mang lại lợi nhuận cho công ty, công nghệ AI đang sử dụng ảnh hưởng đến khách hàng như thế nào, ảnh hưởng đến mọi người dân sinh sống trên toàn thế giới như thế nào, ảnh hưởng đến môi trường như thế nào". Cuối cùng, Giám đốc Đạo đức sẽ đảm nhiệm "xây dựng chương trình chuẩn hóa và mở rộng phạm vi phân tích rủi ro mỗi khi áp dụng AI".
Vai trò này thường dành cho những chuyên gia về chính sách và triết học, có kiến thức lập trình vững vàng, đi kèm với mức lương hàng năm lên tới hàng trăm nghìn USD.
Tuy nhiên, theo ông Steve Mills, Giám đốc Đạo đức AI tại Boston Consulting Group, hiện tại đa số doanh nghiệp chưa nhanh nhạy trong việc tuyển dụng vị trí này. "Tôi nghĩ rằng đang có quá nhiều cuộc thảo luận về rủi ro và nguyên tắc kiểm soát AI, nhưng lại có rất ít hành động thực sự được thực thi", Giám đốc Mills chia sẻ.
TRÁCH NHIỆM CẤP C-SUITE
Theo ông Mills, những nhân vật theo đuổi thành công trong lĩnh vực cần trang bị đủ bốn yếu tố chuyên môn. Giám đốc Đạo đức là vị trí phải nắm vững kỹ thuật về generative AI, có kinh nghiệm xây dựng và triển khai sản phẩm, hiểu biết sâu sắc về luật và quy định liên quan đến trí tuệ nhân tạo cũng như có kinh nghiệm đáng kể về mảng tuyển dụng và ra quyết định trong tổ chức.
"Tôi thường thấy lãnh đạo đa số công ty giao nhiệm vụ quản lý AI cho nhà quản lý cấp trung phụ trách. Mặc dù, quản lý cấp trung có thể có chuyên môn, sự tín nhiệm và nỗ lực cao, nhưng nhóm này dường như không đủ tiếng nói để thay đổi mọi nguyên tắc vận hành cũng như không có khả năng tập hợp các nhóm pháp lý, kinh doanh và tuân thủ lại với nhau để giải quyết vấn đề", vị Giám đốc bày tỏ, đồng thời nói thêm rằng mọi công ty thuộc Fortune 500 áp dụng AI ở quy mô lớn đều đang giao cho một trong những Giám đốc Điều hành nhiệm vụ giám sát chương trình AI có trách nhiệm.
Ông Shankar, người đã hành nghề luật sư lâu năm, cho biết vai trò này không nhắm đến bất kỳ chuyên môn học vấn cụ thể nào. Yếu tố quan trọng nhất là thấu hiểu dữ liệu của công ty. Điều này đồng nghĩa là Giám đốc mới phải nắm bắt được "tác động về mặt đạo đức của dữ liệu mà công ty thu thập và sử dụng".
Ông Shankar đưa ra ví dụ về các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể vô tình tạo ra sự thiên vị nếu không tìm hiểu kỹ dữ liệu bệnh nhân. Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science, các bệnh viện và công ty bảo hiểm y tế sử dụng thuật toán xác định bệnh nhân được hưởng lợi từ chương trình "quản lý chăm sóc rủi ro cao" thường ưu tiên người da trắng khỏe mạnh hơn những bệnh nhân da màu ốm yếu. Đó có thể là một trong những sai lầm mà Giám đốc Đạo đức có thể giúp công ty tránh khỏi trong tương lai.
HỢP TÁC GIỮA CÁC CÔNG TY VÀ NGÀNH CÔNG NGHIỆP
Những cá nhân tự tin đảm nhiệm vị trí Giám đốc Đạo đức cũng cần sở hữu khả năng giao tiếp tự tin với nhiều bên liên quan.
Bà Christina Montgomery, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc phụ trách quyền riêng tư tại IBM, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Đạo đức AI, thẳng thắn chia sẻ rằng ngày làm việc thông thường của bà luôn bận rộn với vô số cuộc họp và sự kiện tiếp xúc khách hàng, bên cạnh nhiều trách nhiệm khác.
Bà Montgomery cho biết: "Tôi đã dành nhiều thời gian ở bên ngoài, tần suất ngày càng nhiều lên trong bối cảnh AI bùng nổ, chủ yếu là phát biểu tại sự kiện và giao lưu với các nhà hoạch định chính sách cũng như đối tác. Tôi cảm thấy nếu tất cả cùng chung tay, ta có rất nhiều cơ hội để tác động và quyết định tương lai của công nghệ".
Vị Phó Chủ tịch tham gia vào một số tổ chức lớn về AI như Hiệp hội Chuyên gia Bảo mật Quốc tế, gần đây vừa ra mắt chứng chỉ Chuyên gia Quản trị Trí tuệ nhân tạo dành cho những cá nhân muốn dẫn đầu lĩnh vực đạo đức AI.
Bà Montgomery nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng việc các bên thường xuyên trao đổi với nhau và chia sẻ những phương pháp hay nhất là vô cùng quan trọng".
Bà Montgomery cùng nhiều lãnh đạo khác mong muốn phát triển sự hiểu biết sâu rộng về AI ở cấp độ xã hội: "Nỗi sợ của tôi hiện tại chính là quy định về AI chưa có sự nhất quán trên phạm vi toàn cầu, dẫn tới hệ quả các doanh nghiệp trở nên bối rối giữa ranh giới của đúng và sai hay những quy định cần tuân thủ. Chúng ta không thể để tình trạng này tiếp tục diễn ra. Vì vậy, các cuộc thảo luận giữa công ty, Chính phủ và nhiều bên liên quan khác đóng vai trò then chốt ở thời điểm hiện tại".