Xu thế dòng tiền: Kéo trụ thoát hàng?

Nguyễn Hoàng
Chia sẻ

Hiện tượng đi ngang của VN-Index tiếp tục kéo dài thêm, nhưng tuần qua cổ phiếu giảm giá đã nhiều hơn. Trong khi đó một số mã vốn hóa lớn liên tục được đẩy giá lên giúp cải thiện chỉ số ở những thời điểm quan trọng, đồng thời thị trường phái sinh duy trì mức chênh lệch âm rất lớn. Điều này làm nổi lên lo ngại đang có hiện tượng kéo trụ để thoát hàng...

VN-Index tiếp tục tăng tuần qua nhưng cổ phiếu phần lớn điều chỉnh giảm.
VN-Index tiếp tục tăng tuần qua nhưng cổ phiếu phần lớn điều chỉnh giảm.

Hiện tượng đi ngang của VN-Index tiếp tục kéo dài thêm, nhưng tuần qua cổ phiếu giảm giá đã nhiều hơn. Trong khi đó một số mã vốn hóa lớn liên tục được đẩy giá lên giúp cải thiện chỉ số ở những thời điểm quan trọng, đồng thời thị trường phái sinh duy trì mức chênh lệch âm rất lớn. Điều này làm nổi lên lo ngại đang có hiện tượng kéo trụ để thoát hàng...

Các chuyên gia cũng nhìn nhận câu chuyện đó một cách thận trọng nhưng không tỏ ra quan ngại nhiều. Việc dòng tiền mạnh lên ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn chưa tăng nhiều trước đo cũng là bình thường, trong khi các mã tăng tốt đã bị chốt lời từ trước. Đây là hiệu ứng của việc dòng tiền còn yếu, nên không thể đẩy giá tất cả cùng tăng mà xoay vòng. Ngay cả với tín hiệu chiết khấu lớn trên thị trường phái sinh, các chuyên gia cũng chỉ nhìn nhận như một tín hiệu tham khảo về tâm lý chứ không mang tính định hướng giao dịch.

Đối với thay đổi lớn trong giao dịch tới đây khi nhà đầu tư được bán ngay từ T+2, các chuyên gia phần lớn nghiêng về đánh giá tích cực. Vòng quay tiền trở nên nhanh hơn, được kỳ vọng sẽ làm gia tăng thanh khoản. Tuy nhiên các công ty chứng khoán được hưởng lợi đến mức nào lại có những quan điểm khác nhau, vì phụ thuộc nhu cầu sử dụng margin.

Nguyễn Hoàng - VnEconomy

Diễn biến đi ngang của thị trường tuần qua hoàn toàn phụ thuộc vào sự luân phiên của các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VNM hay GAS. Nhà đầu tư đang lo ngại hiện tượng kéo trụ để thoát hàng. Quan điểm của anh chị thế nào?

 
Xu thế dòng tiền: Kéo trụ thoát hàng? - Ảnh 1

Với lượng tiền giới hạn thì sau một chu kỳ xoay tua của dòng tiền, nhóm siêu bluep-chip với sức ảnh hưởng lớn tới điểm số, mà tăng điểm thì cũng đồng nghĩa với dòng tiền sẽ bị rút ra khỏi các lớp cổ phiếu khác, từ đó xuất hiện hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng”. Mặc dù VN-Index vẫn đóng cửa tăng điểm nhưng tôi lại nhận thấy dòng tiền đang có dấu hiệu suy yếu trong tuần qua. Điều này cho thấy thị trường có thể sớm gặp áp lực điều chỉnh trở lại.

Ông Nguyễn Văn Sơn

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Chúng ta chỉ cần nghĩ đơn giải là các phiên điều chỉnh trước vùng kháng cự 1.280 điểm ảnh hưởng bởi lực bán cổ phiếu gia tăng – lý do có thể do chốt lời, có thể vì mục đích cơ cấu danh mục hoặc đơn giản là việc thanh lý các cổ phiếu yếu, kém triển vọng của các nhà đầu tư. Một số cổ phiếu tăng điểm giữ nhịp cho thị trường chung cũng có lý do riêng – thông tin của doanh nghiệp hoặc thông tích tích cực nào đó của ngành...

Quan điểm của tôi là thị trường điều chỉnh trước vùng cản 1.280 – 1.300 điểm là bình thường – một nhịp điều chỉnh – nhà đầu tư tăng bán cổ phiếu ngắn hạn cũng sẽ khiến thị trường biến động trong biên độ 5 – 10 điểm trước khi lấy lại đà tăng trong các phiên tiếp theo. Tất nhiên dòng tiền sẽ dịch chuyển có định hướng dần sang các cổ phiếu có câu chuyện, được hưởng lợi, có kết quả kinh doanh triển vọng hơn.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Theo tôi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như SAB, VIC, VNM... có diễn biến tích cực trong tuần qua chỉ đơn thuần là sự luân chuyển xoay tua của dòng tiền chung.

Trong sóng hồi của thị trường, do dòng tiền chung không đủ để đẩy tất cả các nhóm ngành cùng đồng thuận đi lên mà thay vào đó là sự luân phiên tạo sóng giữa các lớp cổ phiếu.

Sau giai đoạn tích lũy và tạo nền ổn định thì nhóm siêu blue-chip đã được dòng tiền hướng tới với mục đích tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn cũng như mục đích trú ẩn vào lớp cổ phiếu này nhằm phòng vệ với kịch bản thị trường chung sẽ điều chỉnh sau giai đoạn tăng sáu tuần liên tiếp.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Thị trường 2 phiên cuối tuần biến động khá mạnh theo tôi thấy ảnh hưởng nhiều bởi phiên đáo hạn phái sinh, và tác động mạnh nhất đến chỉ số là các mã trụ nên biến động của các mã trụ khá mạnh. Nhà đầu tư lo ngại hiện tượng kéo trụ để ổn định tâm lý thoát hàng cũng là điều dễ hiểu khi thị trường đang dần tiến sát đến vùng kháng cự mạnh.

Ông Trần Hà Xuân Vũ - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Thị trường tuần qua gần như đi ngang với sự nâng đỡ tốt từ các cổ phiếu vốn hóa lớn. Thông thường ở những giai đoạn này, tâm lý sợ kéo trụ để thoát hàng là điều dễ hiểu. Theo quan sát của tôi, thị trường đã có một số áp lực chốt lời và khiến các cổ phiếu suy yếu. Tuy nhiên, áp lực chốt lời này vẫn chưa đủ mạnh ở thời điểm hiện tại thể hiện qua diễn biến giảm giá với thanh khoản cũng có xu hướng giảm dần.

Trong suốt tuần giao dịch, lực cầu nhìn chung yếu nhưng thị trường ghi nhận một tín hiệu khá lạc quan khi lực cầu bắt đáy xuất hiện tại hỗ trợ 1.262-1.268 điểm của VN-Index ở cuối phiên Thứ 6 rồi. Từ đó, chúng ta có thể hy vọng về sự cải thiện tốt hơn ở nhóm kém sắc trong một tuần đi ngang vừa qua của thị trường. Nhưng nếu lực cầu trong tuần sau không có sự cải thiện và áp lực chốt lời tăng lên sẽ là tín hiệu rủi ro cho thị trường

Nguyễn Hoàng - VnEconomy

Hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” là khá rõ, khi thống kê cho thấy số lượng cổ phiếu giảm giá tuần qua nhiều hơn tăng, trong khi thanh khoản cũng chững lại sau những phiên đạt đỉnh tuần trước. Dù thị trường chưa tiến tới ngưỡng kháng cự quan trọng nhưng có vẻ nhà đầu tư đang ngần ngại giải ngân thêm, khiến dòng tiền không bùng nổ được, vì sao vậy ?

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV

Theo  tôi trong bối cảnh các thông tin tốt về mùa báo cáo lợi nhuận, số liệu vĩ mô quý 2 đã được hấp thụ tương đối trong nhịp tăng kéo dài vừa qua, thị trường bước vào vùng trũng thông tin, thị trường quốc tế cũng bước vào giai đoạn lình xình đi ngang, áp lực chốt lời gia tăng khi phần đông nhà đầu tư đã có lợi nhuận tương đối trong 4-5 tuần trở lại đây. Do đó việc dòng tiền mới ngần ngại giải ngân là có thể hiểu được.

Nhìn chung thị trường đang thiếu vắng động lực đủ mạnh để duy trì đà tăng giá và một nhịp điều chỉnh ngắn, hay biến động giằng co để giải toả áp lực chốt lời là hợp lý trong bối cảnh hiện tại. Dù vậy, tôi không đánh giá cao kịch bản thị trường sẽ lao dốc mạnh tiệm cận vùng đáy cũ trong bối cảnh các điều kiện thị trường đã có sự cải thiện đáng kể nếu so với thời điểm đáy cách đây gần 2 tháng.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Hiện thị trường đã tăng được gần 150 điểm từ đáy và chưa có nhịp điều chỉnh mạnh nào nên việc tâm lý thận trọng bao trùm giai đoạn hiện tại và nhiều nhà đầu tư đang ngần ngại giải ngân thêm cũng là điều hiển nhiên. Nhiều nhà đầu tư thậm chí đã bán sớm và chưa mua lại khi thấy lực dòng tiền yếu và thị trường đi ngang. Kèm theo giai đoạn này là giai đoạn trống thông tin hỗ trợ cũng làm tâm lý nhà đầu tư thận trọng.

Ông Trần Hà Xuân Vũ - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Việc tăng giá 6 tuần liên tiếp, nhiều cổ phiếu đã phục hồi từ đáy 5-40% và đang tiếp cận cản trendline xu hướng giảm giá trung hạn, đã dẫn tới tâm thế chờ tín hiệu chốt lời trên diện rộng. Chính vì vậy nhà đầu tư cũng thận trọng trong việc mua mới, dẫn đến dòng tiền khó bùng nổ ở giai đoạn này.

 
Xu thế dòng tiền: Kéo trụ thoát hàng? - Ảnh 4

Thị trường đã tăng được gần 150 điểm từ đáy và chưa có nhịp điều chỉnh mạnh nào nên việc tâm lý thận trọng bao trùm giai đoạn hiện tại và nhiều nhà đầu tư đang ngần ngại giải ngân thêm cũng là điều hiển nhiên. Nhiều nhà đầu tư thậm chí đã bán sớm và chưa mua lại.

Ông Nguyễn Việt Quang

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Từ ngưỡng 1.280 trở lên tới 1.300, 1.310 +/- vẫn là các vùng kháng cự mạnh tiềm năng nên việc “chao đảo”, áp lực chốt bán đều diễn ra ở một số cổ phiếu nếu tăng giá tốt trước đó hoặc những cổ phiếu kém triển vọng. Tôi cho rằng sẽ luôn có những kỳ vọng, sự thất vọng, tin tức tốt xấu liên quan đến vĩ mô, ngành, cổ phiếu khiến các nhà đầu tư giao động và giao dịch ngắn hạn nhanh ở nhiều thời điểm đặc biệt nhạy cảm ở các vùng kháng cự quan trọng. Giai đoạn này thanh khoản cũng khó có thể bùng nổ với đặc điểm của sóng hồi từ vùng đáy lên. Giai đoạn khi nào VN-Index vượt 1.400 điểm trong tương lai lúc đó thanh khoản mới bùng nổ hơn.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Dước góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng đợt tăng ngắn hạn khởi động từ đầu tháng 7 vẫn chưa kết thúc, và mục tiêu hướng tới có thể quanh vùng tâm lý 1.300 điểm. Nhưng trước khi thử thách ngưỡng mục tiêu thì VN-Index có thể cần một nhịp điều chỉnh vào tuần tới.

Và đây chỉ là một đợt tăng ngắn hạn trong một xu hướng giảm dài hạn nên dòng tiền chung chủ yếu được tài trợ bởi dòng tiền margin là chính, gần như không có dòng tiền mới từ bên ngoài tham gia.

Trong một không gian hẹp với lượng tiền giới hạn như vậy, thì sau một chu kỳ xoay tua của dòng tiền, nhóm siêu bluep-chip với sức ảnh hưởng lớn tới điểm số, mà tăng điểm thì cũng đồng nghĩa với dòng tiền sẽ bị rút ra khỏi các lớp cổ phiếu khác, từ đó xuất hiện hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng”.

Đồng thời, chính vì dòng tiền có sự giới hạn, nên thật khó mong chờ vào một đợt bùng nổ mạnh mẽ. Mặc dù VN-Index vẫn đóng cửa tăng điểm nhưng tôi lại nhận thấy dòng tiền đang có dấu hiệu suy yếu trong tuần qua. Điều này cho thấy thị trường có thể sớm gặp áp lực điều chỉnh trở lại.

Nguyễn Hoàng - VnEconomy

Thị trường phái sinh cũng đang thể hiện sự lo ngại điều chỉnh khá mạnh trên thị trường cơ sở, khi đảo kỳ hạn và F1 mở rộng mức chiết khấu tới gần 14 điểm đồng thời khối lượng hợp đồng mở tăng mạnh. Liệu tín hiệu trên thị trường phái sinh có đáng tin cậy?

 
Xu thế dòng tiền: Kéo trụ thoát hàng? - Ảnh 5

Thị trường phái sinh có thể coi là một chỉ báo tâm lý cho thị trường cơ sở khi nó phản ánh kỳ vọng của đám đông nhà đầu tư về xu hướng thị trường cơ sở trong tương lai. Một mức chiết khấu gần 14 điểm là tương đối lớn và nó củng cố khả năng thị trường cơ sở có thể sẽ bước vào một nhịp điều chỉnh ngắn trong tuần tới.

Ông Trần Đức Anh

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tôi nghĩ thời điểm quanh ngày đáo hạn phái sinh mà dùng chỉ số phái sinh để đánh giá về thị trường thì độ nhiễu khá cao. Tín hiệu này sẽ đáng tin cậy và đỡ nhiễu hơn vào tuần sau tuần đáo hạn phái sinh.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Giữa các chỉ số chứng khoán trung bình đặc biệt là VN30 lấy tham chiến cho hợp đồng tương lai VN30F – có những lúc biên độ dao động – khoảng cách “gap” giữa 2 chỉ số VN30 và VN30F1M là rất lớn +/- 10  tới +/- 15 điểm do đặc điểm khác biệt giữa 2 thị trường cơ sở và thị trường phái sinh. Điều này là bình thường khi đặc tính chứng khoán phái sinh biến động mạnh hơn chỉ số chứng khoán cơ sở cả về 2 hướng, đặc biệt ở một số giai đoạn thị trường Uptrend hoặc giảm mạnh hoặc ở một số thời điểm sát ngày đáo hạn. Tôi cho rằng diễn biến trên thị trường phái sinh là tín hiệu tham khảo nhưng không quyết định tất cả đến việc giao dịch cổ phiếu.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Theo tôi, thị trường phái sinh và cơ sở luôn có tác động qua lại lẫn nhau. Trong khía cạnh nào đó, diễn biến trên thị trường phái sinh sẽ cung cấp thông tin nhằm phân tích sự kỳ vọng của nhà đầu tư tới diễn biến tương lai của thị trường cơ sở.

Trong bối cảnh hiện tại, thị trường phái sinh đang phát đi tín hiệu có phần bi quan và nhà đầu tư đang đặt cược cho kịch bản thị trường cơ sở sẽ sớm điều chỉnh.

Như tôi đã chia sẽ ở trên, thị trường cơ sở rõ ràng đang có những tín hiệu điều chỉnh vào tuần tới, do vậy sự phản ánh trên thị trường phái sinh như vậy càng cho thấy nhận định trên là đáng tin cậy.

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV

Theo tôi thị trường phái sinh có thể coi là một chỉ báo tâm lý cho thị trường cơ sở khi nó phản ánh kỳ vọng của đám đông nhà đầu tư về xu hướng thị trường cơ sở trong tương lai. Một mức chiết khấu gần 14 điểm là tương đối lớn và nó củng cố khả năng thị trường cơ sở có thể sẽ bước vào một nhịp điều chỉnh ngắn trong tuần tới.

 
Xu thế dòng tiền: Kéo trụ thoát hàng? - Ảnh 6

Tôi cho rằng diễn biến trên thị trường phái sinh là tín hiệu tham khảo nhưng không quyết định tất cả đến việc giao dịch cổ phiếu.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Trần Hà Xuân Vũ - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Việc chiết khấu trên thị trường phái sinh là bình thường, đặc biệt khi VN-Index đối diện vùng cản quan trọng. Tôi cho rằng điều đó không mang tính tin cậy cho dự báo diễn biến thị trường mà chỉ mang tính chất kỳ vọng của đám đông giao dịch phái sinh. Tương tự như khi VN-Index đối diện cản 1.220, mức chiết khấu lên đến hơn 20 điểm nhưng thị trường vẫn tăng điểm.

Nguyễn Hoàng - VnEconomy

Nhà đầu tư đang trông đợi vào khả năng được giao dịch T+2 trong những ngày cuối tháng 8. Liệu thay đổi này có thể giúp thị trường tăng thanh khoản lên hay không? Theo anh chị công ty chứng khoán có hưởng lợi ích nhiều hơn từ điều này?

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Theo tôi thông tin được giao dịch T+2 có thể chỉ mang tác động tâm lý lên nhóm cổ phiếu chứng khoán thôi. Và ngay cả khi T+2 được triển khai vào cuối tháng 8 này, thì sự thay đổi về thanh khoản của thị trường cũng như lợi ích mang lại cho công ty chứng khoán cũng không nhiều.

 
Xu thế dòng tiền: Kéo trụ thoát hàng? - Ảnh 7

Theo quy trình cũ, nhà đầu tư chỉ có thể thực hiện 2 giao dịch trong một tuần, với quy trình mới có thể thực hiện 3 giao dịch. Có thể thấy vòng quay tiền trên thị trường sẽ nhanh hơn và giúp giá trị giao dịch bình quân các phiên tăng lên. Chúng tôi kỳ vọng giá trị giao dịch bình quân có thể tăng 20% từ mức hiện tại.

Ông Trần Hà Xuân Vũ

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi nghĩ thanh khoản của thị trường có thể tăng lên hơn là chiều ngược lại. Nhà đầu tư và các công ty chứng khoán cũng đều hưởng lợi từ điều này.

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV

Chắc chắn việc rút ngắn thời gian giao dịch từ T+3 xuống T+2 sẽ có tác động tích cực lên thanh khoản thị trường chung, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao, tốc độ quay vòng vốn lớn. Tuy nhiên nhóm cổ phiếu này hiện nay đang giao dịch kém sôi động nhờ các biện pháp xử lý mạnh tay của cơ quan chức năng đối với hành vi thao túng cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu cơ bản dù thanh khoản tăng nhưng sẽ không quá mạnh do nhà đầu tư khi mua các cổ phiếu này thường ít có xu hướng trading T+.

Theo đó, tôi kỳ vọng thanh khoản thị trường có sự cải thiện nhưng không quá đột biến, có thể tăng 10- 20% nếu các điều kiện khác không thay đổi.

Đối với nhóm công ty chứng khoán, chắc chắn thu nhập từ phí giao dịch sẽ được hưởng lợi từ yếu tố này. Dù vậy, với kỳ vọng thanh khoản thị trường không tăng quá mạnh, trong khi nguồn thu chính của các công ty chứng khoán là từ hoạt động margin hay các hoạt động khác như tự doanh, tư vấn, sẽ không có khác biệt. Tôi cho rằng mức độ hưởng lợi trong báo cáo kết quả kinh doanh sẽ chỉ ở mức vừa phải.

Ông Trần Hà Xuân Vũ - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Nếu theo quy trình cũ, môt nhà đầu tư chỉ có thể thực hiện 2 giao dịch trong một tuần. Tuy nhiên với quy trình mới, nhà đầu tư có thể thực hiện 3 giao dịch trong một tuần. Do đó, có thể thấy vòng quay tiền trên thị trường sẽ nhanh hơn và giúp giá trị giao dịch bình quân các phiên tăng lên.

Trước đó, khi áp dụng thay đổi T+4 sang T+3 trong tháng 9/2012, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân hàng tuần trong 12 tháng tiếp theo đã tăng 12% so với khoảng thời gian trước đó, cũng trong bối cũng thị trường vừa giảm mạnh trong năm 2011 và kéo dài sang 2012.

Với giá trị giao dịch bình quân cải thiện, các công ty chứng khoản có thể sẽ được hưởng lợi. Hiện chúng tôi kỳ vọng giá trị giao dịch bình quân có thể tăng 20% từ mức hiện tại.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi khi giảm giao dịch từ T+2 về T+1.5 thì thanh khoản thị trường sẽ được cải thiện hơn nhưng không nhiều vì những nhà đầu tư lướt sóng chuyên nghiệp khá ít và cần bán sát thị trường. Công ty chứng khoán sẽ được hưởng lợi từ thanh khoản thị trường tăng nhưng tôi nghĩ cũng không nhiều.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con