Xuất khẩu điều quý 1/2023: Tăng cả lượng và trị giá
Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong quý 1/2023 đạt 122 nghìn tấn, trị giá 708 triệu USD, tăng 16,6% về lượng và tăng 14,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022…
Trong tháng 1/2023, xuất khẩu điều suy giảm mạnh cả về lượng và trị giá, nhưng từ tháng 2/2023 đến nay đã tăng trưởng nhanh trở lại. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2023, xuất khẩu nhân điều đạt 34,3 nghìn tấn, trị giá 197,7 triệu USD, tăng 25,8% về lượng và tăng 26,9% về trị giá so với tháng 1/2023; và so với cùng kỳ năm 2022 tăng 35,4% về lượng và tăng 31,2% về trị giá.
NGÀNH ĐIỀU ĐANG CHỊU ÁP LỰC CẠNH TRANH
Sang đến tháng 3/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đã tăng mạnh với 60 nghìn tấn, trị giá 355 triệu USD, tăng 75% về lượng và tăng 79,5% về trị giá so với tháng 2/2023, và so với cùng kỳ năm 2022 tăng 50,4% về lượng và tăng 48,6% về trị giá.
Tính chung quý 1/2023, xuất khẩu hạt điều đạt 122 nghìn tấn, trị giá 708 triệu USD, tăng 16,6% về lượng và tăng 14,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hạt điều của nước này trong quý đầu năm giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, Trung Quốc giảm nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam, nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà, Tôgô, Tazania, Benin... Điều này cho thấy, ngành điều Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khá lớn từ các nước sản xuất khác trong việc xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc.
"Tháng 3/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.913 USD/tấn, tăng 2,6% so với tháng 2/2023, nhưng giảm 1,2% so với tháng 3/2022. Tính chung quý 1/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của nước ta ước đạt mức 5.826 USD/tấn, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2022".
Theo Tổng cục Hải quan.
Nhìn lại năm 2022, là năm mà ngành chế biến, xuất khẩu hạt điều chấm dứt giai đoạn 10 năm liên tục tăng trưởng về xuất khẩu. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong năm 2022 đạt 519.782 tấn, trị giá 3,08 tỷ USD, giảm 10,3% về lượng, giảm 15,1% về giá trị so với năm 2021. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu điều sang thị trường Trung Quốc đã giảm từ 15% xuống còn khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu điều của Việt Nam.
Tuy nhiên, với hơn 3 tỷ USD thu về, ngành điều Việt Nam vẫn giữ vị trí số 1 thế giới về công nghệ và sản lượng điều nhân xuất khẩu, chiếm khoảng 80% thương mại điều nhân toàn cầu. Các thị trường xuất khẩu hạt điều chính của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc…
Theo Vinacas, xuất khẩu hạt điều trong năm 2023 giảm cả về lượng lẫn giá trị là do tình trạng lạm phát cao trên toàn cầu, khiến cho giá cả sinh hoạt trở nên đắt đỏ hơn, mức chi tiêu cho các nhu cầu tất yếu tăng cao hơn rõ rệt, dẫn đến việc tiêu thụ hạt điều và các thực phẩm không thiết yếu khác bị ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh đó, việc các ngân hàng Trung ương tăng cao lãi suất cũng khiến cho các nhà nhập khẩu không còn khả năng mua hạt điều với khối lượng lớn để dự trữ như trước. "Giá điều thô nguyên liệu ở mức cao trong khi giá nhân điều lại ở mức thấp khiến các doanh nghiệp điều Việt Nam gặp khó khăn", Vinacas nhấn mạnh.
VƯỢT QUA KHÓ KHĂN ĐỂ TÌM LẠI TĂNG TRƯỞNG
Tại thị trường nguyên liệu điều trong nước, hiện đang vụ thu hoạch, giá hạt điều nông dân bán ra tại vườn thấp hơn hẳn so với mọi năm. Hiện hạt điều bán tại vườn của nông dân chỉ được từ 25-28 ngàn đồng/kg, thấp hơn 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas nhận định năm 2023, ngành điều Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn, nhu cầu tiêu thụ chậm, giá khó tăng. Hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn từ tình hình kinh tế, chính trị quốc tế; biến động tỷ giá USD/VND; tiêu dùng giảm, chi phí chế biến ngày càng tăng... Cùng với đó là vấn đề lạm phát ở các thị trường tiêu thụ chính của nhân điều Việt Nam; đặc biệt là tình trạng tồn kho nhân điều tại những thị trường này.
Trong bối cảnh trên, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu điều năm 2023 ở mức “khiêm tốn” với 3,1 tỷ USD, tăng nhẹ 30 triệu USD so với năm 2022. Đồng thời, duy trì chủ trương “giảm lượng, tăng chất”.
Theo Vinacas, trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp điều Việt Nam đều có thói quen thu mua ồ ạt điều thô vào đầu vụ. Điều này gây ra tình trạng tăng mua, khiến giá điều thô luôn ở mức cao. Ngoài ra, do áp lực tài chính, điều thô mua về phải đưa vào sản xuất ngay và bán điều nhân ra để thu hồi vốn.
"Cách đầu cơ điều thô như những năm trước đã không còn phù hợp trong thời điểm hiện tại. Thời gian tới, doanh nghiệp và ngành điều cần có chiến lược bài bản cho việc xây dựng và quản trị thương hiệu để phát huy tối đa giá trị thương hiệu của một ngành đứng đầu thế giới”,
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas).
Từ đó, dẫn tới tình trạng tranh bán, khiến giá điều nhân không thể tăng lên. Không chỉ vậy, việc chỉ tập trung vào một số thị trường truyền thống cũng khiến các doanh nghiệp điều Việt Nam luôn ở thế bị động và bị ép giá…
Để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, ông Phạm Văn Công khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều cần thực hiện nhiều giải pháp để mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần đạt mục tiêu đề ra, như đem sản phẩm điều tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng trẻ thông qua các kênh trực tuyến, người nổi tiếng và xây dựng thương hiệu thông qua các mô hình B2B, B2C (mô hình kinh doanh trong thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp).
Đối với các thị trường xuất khẩu lớn và yêu cầu khe khắt, các doanh nghiệp cần có kế hoạch cho việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng chuỗi giá trị cho ngành, tạo điều kiện đảm bảo các tiêu chí để xuất khẩu.
“Các doanh nghiệp ngành điều cần tiên phong trong việc thực hành sản xuất xanh để đảm bảo tấm vé vào các thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản. Bởi đây đang là xu thế trên toàn cầu, trong đó, EU đang đi đầu về xu hướng này”, ông Phạm Văn Công nhấn mạnh.
Để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của ngành điều, Vinacas đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành cho hạt điều và các sản phẩm phụ của cây điều.
Cùng với đó, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, Hiệp hội để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành điều trong việc triển khai thực hiện các quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm của thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ.
Vinacas đề xuất Bộ Công Thương có các chương trình khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, cải tiến công nghệ, thiết bị, chuyển đổi số, nâng cấp cơ sở chế biến phù hợp tiêu chuẩn quốc tế... Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng, đầu tư chế biến sâu các sản phẩm liên quan hạt điều và đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu.