21:18 03/08/2021

Phó Bí thư Phan Văn Mãi: Vấn đề của TP.HCM hiện nay là F0 nặng, tử vong

Minh Tâm

Thừa nhận vấn đề hiện nay của TP.HCM là F0 nặng, tử vong do khâu tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 "quá tải", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng điều quan trọng hiện nay là phải làm sao để ngăn chặn F0 chuyển nặng và tử vong…

Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh TTBC)
Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh TTBC)

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn thành phố ngày 3/8, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận: "Việc điều trị bệnh nhân nặng, tử vong là vấn đề mà thành phố đang đối mặt hiện nay".

TẬP TRUNG ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN NẶNG VÀ GIẢM TỬ VONG

Thời gian qua, mặc dù được tăng cường về nhân lực và trang thiết bị nhưng đến giờ này, TPHCM vẫn đang quá tải. Thành phố đang tiếp tục tăng năng lực tiếp nhận điều trị mỗi ngày, điều chỉnh những bất hợp lý, hạn chế tối đa việc bệnh nhân có nhu cầu nhưng chưa được nhận, tiếp nhận trễ, dẫn đến bệnh nặng hơn và tử vong. "Đến giờ này, ở những thời điểm nhất định, vẫn còn tình trạng chưa đáp ứng được kịp thời", ông Mãi nhận định.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi tại cuộc họp báo ngày 3/8.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi tại cuộc họp báo ngày 3/8.

Khi chuyển chiến lược sang điều trị, thành phố đã khẩn trương chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, thuốc men. Ngành y tế đã thực hiện 3 tầng 5 tháp điều trị, tăng cơ sở vật chất; tăng cơ sở điều trị. Cụ thể như thực hiện bệnh viện tách đôi ngay tại quận, huyện, thành phố; có nơi đã tăng năng lực tiếp nhận cấp cứu F0 lên 100%. Tuy nhiên, từ đây cũng đặt ra yêu cầu khác là nhân lực và trang thiết bị.

"Việc mở rộng đặt ra yêu cầu về nhân lực và trang thiết bị. Thời gian qua, thành phố được tăng cường nhưng phải nói đến giờ này thành phố vẫn đang quá tải và đang thiếu", ông Mãi nói.

Trả lời câu hỏi các trường hợp tử vong thường xảy ra ở khâu nào, ông Phan Văn Mãi cho hay, TP.HCM đang theo dõi số liệu để phân tích. Đến giờ này, TP.HCM chưa có thống kê đầy đủ để có thể nhận định cuối cùng. “Theo quan sát và phân tích, khâu tiếp nhận, xử lý ở tầng 3 trong tháp 5 tầng điều trị đang gặp nhiều khó khăn do hạn chế cơ sở vật chất, đội ngũ, thiết bị. Thành phố sẽ tập trung khắc phục", ông Mãi nói.

Phó bí thư cho biết thành phố đã đề nghị Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế quan tâm hỗ trợ, kết nối liên thông tầng 3 - tầng 4 - tầng 5, để kịp thời có chỉ định, biện pháp điều trị giúp giảm trở nặng, giảm tử vong.

 

Bộ Y tế đang thiết lập nhiều trung tâm hồi sức bệnh nhân nguy kịch tại TP HCM, do các bệnh viện lớn tuyến trung ương phụ trách, với mục tiêu lớn nhất là giảm số tử vong ở người mắc Covid-19.

“TP.HCM xác định khi chuyển sang chiến lược điều trị, thì việc đếm ca dương tính không còn ý nghĩa lớn. Thay vào đó, TP.HCM đếm ca tiếp nhận điều trị, trong số đó bao nhiêu ca điều trị khỏi, bao nhiêu ca chuyển nặng, và đặc biệt là số ca tử vong, để từ đó có biện pháp mạnh hơn nhằm hạn chế chuyển nặng, hạn chế tử vong”, Phó bí thư Phan Văn Mãi nói.

Về công tác điều trị bệnh nhân, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam, cho biết, hiện ngoài việc tập trung chữa bệnh nhân ở tầng 5 điều trị (bệnh nhân nguy kịch), tập trung triển khai đội vận chuyển các ca ở tầng 1 và tầng 4. Trong đó, cố gắng vận chuyển nhanh các ca F0 không triệu chứng được cách ly tại nhà hoặc đang điều trị tại tầng 1 là các quận huyện khi có triệu chứng lên các tầng trên. Đây là cách để giải bài toán điều trị được ngay cho các bệnh nhân.

GIẢM CA NHIỄM TRONG KHU PHONG TỎA

Trao đổi với báo chí sau cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhận định tình hình dịch bệnh và số ca F0 tại TP.HCM có xu hướng đi ngang và đang có dấu hiệu giảm.

Mô hình điều trị tháp 5 tầng tại TP.HCM (ảnh HCDC)
Mô hình điều trị tháp 5 tầng tại TP.HCM (ảnh HCDC)

Trong mô hình điều trị tháp 5 tầng mà TP HCM đang áp dụng, tầng 3 điều trị các ca có triệu chứng. Tầng 4 gồm các bệnh viện điều trị người có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa. Tầng 5 là bệnh viện hồi sức Covid-19, tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Mô hình 3 tầng 5 lớp đã phát huy hiệu quả. Thành phố cùng Trung ương đang xây dựng 5 trung tâm điều trị Covid-19 của khu vực. Trong đó, tập trung tổ chức 3.000 giường hồi sức để chữa trị ca nặng không chỉ tại TP.HCM mà cả phía Nam.

Về lo lắng của người dân TP.HCM trong thời gian qua trước tình trạng lây nhiễm trong khu phong tỏa, ông Đức nhận định sau khi thành phố siết chặt lại các biện pháp, số ca dương tính mới được phát hiện thuộc nhóm này có dấu hiệu giảm.

Cũng theo ông Đức, thay đổi mang tính chất chiến lược của thành phố là không phong tỏa khu vực lớn mà siết chặt, khoanh vùng khu vực nhỏ theo nguyên tắc là "chặt trong lẫn ngoài". Ông nhận định thời gian qua, các địa phương thực hiện tương đối tốt việc này.

 
TP.HCM chính thức áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7.
Từ 24/7, thành phố siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách, thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động.
Từ 26/7, thành phố quy định trong khoảng 18h đến 6h mỗi ngày, người dân TP.HCM được yêu cầu hạn chế ra đường.
Từ 2/8, TP.HCM tiếp tục kéo dài Chỉ thị 16 cùng các biện pháp siết chặt thêm 2 tuần.