Doanh nghiệp Việt hướng tới chuỗi cung ứng bền vững

Lê Vũ
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn từ xu hướng chuyển dịch sản xuất để tham gia sâu vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Để nắm bắt cơ hội này, không những cần đến sự định hướng, hỗ trợ từ Chính phủ mà bản thân các doanh nghiệp cần chủ động, nỗ lực, sáng tạo trong hoạt động sản xuất và tăng cường mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài.

Hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy ngành CNHT phát triển

Nhiều doanh nghiệp CNHT trong lĩnh vực ô tô, xe máy ngày càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Lê Vũ
Nhiều doanh nghiệp CNHT trong lĩnh vực ô tô, xe máy ngày càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Lê Vũ.

Bộ Công Thương cho biết, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được Chính phủ xác định là ngành công nghiệp quan trọng trong nền kinh tế. Do đó, những cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển CNHT tại Việt Nam liên tục được xây dựng, ban hành và điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Theo Nghị quyết số 115/NQ-CP, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Cả nước sẽ có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.

Đến năm 2030, sản phẩm CNHT sẽ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Tại Dự thảo sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT, Bộ Công Thương đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp CNHT ưu tiên trong vòng 10 năm, với khoản cấp bù chênh lệch lãi suất 3%/năm cho đối tượng thuộc diện ưu đãi đầu tư. Chính sách này áp dụng với các khoản vay ký thỏa thuận vay vốn, giải ngân thực hiện đến hết năm 2030.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Bộ Công Thương cũng nhận định quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung và sự phát triển của ngành CNHT trong giai đoạn tới còn gặp nhiều thách thức. Trong đó, đại dịch Covid-19 và các cuộc chiến tranh thương mại, xung đột vũ trang trong thời gian vừa qua đã tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trên toàn cầu; đặc biệt là nguy cơ đứt gãy chuỗi giá trị, gián đoạn nguồn cung.

Do đó, xu hướng tái cấu trúc để định hình và cân bằng chuỗi cung ứng đang ngày càng được đẩy nhanh. “Xu thế này có thể mang lại dòng vốn dịch chuyển đầu tư quốc tế vào các khu công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới. Tuy nhiên, một thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất nội địa là chưa có sự kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp FDI để cùng tham gia vào chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được ngành CNHT trong nước phát triển”, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.

Mở rộng các hoạt động giao thương quốc tế

Lễ khai mạc Triển lãm Quốc tế lần thứ 4 về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam (VIMEXPO 2023). Ảnh: Lê Vũ
 Triển lãm Quốc tế lần thứ 4 về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam (VIMEXPO 2023) có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Lê Vũ.

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, từ năm 2020, Bộ đã chỉ đạo tổ chức sự kiện thường niên Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam (VIMEXPO) nhằm khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các nhà cung ứng, coi đây là cốt lõi của chính sách phát triển CNHT, thu hút dòng vốn FDI vào công nghiệp chế biến, chế tạo và CNHT. Sự kiện đã trở thành điểm gặp gỡ lý tưởng giữa các doanh nghiệp, tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài.

Triển lãm Quốc tế lần thứ 4 về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam (VIMEXPO 2023) do Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp - Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với Công ty Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm C.I.S Vietnam tổ chức, diễn ra từ ngày 15-17/11/2023. Sự kiện có quy mô 7.000 m2 với gần 300 gian hàng và sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, ngành công nghiệp ô tô có các đại diện lớn tham gia triển lãm như Tập đoàn THACO, Toyota Việt Nam, Công ty CP Nhựa Hà Nội, Công ty CP Đầu tư Thương mại Công nghiệp Hà Nội... cùng các công ty đến từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

“Triển lãm sẽ giúp VEAM cũng như các doanh nghiệp đạt được những hiệu quả và mục tiêu tích cực trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và phát triển thị trường; từ đó tạo ra cơ hội hợp tác, mở rộng mối quan hệ và tiếp cận với những tiến bộ công nghệ hàng đầu trên thế giới, tăng cường vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu”, ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) phát biểu tại sự kiện.

Các doanh nghiệp đầu ngành có vai trò dẫn dắt, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Lê Vũ
Các doanh nghiệp đầu ngành có vai trò dẫn dắt, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Lê Vũ.

Ông Watanabe Shige, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhận định, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, cùng các chính sách hỗ trợ tích cực của Chính phủ. Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã có mối quan hệ hợp tác mật thiết với doanh nghiệp Việt Nam để cùng phát triển. Trong đó, Toyota là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đặt chân đến Việt Nam và đã có nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ và hợp tác với doanh nghiệp Việt trong gần 30 năm qua.

Hồi đầu tháng 11/2023, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã đến thăm Việt Nam và có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Những nội dung trong công bố giữa Liên bộ cho thấy, cả hai quốc gia sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh phát triển CNHT tại Việt Nam. Ví dụ JETSO đầu tư hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến, chế tạo. Tổ chức JICA Nhật Bản đang tiến hành các hợp tác kỹ thuật trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã và đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt nâng cao công nghệ sản xuất, hệ thống quản lý chất lượng. Trong năm 2023, Công ty Toyota Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Công Thương, để hỗ trợ phát triển CNHT của Việt Nam trong ngành ô tô, xe máy.

“Việt Nam đang có nhiều cơ hội trước làn sóng chuyển dịch sản xuất từ những quốc gia lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy sản xuất các sản phẩm có giá trị, hàm lượng công nghệ cao để có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Watanabe Shige chia sẻ.

Hợp tác là giải pháp quan trọng hướng tới chuỗi cung ứng bền vững

Thế giới ngày càng quan tâm đến tăng trưởng xanh, bền vững. Ảnh: Lê Vũ
Thế giới ngày càng quan tâm đến tăng trưởng xanh, bền vững. Ảnh: Lê Vũ.

Báo cáo của Tổng Cục Thống kê cho thấy, hiện nay, trên 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của cả nước vẫn đang sử dụng thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% doanh nghiệp sử dụng thiết bị bán tự động, còn lại 10% doanh nghiệp sử dụng thiết bị tự động hoá và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất. Điều này cho thấy, nếu để doanh nghiệp Việt tự lực, tự cường sẽ rất khó để theo kịp các quốc gia phát triển.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc, tìm đến các thị trường nhỏ hơn tại Châu Á để giảm thiểu rủi ro. Chính phủ Nhật Bản đã chi 2,2 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp nước này rời Trung Quốc. Chính phủ Mỹ cũng yêu cầu các công ty sớm rời nhà máy tại Trung Quốc về Mỹ hoặc chuyển sang nước thứ ba. Nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đang có những động thái tương tự.

Trong làn sóng dịch chuyển này, Việt Nam trở thành một trong những “bến đỗ” mới đầy tiềm năng tại khu vực Đông Nam Á. Những doanh nghiệp tiên phong, dám “dấn thân” sẽ có cơ hội lớn chiếm lĩnh thị phần, trở thành nhà cung cấp mới cho thị trường thế giới. Nhưng để tận dụng được thời cơ này, doanh nghiệp Việt phải đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn của các bạn hàng nước ngoài, đặc biệt là các tiêu chuẩn xanh và bền vững.

Ông Nguyễn Hữu Phong, Giám đốc Sản xuất Công ty CP Nhựa Hà Nội, cho biết hiện tại trong lĩnh vực ô tô, xe máy, Công ty đã có các bạn hàng trong và ngoài nước như Toyota, Honda, Piaggio. Trong đó, Toyota là một trong những bạn hàng quan trọng, đã có nhiều hỗ trợ về quản trị, sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực. Do đặc thù hoạt động trong ngành nhựa nên Công ty đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường.

“Các sản phẩm đều được sản xuất theo công nghệ và quy trình khép kín, giảm phát thải. Các phụ phẩm, phế phẩm độc hại sản sinh trong quá trình sản xuất được Công ty xử lý thu gom, vận chuyển cho một đối tác chuyên xử lý để đảm bảo an toàn với môi trường và sức khỏe của cộng đồng. Tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm trong lĩnh vực ô tô đạt khoảng 40%, xe máy đạt gần 90%”, ông Phong nói.

Cùng quan điểm, bà Tô Thị Hồng Lĩnh, phụ trách kinh doanh Công ty CP Đầu tư Thương mại Công nghiệp Hà Nội (OSAKA SEIMITSU) cho biết, hiện tại quy trình sản xuất của Công ty đã đạt tiêu chuẩn ISO 14009:2020 về quản lý chất lượng môi trường. “Các nguyên liệu được nhà máy sử dụng đều thân thiện với môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn RoSH, REACH của châu Âu. Công ty cũng đang đàm phán với một số đối tác để triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái từ cuối năm 2024”, bà Lĩnh chia sẻ.

Cũng theo đại diện nhiều doanh nghiệp CNHT, thời gian qua đã có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến Việt Nam bằng nhiều kênh khác nhau. Rõ ràng, việc mở rộng quan hệ hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong nước. Đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, khi mà các doanh nghiệp Việt cần vốn, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất; còn doanh nghiệp nước ngoài lại cần nhà cung cấp và thị trường tiêu thụ.

Ông Darryl James Dong, đại diện Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC tại Việt Nam cho rằng, thương mại vốn là ngành có nhiều thách thức; thương mại toàn cầu thậm chí còn nhiều thách thức, khó khăn hơn nữa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể nâng cao vị thế của mình nhằm cạnh tranh tốt hơn và thậm chí vượt qua các đối thủ, đó chính là việc áp dụng triết lý kinh doanh bền vững. Trong “cuộc chiến không khoan nhượng” này, điều các doanh nghiệp cần làm là hợp tác với nhau để cùng phát triển.

Tin mới

BYD muốn định nghĩa lại “xe sang” trong kỷ nguyên xe điện

BYD muốn định nghĩa lại “xe sang” trong kỷ nguyên xe điện

Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD sẽ giới thiệu chiếc sedan đầu tiên nằm trong phân khúc cao cấp của mình tại triển lãm ô tô Bắc Kinh, nhằm thách thức những hãng như Mercedes-Benz của Đức, hãng mà ba năm trước đã rút khỏi sự phát triển của thương hiệu Denza, với lý do doanh số bán hàng chậm.
#AutoHashtag: Vì sao Ford nhiều năm “bất bại” trong phân khúc xe bán tải ở Việt Nam?

#AutoHashtag: Vì sao Ford nhiều năm “bất bại” trong phân khúc xe bán tải ở Việt Nam?

Khởi nguyên là dòng xe nhắm đến đối tượng khách hàng nông dân ở các vùng ngoại ô, ngày nay, những chiếc xe bán tải mang thương hiệu Mỹ, Ford, đang được đông đảo người dùng tại đô thị săn tìm. Vì sao dòng xe này phát triển mạnh tại Việt Nam và vì sao Ford lại thành công đến vậy? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay.
Tín chỉ carbon: Nguồn lợi tỷ USD cho VinFast trong tương lai?

Tín chỉ carbon: Nguồn lợi tỷ USD cho VinFast trong tương lai?

Tín chỉ carbon có thể là một khái niệm xa lạ và không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng chúng là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc. Trên thế giới, khái niệm này đã được nhiều quốc gia áp dụng và nhiều công ty đã thu được nguồn lợi không nhỏ.