Vì sao cà phê muối Việt Nam nổi tiếng toàn thế giới?
Một ly cà phê muối chỉ có giá hơn 10 ngàn ở xe đẩy đến khoảng dưới 50 ngàn ở những quán sang trọng có máy lạnh. Đây là một xu hướng đồ uống hiếm hoi không xuất phát từ Trung Quốc được nhiều khách hàng ở nhiều độ tuổi khác nhau đón nhận nhất…
Hãng tin CNN mới đây vừa đăng tải một bài viết giới thiệu về cà phê muối của Việt Nam được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình. "Cà phê muối là hỗn hợp sữa đặc có đường và cà phê đen Việt Nam, có kem mặn phủ phía trên. Thực khách có thể uống nóng hoặc cho thêm đá. Quán cà phê mang tên Cà phê muối ở Huế được xem là nơi "phát minh" ra loại đồ uống nổi tiếng này".
Trả lời phỏng vấn với CNN Travel, chị Hồ Thị Thanh Hương và anh Trần Nguyễn Hữu Phong là chủ quán cho biết đã nghĩ ra món cà phê muối vào năm 2010 khi mở quán cà phê đầu tiên tại số 10 đường Nguyễn Lương Bằng, thành phố Huế. Theo chị Hương và anh Phong, nếu muốn mở quán cà phê thì phải làm khác một chút để thu hút khách hàng và hương vị cà phê muối, sáng tạo riêng của quán đã anh chị giữ chân khách hàng.
“Sự kết hợp giữa sữa đặc, muối và cà phê đen tạo ra hỗn hợp kem làm dịu vị đắng của cà phê và cân bằng vị ngọt của sữa”, hai đồng chủ sở hữu quán cà phê cho biết. Sau người dân địa phương, khách du lịch tò mò bắt đầu đến thưởng thức và họ thích thức uống này.
"Chúng tôi hy vọng cái tên Cà phê muối sẽ gây chú ý vì nhiều người nghĩ rằng cà phê chỉ có thể pha với đường hoặc sữa. Chúng tôi thực sự biết ơn những khách hàng đầu tiên, họ đã sẵn lòng thử thức uống kỳ lạ này và phản hồi để chúng tôi nhanh chóng hoàn thiện hương vị,” chị Hương nói. Rất nhanh chóng, cà phê muối trở nên nổi tiếng như một thức uống đặc sản ở thành phố Huế và các quán cà phê trên khắp Việt Nam cũng bắt đầu phục vụ thức uống này.
Đặc biệt, trong thời kỳ đại dịch, mọi người cởi mở hơn với những điều lạ lẫm mới mẻ, cà phê muối “take away” phổ biến khắp nơi. Sau Covid-19, cà phê muối dường như đã trở thành xu hướng trên khắp Việt Nam, thậm chí một số quán cà phê đã đóng chai thức uống của họ để bán ra thị trường. Các chi nhánh của Starbucks tại Việt Nam cũng đã tham gia làn sóng cà phê muối, ra mắt phiên bản cà phê muối vào tháng 5 vừa rồi.
Thực chất, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất thêm muối vào cà phê. Vào năm 2023, một bài báo trên tạp chí ẩm thực hàng đầu Bon Appetit đã gợi ý độc giả nên thêm muối vào đồ uống để giảm bớt vị đắng và tăng hương vị. Bài báo lưu ý rằng truyền thống này đã có từ hàng trăm năm trước ở các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary và Siberia.
Dù vậy, hãng truyền thông Mỹ lý giải cà phê muối của Việt Nam khiến những người chưa từng nếm thử phải ngạc nhiên về hương vị. "Sữa đặc có đường giúp cân bằng vị đắng của cà phê và muối làm tăng thêm vị ngọt, giống như cách thêm một chút muối trong caramel để hương vị nổi bật hơn".
Bên cạnh đó, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Mintel công bố năm 2023, người tiêu dùng bên ngoài châu Á ngày càng quan tâm đến những trải nghiệm và hương vị cà phê mới lạ. Khoảng 71% người tiêu dùng thuộc thế hệ Z được Mintel phỏng vấn tại Mỹ cho biết họ muốn thử các loại đồ uống cà phê lấy cảm hứng từ châu Á như cà phê Việt Nam (cà phê với sữa đặc, sữa dừa, trứng).
Tại Mỹ, 7 Leaves Café - chuỗi quán cà phê bán đồ uống Việt Nam - mở rộng tới hơn 40 chi nhánh trên khắp đất nước sau khi mở quán đầu tiên ở bang California vào năm 2011. Trong khi đó, các quán cà phê Việt Nam độc lập đã xuất hiện trên khắp đất nước cờ hoa, với Phin Ca Phe ở thành phố Seattle và Càphê Roasters ở thành phố Philadelphia đều có bán cà phê muối.
Bên kia Đại Tây Dương ở London (Anh), các địa điểm như Caphe House cũng phục vụ nhiều loại đồ uống là cà phê Việt Nam. CNN Travel nhận định món cà phê muối Việt Nam đang trở thành xu hướng đồ uống mới, với rất nhiều người cố gắng tùy chỉnh ly cà phê của họ sao cho giống thức uống này.
Thực tế, cà phê muối chỉ là một trong số nhiều loại cà phê đặc trưng của Việt Nam có thể khiến những người chưa từng nếm thử phải trầm trồ. Trong 10 điểm đến có thức uống cà phê tuyệt vời nhất hãng tin CNN cũng bình chọn, Hà Nội "sánh vai" với các "anh tài" khác như Wellington (New Zealand), Melbourne (Úc), London (Anh); Singapore, Seattle (Mỹ), Rome (Ý), Nigeria, Áo và Ireland.
Trước đó, hãng tin cũng từng đưa Việt Nam vào danh sách top các điểm đến cà phê độc đáo với món cà phê trứng với miêu tả "Khách tới quán cà phê Giảng ở Hà Nội theo đuổi một thứ đặc biệt hơn là caffein. Họ tới để thưởng thức cà phê trứng, một đặc sản của thủ đô với phần bọt xốp trên cà phê Việt Nam đậm đặc [...] Khi uống nóng, cà phê được cho vào một bát nước sôi để giữ nhiệt. Cà phê đặc từ đáy cốc thấm lên lớp trứng phía trên, tạo vị ngọt đậm đà nhưng không quá gắt".
Cẩm nang Michelin cũng đánh giá cao cà phê muối, khi thức uống này thể hiện tinh thần của ẩm thực Việt Nam, hòa quyện giữa cà phê truyền thống và sáng tạo của thế kỷ 21. Michelin cũng gọi cà phê trứng là một tuyệt tác của Hà Nội, ví cà phê sữa đá như là một viên ngọc quý trong số các loại cà phê ở Việt Nam, còn bạc xỉu là một dẫn chứng thú vị, hấp dẫn cho văn hóa Sài Gòn - TP.HCM khi cùng lúc hòa quyện ba nền văn hóa Việt Nam - Trung Quốc và Pháp...
Từ lâu, Việt Nam là một cường quốc sản xuất cà phê. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 902.000 tấn cà phê, thu 3,2 tỷ USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước. Về kim ngạch xuất khẩu, Bộ NN-PTNT dự báo năm nay xuất khẩu cà phê chắc chắn sẽ vượt trên 5 tỷ USD, thậm chí có thể lên tới 6 tỷ USD là mức cao nhất trong lịch sử. Vì vậy, các quán cà phê tại Việt Nam sáng tạo ra nhiều cách thưởng thức loại hạt này là chuyện dễ hiểu.
Hãng tin CNN cảm thán: "Đi dọc bất cứ con phố nào bạn sẽ nhanh chóng nhận ra người dân mê cà phê tới mức nào. Từ những người ngồi trên ghế nhựa vỉa hè chuyện trò với bạn, tới những người thích ngồi quán giá cao hơn ở TP.HCM và Hà Nội, nhu cầu cà phê hiển hiện khắp nơi. Cà phê Việt Nam truyền thống được pha bằng phin - dụng cụ pha chế bằng kim loại, có lọc - được đặt trên một chiếc cốc hoặc ấm. Nhiều người thích thêm 1 - 2 thìa sữa đặc có đường vào hỗn hợp và khuấy đều".