Xuất khẩu đạt 65 tỷ USD, Samsung được gia hạn doanh nghiệp ưu tiên tại Việt Nam?
Năm 2022, kết quả sản xuất, kinh doanh của Samsung cũng rất ấn tượng, xuất khẩu đạt 65 tỷ USD, chiếm 8,9% kim ngạch xuất khẩu Việt Nam, đóng góp quan trọng vào quá trình hồi phục và phát triển kinh tế của Việt Nam...
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan vừa ban hành Quyết định 827/QĐ-TCHQ gia hạn áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực hải quan (doanh nghiệp ưu tiên) đối với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên.
Thời gian gia hạn đối với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên là 3 năm kể từ ngày 12/2/2023. Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên được công nhận doanh nghiệp ưu tiên lần đầu năm 2014.
Tại Việt Nam, Samsung đang vận hành tất cả 6 nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP. Hồ Chí Minh, một trung tâm nghiên cứu phát triển R&D tại Hà Nội và một pháp nhân bán hàng. Việt Nam đang vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu và sẽ trở thành trung tâm chiến lược về R&D. Samsung hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều giá trị và đóng góp nhiều hơn cho kinh tế Việt Nam.
Năm 2022, kết quả sản xuất, kinh doanh của Samsung cũng rất xuất sắc (xuất khẩu đạt 65 tỷ USD, chiếm 8,9% kim ngạch xuất khẩu Việt Nam), đóng góp quan trọng vào quá trình hồi phục và phát triển kinh tế của Việt Nam, với kỷ lục lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc 700 tỷ USD, đạt 732,5 tỷ USD.
Được biết, Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên là giải pháp để thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cũng như chỉ đạo của Chính phủ đối với Tổng cục Hải quan trong việc tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa.
Do đó, công nhận ưu tiên cho các doanh nghiệp chính là hình thức ghi nhận của cơ quan chức năng Việt Nam đối với quá trình chấp hành tốt pháp luật của các doanh nghiệp, góp phần tạo thêm nhiều thuận lợi trong thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu và nâng cao thương hiệu của doanh nghiệp.
Khi được cấp “chứng nhận” ưu tiên doanh nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi như: giảm nhiều thủ tục hải quan; được thông quan hàng hóa nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí; được Nhà nước vinh danh, nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.
Về lâu dài, lợi ích chiến lược mà doanh nghiệp sẽ được hưởng là khi Việt Nam ký kết hiệp định công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên (AEO) với Hải quan các nước thì doanh nghiệp Việt Nam không những được hưởng chế độ ưu tiên tại nước mình mà còn được hưởng chế độ ưu tiên ở các nước mà Việt Nam đã ký kết.
Hết năm 2022, cả nước có tất cả 74 doanh nghiệp đang được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên, trong đó có 23 doanh nghiệp Việt Nam, 15 doanh nghiệp Hàn Quốc, 15 doanh nghiệp Nhật Bản, còn lại là các doanh nghiệp của Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Italy, Đan Mạch...