Kê biên số lượng lớn nhà đất trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2
So với hồi kết luận điều tra, cơ quan tố tụng làm rõ khối tài sản là bất động sản của bị can Trương Mỹ Lan và liên quan đến bà Lan để kê biên gồm 2 thửa đất ở TPHCM, Hà Nội; 76 quyền sử dụng đất ở Đồng Nai, 16 quyền sử dụng đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM…
Liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, có tổng cộng 34 bị can bị truy tố về các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Vận chuyển tiền tệ qua biên giới. Vụ án này cũng ghi nhận số lượng bị hại “kỷ lục” là 35.824 người với số tiền bị chiếm đoạt là 30.081 tỷ đồng.
Cho đến nay, cơ quan tố tụng đã thu giữ số tiền hơn 408 tỷ đồng, trong đó số tiền thu được trong giai đoạn điều tra là hơn 224 tỷ đồng và giai đoạn truy tố là hơn 183 tỷ đồng.
KÊ BIÊN KHỐI TÀI SẢN “KHỦNG”
Theo cáo trạng, bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã yêu cầu các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nộp hơn 356 tỷ đồng. Bị can Chu Lập Cơ, chồng bà Lan, nộp 19 tỷ đồng; các bị can khác khắc phục vài trăm triệu đồng – 2 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng cũng phong tỏa 79 tài khoản của các bị can với số tiền hơn 92,2 tỷ đồng và 5.799,48 USD; ngăn chặn giao dịch 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán của các bị can, người liên quan, các pháp nhân liên quan với tổng số tiền hơn 824 tỷ đồng và 261.914,93 USD.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng kê biên tài sản, ngăn chặn giao dịch đối với cổ phần, phần vốn góp liên quan đến bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), các bị can và cá nhân khác tại 9 công ty.
So với hồi kết luận điều tra, cơ quan tố tụng làm rõ khối tài sản là bất động sản của bị can Trương Mỹ Lan và liên quan đến bà Lan để kê biên gồm thửa đất ở 181 Bến Chương Dương (nay là 268 Võ Văn Kiệt), phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP.HCM; thửa đất địa chỉ lô đất CN1 Khu công nghiệp Nội Bài, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. 76 quyền sử dụng đất tại xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và 16 quyền sử dụng đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Bị can Tô Thị Anh Đào – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - bị kê biên 4 nhà đất ở TP.HCM và bị can Bùi Đức Khoa bị kê biên 3 nhà đất ở TP.HCM và Đà Nẵng.
5 bị can đang bị truy nã gồm Đinh Văn Thành, Nguyễn Thị Thu Sương, Chiêm Minh Dũng, Trầm Thích Tồn và Nguyễn Lâm Anh Vũ bị ngăn chặn giao dịch số dư tài khoản hơn 101 triệu đồng; ngăn chặn giao dịch 31 bất động sản.
Trong vụ án này, một số bị can được xác định đã phối hợp, tích cực hợp tác, giúp cơ quan điều tra làm rõ bản chất của vụ án gồm Chu Lập Cơ, Nguyễn Phương Anh, Trần Thị Mỹ Dung…
NHỜ NHỮNG NGƯỜI THÂN CẬN MỞ TÀI KHOẢN, KÝ CHỨNG TỪ
Theo cáo buộc, ở tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trương Mỹ Lan và các bị can đã đề ra chủ trương, thực hiện phát hành 25 mã trái phiếu “khống” thông qua 4 pháp nhân là Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setran để chiếm đoạt hơn 30.081 tỷ đồng của 35.824 nhà đầu tư.
Ở tội Rửa tiền, các bị can thực hiện loạt hành vi để che giấu nguồn gốc, hợp thức hóa số tiền hơn 445.748 tỷ đồng do tham ô tài sản và lừa đảo phát hành trái phiếu. Ngoài ra, các bị can lập các hợp đồng “khống” để vận chuyển hơn 4,5 tỷ USD qua biên giới (tương đương hơn 106.730 tỷ đồng)..
Để thực hiện các hành vi phi pháp, bị can Trương Mỹ Lan đã thông qua hàng trăm công ty “ma” và những người giúp sức tích cực cho mình.
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng cũng làm rõ 12 đối tượng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đứng tên mở tài khoản tín dụng tại Ngân hàng SCB, ký các chứng từ nộp tiền vào tài khoản. Những đối tượng này có mối quan hệ thân cận với vợ chồng Trương Mỹ Lan gồm con, cháu, thư ký, trợ lý …
Các cá nhân này được bị can Trương Mỹ Lan chỉ đạo sử dụng thẻ để thanh toán mua trang sức, chi tiêu khác theo yêu cầu.
Ngoài ra, còn có 180 cá nhân đứng tên ký chứng từ tại Ngân hàng SCB, đứng tên giám đốc các công ty “ma” được thuê ký hợp đồng khống.
Cơ quan tố tụng xác định các cá nhân này đều là lao động tự do, họ không biết nguồn gốc tiền, làm theo chỉ đạo nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự là phù hợp.