Vụ Vạn Thịnh Phát: Kê biên hàng tỷ cổ phần, vốn góp, bất động sản… trị giá hơn 12.000 tỷ đồng

Đỗ Mến
Chia sẻ

Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã kê biên tài sản, ngăn chặn giao dịch đối với cổ phần, vốn góp liên quan đến bà Lan và các bị can khác, cá nhân liên quan với giá trị quy đổi hơn 12.313 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1, TAND TPHCM đã có những phán quyết trong bản án sơ thẩm. Bên cạnh đó, tòa án cũng đưa ra một số kiến nghị đối với cơ quan điều tra.

LÀM RÕ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA TÒA ÁN

Theo đó, tòa án kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra các phương án, dự án chưa được xử lý trong vụ án này mà bà Trương Mỹ Lan (hoặc các cá nhân, tổ chức cho bà Lan sử dụng) hợp tác, giao kết, giao dịch để xác định đúng bản chất các giao dịch trên, nhằm xác định tài sản và hành vi sai phạm của các cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) để có căn cứ xem xét, thu hồi khi giải quyết vụ án trong giai đoạn 2 theo quy định.

Trong đó kiến nghị tiếp tục kê biên đối với 76 quyền sử dụng đất tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, giao cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý liên quan đến hành vi sai phạm của một số đối tượng đứng tên hộ tài sản cho bị cáo Lan. Với nội dung này, cơ quan điều tra đang điều tra xử lý hành vi có dấu hiệu “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của các đối tượng đứng tên hộ tài sản cho bà Lan.

Tòa án kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục kê biên đối với tài sản là 16 quyền sử dụng đất tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TPHCM)  có diện tích 1 ha, thuộc dự án khu đô thị Phước Kiển, giao Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra để giải quyết giai đoạn 2 của vụ án.

Cơ quan điều tra đã làm rõ việc 3 cá nhân đứng tên sở hữu các quyền sử dụng đất nêu trên góp tiền cùng người có tên Nguyễn Ngọc Dương (đã chết) để mua, trong khi bà Trương Mỹ Lan khai đã chi 500 tỷ đồng cho Dương để mua các quyền sử dụng đất này.

Cơ quan điều tra đề nghị tòa án tiếp tục duy trì kê biên đối với các tài sản trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

ỦY THÁC SANG SINGAPORE ĐỂ XÁC MINH HỒ SƠ

Tòa án cũng đề nghị cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ việc bà Trương Mỹ Lan sử dụng tiền thông qua Công ty Vivaland mua cổ phần của các công ty sở hữu Amaland, có căn cứ thu hồi số tiền này từ Công ty Amaland Pte.Ltd để bị cáo Trương Mỹ Lan khắc phục hậu quả.

Về nội dung này, kết quả điều tra thể hiện, dự án Khu đô thị và Khu tái định cư Sing Việt tại huyện Bình Chánh (100% cổ phần Công ty Amaland Pte.Ltd tại Singapore) do Công ty TNHH Đô thị Sing Việt làm chủ đầu tư.

Dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TPHCM cấp Giấy chứng nhận đầu tư, có quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000. Dự án đã đền bù giải phóng mặt bằng khu tái định cư. Cả khu đô thị và khu tái định cư chưa được triển khai xây dựng do chưa được cấp phép xây dựng…

Ngày 5/4/2020, Công ty Amaland Pte.Ltd (bên bán) và Công ty CP Đầu tư Singapore - Việt Nam (SVIC- bên mua) đã ký hợp đồng phụ kèm theo; giá trị hợp đồng chuyển nhượng là 170 triệu USD, đã thanh toán trước 16,5 triệu USD và đề nghị Công ty Amaland chuyển giao cổ phần.

Tuy nhiên, Công ty Amaland không thực hiện mà có văn bản yêu cầu bên mua hủy hợp đồng, sẽ trả lại 50% tiền đặt cọc cho bên mua, nhưng bên mua không đồng ý.

Bên bán đã làm thủ tục khởi kiện bên mua ra tòa án Singapore về việc không thực hiện hợp đồng, yêu cầu hủy hợp đồng đã ký kết. Trong khi đó, bên mua cũng khởi kiện bên bán ra tòa án tại Việt Nam để yêu cầu bên bán phải tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết.

Hiện gia đình bà Trương Mỹ Lan do con gái là Chu Duyệt Phấn làm đại diện đã báo cáo về việc mẹ mình mua 100% cổ phần của các cổ đông sở hữu Công ty Amaland tại Singapore và Công ty Amaland, đã ủy quyền cho 3 cá nhân (do bà Trương Mỹ Lan chỉ định) nắm giữ 100% vốn góp tại Công ty TNHH Đô thị Sing Việt.

Do có tranh chấp như trên nên cơ quan điều tra đã ban hành Ủy thác tư pháp cho Cơ quan Tổng Chưởng lý Singapore thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự để xác minh hồ sơ pháp lý, chủ sở hữu tài sản và tình trạng pháp lý hiện nay của các tài sản liên quan kể trên, nhưng chưa có kết quả.

Căn cứ kết quả xác minh nêu trên, cơ quan điều tra chuyển hồ sơ, tài liệu có liên quan để tòa xem xét xử lý theo quy định.

KÊ BIÊN LOẠT CỔ PHIẾU, BẤT ĐỘNG SẢN… TRỊ GIÁ HƠN 12.313 TỶ ĐỒNG

Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã kê biên tài sản, ngăn chặn giao dịch đối với cổ phần, vốn góp liên quan đến bà Lan và các bị can khác, cá nhân liên quan với giá trị quy đổi hơn 12.313 tỷ đồng.

Theo đó, kê biên 100% cổ phần tại CTCP Twin Peaks do bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho Công ty Vibrant Growth Pte, Công ty Vibrant Growth Three Pte.Ltd. và Công ty cổ phần Sài Gòn Helios đứng tên sở hữu (tài sản đang thế chấp để đảm bảo dư nợ vay khoảng 230 triệu USD);

Kê biên 18% vốn góp tại Công ty liên doanh TNHH Vietcombank – Bonday – Bến Thành (hơn 142 tỷ đồng) do bà Lan và Vạn Thịnh Phát giao cho CTCP Dịch vụ - Thương mại TPHCM nắm giữ; 73,04% cổ phần tại CTCP Đầu tư Hợp Thành 1 do bà Lan và Vạn Thịnh Phát giao cho CTCP Bông Sen đứng tên sở hữu.

Kê biên 82% vốn góp tại một công ty bảo hiểm (khoảng 492 tỷ đồng) do bà Lan và Vạn Thịnh phát giao cho 5 cá nhân và 2 công ty đứng tên.

Kê biên 77,89% cổ phần tại CTCP dược phẩm Đông Dược 5 do bà Lan và Vạn Thịnh Phát giao cho CTCP Tập đoàn y tế Khang An và cá nhân đứng tên.

Kê biên 84,82% vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông (hơn 4.580 tỷ đồng) do bà Lan và Vạn Thịnh Phát giao cho Công ty TNHH Phát triển Hạ tầng Bến Nghé đứng tên.

Kê biên 13,23% cổ phần tại CTCP Đầu tư Sao Thủy do bà Lan và Vạn Thịnh phát giao cho 2 cá nhân đứng tên.

Kê biên 100% cổ phần tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Thương mại Dịch vụ Hoàn Thuận Phát do bà Lan và Vạn Thịnh Phát giao cho 4 công ty đứng tên.

Kê biên hơn 1,4 tỷ cổ phần của bà Lan do 6 cá nhân đứng tên và 25 triệu cổ phần của Nguyễn Phương Hồng do người khác đứng tên hộ..

Cơ quan điều tra cũng kê biên 9 bất động sản liên quan đến bà Lan, các bị can và các cá nhân có liên quan.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con