Quản lý Gen Z giống như làm việc với nhân sự đến từ “nhiều quốc gia khác nhau”
Khi bắt đầu tham gia lực lượng lao động, thế hệ X và thế hệ Y từng bị những người lao động lớn tuổi gọi là “lười biếng”. Tuy nhiên, Gen Z đang phải đối mặt với những thách thức lớn hơn…
Lindsey Pollak,một chuyên gia hàng đầu về tư vấn nghề nghiệp tại Mỹ chia sẻ với Fortune: “Mọi người cùng trải qua đại dịch nhưng với mỗi trải nghiệm khác nhau. Nói về Gen Z, tôi nghĩ chúng ta phải thông cảm vì họ đã phải chịu đựng đại dịch ở một thời điểm rất bất lợi trong cuộc sống và sự nghiệp đầu đời. Họ xứng đáng nhận những hỗ trợ tốt hơn; và rõ ràng họ cũng thường kỳ vọng hơn".
Các nhà quản lý thường phàn nàn Gen Z không hoàn thành các nhiệm vụ đơn giản hay thậm chí là lười biếng. Trong khi đó, Gen Z lại thất vọng vì các nhà tuyển dụng trả lương không thỏa đáng hoặc môi trường làm việc không tốt.
Pollak cho rằng với những người đã làm việc trong nhiều năm, những công việc như tán gẫu với khách hàng hoặc viết một email chuyên nghiệp là nhiệm vụ không cần bàn cãi trong công việc. Nhưng với thế hệ trẻ nhất này, quá trình họ lớn lên không làm những điều đó, hoặc đại dịch đã cản trở họ thực hành trước khi chính thức bước vào thị trường lao động.
“Mỗi thế hệ giống như đến từ mỗi quốc gia khác nhau. Mọi người không nói cùng ngôn ngữ và cũng không có cùng phong tục”, Pollak nói. Điều này giống như việc Gen Z có thể biết cách thực hiện công việc tại Hoa Kỳ, nhưng nếu sếp cử họ đến Dubai, họ có thể sẽ cần thời gian để thay đổi vì đó là một nền văn hóa khác. Bà khuyên Gen Z: “Bạn thông minh, nhưng có một số điểm cần phải điều chỉnh và học hỏi trong suốt quá trình”.
Điều đó có nghĩa là những người làm việc cùng và quản lý nhân viên Gen Z sẽ cần kiên nhẫn và “chi tiết hóa” công việc cho họ. Pollak chia sẻ với các nhà quản lý: “Bạn phải chỉ dạy và nói rõ về những điều mà bạn mong đợi họ có thể làm trong công việc”.
Khi nói đến những câu chuyện liên quan đến làm việc tại nhà, các nhà quản lý sẽ không đi đến đâu nếu nói với nhân viên thế hệ Z rằng họ không thể làm như vậy vì nó kém hiệu quả. Trong khi Gen Z lại cho rằng họ có thể hoàn thành công việc của mình vì họ đã làm như vậy trong suốt 2 năm đại dịch.
Thay vào đó, Pollak đưa ra giải pháp cho giúp các nhà quản lý diễn đạt cuộc trò chuyện suôn sẻ hơn: “Chúng tôi muốn các nhân viên đến văn phòng vì nhóm sắp có một cuộc họp và công việc có thể hiệu quả hơn nếu mọi người họp trực tiếp. Hoặc có lẽ là để làm quen với đồng nghiệp của các bạn”.
Pollak nói thêm: “Chúng ta phải nói rõ hơn với nhau về lợi ích của làm việc trực tiếp hoặc kết hợp. Đó là lời khuyên hữu ích để hai bên trao đổi về kế hoạch quay trở lại làm việc. Đừng nhìn Gen Z như những người khác biệt, hãy nhìn vào nền văn hóa mà họ đã lớn lên”.