TP.HCM: Tạm dừng bán vé số, dịch vụ ăn uống mang về và xe ôm từ 0h ngày 9/7
Từ 0h ngày 9/7, TP.HCM tạm dừng bán vé số, dịch vụ ăn uống mang về, xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ…; đồng thời sẽ xử phạt người ra khỏi nhà không đúng quy định, không có lý do chính đáng...
Ngày 8/7, Ủy ban nhân dân TP.HCM có văn bản hướng dẫn cụ thể các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian 15 ngày tới, bắt đầu từ 0h ngày 9/7.
TẠM DỪNG BÁN VÉ SỐ VÀ DỊCH VỤ ĂN UỐNG MANG VỀ
Theo văn bản hướng dẫn, Ủy ban nhân dân TP.HCM yêu cầu thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày, kể từ 0h ngày 9/7, theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố cách ly với khu phố, xã phường thị trấn cách ly với xã phường thị trấn, quận huyện cách ly với quận huyện.
Trong 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, TP.HCM tạm dừng bán vé số (đại lý vé số và vé số dạo), tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về, tạm dừng xe ôm truyền thống và công nghệ. Riêng shipper vẫn được hoạt động.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch các quận, huyện và thành phố Thủ Đức quán triệt nghiêm nguyên tắc trên trong việc cách ly xã hội trên địa bàn, đảm bảo thực hiện triệt để đổi với từng địa bàn, khu vực quản lý. Tận dụng thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị sổ 16 để triển khai quyêt liệt, siết chặt các giải pháp phòng chống dịch, để đạt kết quả cao nhất.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân TP.HCM yêu cầu tạm dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé số và bán vé số dạo trên địa bàn thành phố, tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về trong thời gian nêu trên.
Các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu vẫn tiếp tục tạm dừng. Đối với chợ đầu mối, chợ truyền thống, nếu không đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch thì tạm thời đóng cửa và thực hiện các biện pháp khắc phục.
Các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu…); ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động.
Về giao thông, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe ôtô cũng được yêu cầu tạm dừng, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu, sản xuất, hàng hóa và một số xe taxi chở người dân đến, đi từ bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cần thiết.
Dừng hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe máy (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe ôm). Riêng xe hai bánh giao hàng (shipper) vẫn được hoạt động.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM chủ động phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các tỉnh lân cận, tổ chức giao thông tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải hàng hóa, vận chuyển công nhân được lưu thông thuận lợi. Đồng thời, chủ động kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét hạn chế hoặc tạm ngừng các hoạt động hàng không và đường sắt đến, đi từ TP.HCM; kể cả các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận tải hành khách công cộng (trừ các bến cần Giờ - cần Giuộc, cần Thạnh - Thạnh An và Thạnh An - Thiềng Liềng)…
RA KHỎI NHÀ KHÔNG CÓ LÝ DO CHÍNH ĐÁNG SẼ BỊ PHẠT
Trong văn bản hướng dẫn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ hoặc làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở khác được quy định.
Mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác...
Các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết mới đến làm việc tại công sở.
Dừng toàn bộ các cuộc họp tại cơ quan công sở (ngoại trừ các cuộc họp chống dịch, các cuộc họp để xử lý các vấn đề cấp bách của đơn vị). Khi tổ chức cuộc họp phải được người đứng đầu phê duyệt, đảm bảo không tập trung quá 10 người trong một phòng, tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế.
Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, khử khuẩn; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
Yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch; tham gia khai báo y tế tự nguyện; thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ bản thân, gia đình và tham gia có trách nhiệm các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.
Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tổ chức các đội tuần tra, giám sát, hoạt động 24/24 giờ, không để xảy ra các trường hợp tập trung đông người và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp người dân ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định trên và không có lý do chính đáng.
TÁI KÍCH HOẠT 12 CHỐT KIỂM SOÁT DỊCH
Trong nửa tháng tới, toàn thành phố quyết tâm cao để kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Ngoài các vấn đề nêu trên, Ủy ban nhân dân TP.HCM giao Công an TP.HCM tổ chức lại hoạt động của 12 chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên các tuyến đường cửa ngõ với 4 tỉnh giáp ranh thành phố như Tây Ninh, Long An, Bình Dương và Đồng Nai.
Đồng thời, bố trí lực lượng làm công tác đảm bảo an ninh trật tự tại: các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh; các khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn; phối hợp truy vết các ca nghi nhiễm.
Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an ninh trật tự, vi phạm trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh theo chức năng, thẩm quyền.