Vì sao ô tô xa xỉ Rolls-Royce, Bentley, BMW đắt hàng trong năm 2021?
Các thương hiệu ô tô siêu sang như Rolls-Royce, Bentley, Porsche và BMW vừa có một năm phát đạt...
Với việc đi lại quốc tế bị đình trệ và các điểm tiêu tiền xa xỉ đóng cửa trong đại dịch Covid-19, một thế hệ khách hàng trẻ đã đổ xô mua xe sang trong năm 2021. Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô bình dân - do phải đối mặt với tình trạng thiếu linh kiện bán dẫn trầm trọng - chỉ ưu tiên sản xuất một số mẫu xe nhất định.
“Chúng tôi hầu như không bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chip”, Alain Favey, giám đốc kinh doanh tại Bentley Motors Ltd., thương hiệu thuộc sở hữu của hãng xe Đức Volkswagen AG, cho biết. “Quy trình tại tập đoàn VW có tính tập trung cao. Một trong những yếu tố quyết định việc phân bổ là biên lợi nhuận. Với quan điểm đó, chúng tôi đã có được tất cả con chip mà mình cần”.
Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô thấp cấp hơn ứng phó với tình trạng thiếu chip và linh kiện bằng cách ưu tiên cho các sản phẩm giá trị cao, khiến cho khách hàng khó tìm được lựa chọn thay thế rẻ hơn.
Năm 2021, Bentley đạt doanh số 14.659 chiếc, tăng 31% so với năm trước đó. Đây là mức doanh số kỷ lục trong lịch sử công ty này. Trong khi đó, Porsche, cũng thuộc sở hữu của VW, bán được 301.915 chiếc trên toàn cầu, tăng 11%. Cả hai thương hiệu này đều ghi nhận tăng trưởng mạnh tại thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Ngược lại, thương hiệu Volkswagen – thương hiệu xe lớn nhất của VW về doanh số, lại vừa trải qua một năm chật vật để duy trì hoạt động của các nhà máy do tình trạng thiếu chip. Nhà máy chính của thương hiệu này tại Wolfsburg, Đức đã phải hoạt động dưới mức công suất tối đa và đổi ca luân phiên trong suốt cả năm. Kết quả là, doanh số xe Volkswagen giảm 8,1% xuống còn 4,9 triệu chiếc trên toàn cầu. Doanh số tại Trung Quốc – thị trường lớn nhất của thương hiệu này – giảm tới 14,8%.
Những khách hàng giàu có của Rolls-Royce không gặp phải nhiều khó khăn như những nhóm người khác trong đại dịch. Giờ đây, họ lại được hưởng lợi nhiều hơn từ sự phục hồi kinh tế, sự bùng nổ của tiền điện tử và giá cổ phiếu tăng vọt.
Sự phân hóa rõ rệt về doanh số của các thương hiệu thuộc VW cũng phản ánh tình trạng tương tự của các nhà sản xuất ô tô đại trà. Đó là, trong khi các mẫu sedan, hatchback truyền thống sụt giảm doanh số đáng kể, các dòng xe thể thao đa dụng và xe điện lại đắt hàng.
Tại Mỹ, doanh số của BMW tăng tới 21% trong năm 2021 lên 336.644 chiếc, đánh dấu năm tăng trưởng doanh số thứ ba liên tiếp của thương hiệu xe Đức ở thị trường này. Theo sau là thương hiệu Lexus của Toyota với 304.476 chiếc, tăng 11% so với năm 2020.
Hãng xe điện Tesla cũng vượt qua được những tác động của cuộc khủng hoảng thiếu chip với doanh số mẫu xe SUV Model Y mới nhất tăng tới 87% trên toàn cầu. Tại Mỹ, Tesla bán chạy hơn Mercedes-Benz. Dù Tesla không tách doanh số theo khu vực, công ty tư vấn Ward's Intelligence ước tính Tesla bán được 299.000 chiếc tại Mỹ trong năm 2021. Trong khi đó, doanh số của Mercedes-Benz tại Mỹ năm ngoái là 276.102 chiếc.
Còn Rolls-Royce, thuộc sở hữu của Bayerische Motoren Werke AG, bán được kỷ lục 5.586 chiếc trên toàn cầu trong năm ngoái, tăng 49% so với năm 2020. Mỗi siêu xe thiết kế riêng của Rolls-Royce có giá từ hơn 300.000 USD trở lên.
Martin Fritsches, Chủ tịch của Rolls-Royce Motor tại Mỹ, cho biết khách hàng mua các dòng siêu xe như Rolls-Royce ngày càng trẻ hơn với độ tuổi bình quân là khoảng 43. Điều này có nghĩa là nhiều khách hàng mua xe Rolls-Royce mới chỉ ngoài 30 tuổi.
“Những khách hàng giàu có của Rolls-Royce không gặp phải nhiều khó khăn như những nhóm người khác trong đại dịch. Giờ đây, họ lại được hưởng lợi nhiều hơn từ sự phục hồi kinh tế, sự bùng nổ của tiền điện tử và giá cổ phiếu tăng vọt”, ông Fritsches cho biết. “Nhiều khách hàng mua xe của chúng tôi năm qua là những người lần đầu sở hữu Rolls-Royce, bao gồm những người giàu lên nhờ chúng khoán và tiền điện tử”.
Xe điện cũng ghi nhận tăng trưởng doanh số mạnh. Năm ngoái, BMW bán được 2,5 triệu xe trên toàn cầu, tăng 8,4%, trong đó có 103.855 xe chạy điện hoàn toàn.
“Mục tiêu của chúng tôi trong năm 2022 là tăng gấp đôi doanh số xe chạy điện hoàn toàn”, Giám đốc kinh doanh Pieter Nota của BMW cho biết. “BMW vẫn có nguồn cung ứng chip đầy đủ trong suốt năm 2021 và sẽ tiếp tục như vậy trong năm 2022 với mối quan hệ trực tiếp với các nhà sản xuất chip”.
Trong khi đó, doanh số mẫu sedan điện thể thao Taycan của Porsche trong năm 2021 đã vượt qua dòng xe thể thao 911 biểu tượng, đánh dấu sự dịch chuyển đáng kinh ngạc khi mà thậm chí khách hàng của một thương hiệu xa xỉ như Porsche cũng bắt đầu mua xe điện.
Hãng tư vấn công nghiệp toàn cầu IHS Markit dự báo doanh số ô tô mới toàn cầu sẽ tăng 3,7% lên 82,4 triệu chiếc trong năm 2022, từ mức tăng 2,9% của năm 2021 – khi tăng trưởng bị kìm hãm bởi những gián đoạn chuỗi cung ứng. Hãng này dự báo doanh số xe mới tại Mỹ sẽ tăng khoảng 2,6% lên 15,5 triệu chiếc trong năm nay.