Vốn ngoại xả đột biến, loạt blue-chips “sập” mạnh
Loạt cổ phiếu lớn trong nhóm VN30 chịu sức ép rất lớn từ phía bán đồng loạt giảm sâu chiều nay có lúc đẩy VN-Index giảm 0,8%. Không chỉ với nhóm blue-chips, độ rộng chung của VN-Index cũng co hẹp và mặt bằng giá thấp hơn. Các giao dịch chốt lời ngắn hạn có tín hiệu gia tăng...
Loạt cổ phiếu lớn trong nhóm VN30 chịu sức ép rất lớn từ phía bán đồng loạt giảm sâu chiều nay có lúc đẩy VN-Index giảm 0,8%. Không chỉ với nhóm blue-chips, độ rộng chung của VN-Index cũng co hẹp và mặt bằng giá thấp hơn. Các giao dịch chốt lời ngắn hạn có tín hiệu gia tăng.
Trọn phiên chiều các chỉ số đồng loạt giảm sâu hơn phiên sáng, cả Midcap lẫn Smallcap cũng đỏ. HoSE chốt phiên sáng có 145 mã tăng/202 mã giảm, buổi chiều số giảm càng lúc càng nhiều. Đóng cửa sàn này ghi nhận 139 mã tăng/266 mã giảm, trong đó gần 100 mã giảm hơn 1%, nhiều gấp đôi buổi sáng.
Rổ VN30 cũng có 8 mã giảm trên 1%, dẫn đầu là MSN, bốc hơi 2,22%. Tuy nhiên “may” là MSN vốn hóa chưa phải hàng đầu, GAS giảm 1,58% mới là cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất. Tiếp đó là BID giảm 1,24%, VNM giảm 1,76%, VIB giảm 1,39%, BCM giảm 1,41%. Các trụ VCB, VHM, HPG, SAB cũng nằm trong số giảm.
VN30-Index đóng cửa giảm 0,53% và lúc chạm đáy lúc 2h20 giảm khoảng 0,92%. VIC tăng 0,96% tiếp tục là trụ đỡ, nhưng so với giá cuối phiên sáng cũng đã tụt xuống khoảng 0,57%. ACB, PDR, BVH là các cổ phiếu đóng cửa tăng trên 1% giá trị, tiếc rằng vốn hóa quá nhỏ để có thể thay đổi tương quan tăng giảm vốn đã quá chênh lệch về số lượng.
Mặt bằng giá cổ phiếu nói chung đều xuống thấp hơn phiên sáng, với gần 100 mã giảm trên 1% giá trị. Hàng loạt cổ phiếu xuất hiện thanh khoản rất cao và giá giảm sâu. Tới 12 cổ phiếu trong số giảm sâu nhất này thanh khoản vượt trăm tỷ đồng. Tiêu biểu như HSG giảm 1,24% với 238,6 tỷ đồng, KBC giảm 1,65% với 235,6 tỷ, DXG giảm 1,4% với 219,1 tỷ, VIX giảm 1,12% với 213,8 tỷ, NVL giảm 1,12% với 204,7 tỷ. VNM, VCI, GEX, VCG, MSN, VIB, HHV… cũng rớt mạnh với giao dịch cả trăm tỷ đồng thanh khoản.
Số ngược dòng gần 140 cổ phiếu và cũng có nhiều mã thu hút dòng tiền tốt, tạo lực đỡ cho giá. Lợi thế vẫn thuộc về các cổ phiếu thanh khoản ít: EVG, ST8, NHA, QBS kịch trần với giao dịch hạn chế. Nhóm tăng trên 3% chỉ có vài đại diện thanh khoản trên 10 tỷ đồng như ITC, CTI, SAM, DBC, CTD, CSV, REE, HBC. Nhóm thanh khoản khoản tốt nhất như VND, ACB, HCM, PDR, DGC, DPM thì chỉ tăng quanh 1%.
Sự yếu ớt của cổ phiếu blue-chips một phần do thiếu lực đỡ từ nhóm nhà đầu tư trong nước, trong khi khối ngoại cũng rút vốn rất mạnh. Chiều nay áp lực từ khối ngoại cũng mạnh bất ngờ: Tổng giá trị xả hàng ở sàn HoSE phiên chiều tăng 48% so với phiên sáng, đạt 694,8 tỷ đồng, trong khi mua vào 350,4 tỷ đồng, tương ứng bán ròng 344,4 tỷ, tăng 32% so với buổi sáng. Với VN30, khối này tiếp tục bán rất mạnh, tổng giá trị vốn rút khỏi rổ này tới 338,8 tỷ đồng ròng. Tổng mức bán từ khối này chiếm khoảng 17% giao dịch cả rổ.
Các đại diện bị xả “sốc” nhất là VNM -126,2 tỷ đồng, MSN -125,9 tỷ, HPG -58,2 tỷ, CTG -49 tỷ, GAS -21,1 tỷ. Ngoài ra có VND -106,1 tỷ, DPM -21,1 tỷ, KBC -20,5 tỷ.
Hoạt động rút vốn của khối ngoại đang mạnh trở lại. Hôm qua đã có gần 400 tỷ đồng bị bán ròng chỉ riêng với cổ phiếu ở HoSE, hôm nay lại thêm hơn 600 tỷ nữa. Tuần trước nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 831 tỷ đồng nhưng là nhờ thương vụ thỏa thuận ròng trị giá tới 1.285 tỷ đồng với STG. Hai phiên đầu tuần này đánh dấu sự thay đổi.