Xây dựng mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học
“Trường đại học là nơi nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới, những mô hình kinh doanh mới và đây là mô hình ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…”
Đó là khẳng định của ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch Tập đoàn Green+ tại hội thảo “Đại học khởi nghiệp - xây dựng mô hình hệ sinh thái trong đại học khởi nghiệp”. Hội thảo do Đại học Y Dược TP.HCM phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Viện Kinh tế Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Green+ tổ chức ngày 29/3.
MÔ HÌNH KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO Ở ĐẠI HỌC
Tại hội thảo, ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch Tập đoàn Green+ cho biết, việc xây dựng mô hình hệ sinh thái trong đại học khởi nghiệp là một đề án mới, từng được tổ chức ở các đại học như Hoa Sen, Bách Khoa, bây giờ là Y Dược TP.HCM và sắp tới (ngày 21/4) là Nông Lâm. Theo ông Thành, mục tiêu của hội thảo là tìm giải pháp và hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các trường đai học.
Còn ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc quản lý Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (BK Fund) chia sẻ: Để thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, BK Fund có nguyên tắc chung là: Thúc đẩy hợp tác các doanh nghiệp công nghiệp; Quản lý và khai thác danh mục số hóa thông tin, cấp quyền sử dụng sáng chế... Sau 3 tháng tập trung với 10 nhóm nghiên cứu, Quỹ đã tiến hành tối ưu hoá sản phẩm thương mại, tối ưu hoá mô hình kinh doanh đội nhóm, gọi vốn, chuyển giao công nghệ, bán hàng. Trong đó, có 5 nhóm ươm tạo thành công, giúp tăng doanh thu, kết nối đối tác, kết nối đầu tư và đã có 1-2 nhóm mở rộng thị trường ra quốc tế.
Hiện, hệ thống đổi mới sáng tạo Đại học Bách khoa Hà Nội (Labs to Market) bao gồm 3 trường, 15 viện, 5 trung tâm, 10 phòng thí nghiệm, gần 100 nhóm nghiên cứu.
Theo ông Hiệp, để mô hình hệ sinh thái trong đại học khởi nghiệp thành công thì cần chú ý 6 yếu tố, đó là: Chiến lược cam kết dài hạn của nhà trường; Số lượng và chất lượng nghiên cứu của nhà trường; Chính sách rõ ràng cho tác giả đối với kết quả nghiên cứu: về quyền sở hữu và chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ phát triển; Nhà trường phải đầu tư tài chính và cơ sở vật chất cho trung tâm đổi mới trong giai đoạn ban đầu; Tăng tự chủ cho trung tâm đổi mới để chủ động kết nối, hợp tác, đầu tư (đi liền với minh bạch); Nhân sự phù hợp gắn bó với trung tâm đổi mới...
Đồng quan điểm với các diễn giả, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, các trường đại học cần có nghiên cứu chuyên sâu hơn về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng đã chứng tỏ tiềm năng phát triển rất lớn. Mỗi đối tượng trong hệ sinh thái từ dự án khởi nghiêp đến các trường đại học, tổ chức ươm tạo… đều đã có những bước phát triển vượt bậc, số lượng và chất lượng ngày một nâng cao.
“Với những lợi thế sẵn có và sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết, đặc thù cho hoạt động khởi nghiệp sẽ là đòn bẩy cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam phát triển. Từ đó thúc đẩy các dự án khởi nghiệp phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng”, đại diện Đại học Quốc gia TP.HCM khẳng định.
ĐẦU TƯ CON NGƯỜI, HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, giáo dục đã trở thành một trong những lĩnh vực ngày càng được quan tâm. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam đã và đang thực thi các hoạt động đầu tư bền vững cho giáo dục như: đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị trường học, trao học bổng hỗ trợ học tập, thực hiện các chương trình lan tỏa kiến thức và kỹ năng cho cộng đồng, hỗ trợ số hóa trường học, ươm mầm chắp cánh cho các dự án khởi nghiệp,… Tất cả những nỗ lực này chính vì mục tiêu hướng đến một xã hội tốt đẹp và phát triển bền vững trong tương lai.
Tại buổi họp báo công bố chuỗi sự kiện “UEH Sharing – Career Fair 2023” diễn ra sáng 30/3 do Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức, GS.TS. Sử Đình Thành, Hiệu trưởng UEH khẳng định: Đầu tư phát triển con người thông qua giáo dục là hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) mang giá trị bền vững. Với trách nhiệm của một trường đại học trọng điểm Việt Nam, UEH đã luôn nỗ lực và cam kết mạnh mẽ đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội và giáo dục.
“Đặc biệt, thông qua chương trình “Kết nối cộng đồng - Lan tỏa tri thức - Hành động bền vững”, UEH cùng với các doanh nghiệp và đối tác cùng cho đi và nhận lại, chắp cánh cho giá trị tri thức vươn xa, vì một tương lai phát triển bền vững cho cộng đồng và xã hội”, Hiệu trưởng UEH chia sẻ.
Trong năm 2022, UEH đã đẩy mạnh nâng cấp chất lượng đào tạo: 180 doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp tham gia chương trình đào tạo; 152 doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá chất lượng sinh viên tốt nghiệp từ UEH; hơn 4.500 sinh viên tham gia chương trình thực tập, học kỳ doanh nghiệp; 1.588 sinh viên tham gia tour Tham quan doanh nghiệp; mang đến 5.000 cơ hội việc làm từ 50 doanh nghiệp trong Ngày hội thực tập và Việc làm TP.HCM 2022; 9 tỷ đồng đóng góp Quỹ Giving to UEH được tài trợ từ doanh nghiệp, đối tác, cá nhân.
Ngoài ra, UEH cũng đã kiến tạo tương lai đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững như 26 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 2 dự án hành động bền vững (Global UEH và Đại học xanh - UEH Green Campus); 15 lượt chia sẻ không gian sáng tạo và phát triển.
Dịp này, UEH ra mắt chuỗi sự kiện “UEH Sharing – Career Fair 2023” sẽ diễn ra từ 17/4 đến ngày 23/4/2023. Đây sẽ là nơi kết nối cộng đồng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; lan tỏa tri thức đa ngành, đa lĩnh vực; cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cùng hướng đến tương lai bền vững.