Xu hướng “ép giá” trong phân khúc Crossover/SUV hạng C

Lê Vũ
Việc chạy đua giảm giá để gia tăng áp lực cạnh tranh và kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh thị trường ô tô ảm đạm đang có dấu hiệu lan sang phân khúc Crossover/SUV hạng C. Nhiều phiên bản xe đang được tối ưu giá xuống dưới mốc 800 triệu đồng, mức giá tốt dành cho khách hàng Việt.
Các mẫu SUV hạng C ăn khách liên tục được giảm giá để gia tăng áp lực cạnh tranh.
Các mẫu SUV hạng C ăn khách liên tục được giảm giá để gia tăng áp lực cạnh tranh trong thời gian gần đây.

Trước đây, các mẫu Crossover/SUV hạng C được đánh giá là phân khúc hạng trung - cao cấp, được các nhà sản xuất ưu ái về ngôn ngữ thiết kế, nhiều tùy chọn động cơ và cả một danh sách công nghệ hiện đại. Tại Việt Nam, các mẫu xe trong phân khúc này thường có giá trên dưới 1 tỷ đồng, phù hợp nhất cho các gia đình, cá nhân có điều kiện kinh tế khá giả và không kết hợp chạy xe dịch vụ. Đây được coi là nhóm đối tượng khách hàng “cốt lõi” đang có chiều hướng gia tăng cùng với sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Mặc dù vậy, trong 5 năm trở lại đây, phân khúc Crossover/SUV hạng C đang có biến động mạnh về mức giá theo hướng ngày càng rẻ hơn.

Cụ thể, năm 2020, Mazda CX-5 bản thấp nhất là Deluxe có giá niêm yết 899 triệu đồng, bản cao cấp nhất Signature Premium 2WD giá 1,019 tỷ đồng. Đến tháng 7/2023, thời điểm ra mắt nâng cấp giữa vòng đời, bổ sung một số trang bị nhưng giá bán lẻ đề xuất của CX-5 lại giảm tới 90 triệu đồng so với đời cũ. Điều này ngay lập tức đã tạo nên một cơn sốt trên thị trường và giúp CX-5 giành “ngôi vương” doanh số toàn thị trường trong 4 tháng liên tục sau đó. Hiện tại, Mazda CX-5 được THACO niêm yết giá ở mức 759-999 triệu đồng, tùy phiên bản.

Tương tự, trong 5 năm gần đây, giá xe KIA Sportage cũng được điều chỉnh giảm dần. KIA Sportage 2021 được niêm yết từ 969 triệu đồng đến 1,059 tỷ đồng. Hiện tại, báo giá tháng 4/2024, KIA Sportage 2.0G Luxury chỉ còn 799 triệu đồng, bản cao cấp nhất là Sportage 1.6T Signature AWD X-Line giá 1,019 tỷ đồng.

Trước áp lực cạnh tranh về giá của Mazda CX-5, các đối thủ trong phân khúc như Hyundai Tucson, Honda CR-V, Ford Territory, Subaru Forester cũng liên tục tung ra các chương trình ưu đãi mới. Trong đó, Subaru Forester tiếp tục là mẫu xe được ưu đãi nhiều nhất với mức giảm tiền mặt trị giá từ 120-250 triệu đồng, tặng kèm 5 năm bảo hành không giới hạn km. Mẫu xe này cũng có lợi thế về khả năng đa dụng nhờ khoảng sáng gầm lớn nhất phân khúc, lên đến 220 mm. Điều này giúp Subaru Forester dễ dàng chinh phục các cung đường địa hình gồ ghề, phức tạp và khả năng lội nước ấn tượng. Hiện tại, Subaru Forester có giá niêm yết từ 969 triệu đồng đến 1,199 tỷ đồng.

Ford Việt Nam vừa điều chỉnh giá niêm yết mẫu xe Territory với lý do “nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng thị phần trong phân khúc SUV hạng C”. Theo đó, giá bán mới của Ford Territory chỉ còn 799 triệu đồng cho bản Trend, 889 triệu đồng cho bản Titanium và 929 triệu đồng cho bản Titanium X, tương ứng mức giảm lần lượt 23 triệu đồng, 20 triệu đồng và 25 triệu đồng so với phiên bản cũ. Theo số liệu của VAMA, lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, doanh số Ford Territory đạt 610 chiếc, xếp thứ 2 phân khúc SUV hạng C và xếp thứ 3/5 mẫu xe có doanh số tốt nhất của hãng tại Việt Nam.

Đầu tháng 4, Hyundai Thành Công điều chỉnh giá bán lẻ khuyến nghị cho Hyundai Tucson. Mức giá mới từ 769-919 triệu đồng (đã bao gồm thuế VAT), tương ứng mức giảm từ 30-50 triệu đồng. Trong 5 năm gần đây, Hyundai liên tục là một trong những hãng xe có thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Do đó, hãng xe này không áp dụng nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá sâu như các thương hiệu khác. Hiện tại, Hyundai Tucson vẫn có doanh số khá tốt, xếp thứ 3 phân khúc (sau Mazda CX-5, Ford Territory).

Honda và Mitsubishi cũng tăng cường ưu đãi đặc biệt dành cho CR-V, Outlander có số VIN 2023 bằng chương trình giảm lệ phí trước bạ từ 50-100%. Trong đó, đối với Honda CR-V, trừ phiên bản e:HEV RS, các phiên bản còn lại đều được giảm 100% lệ phí trước bạ, tặng kèm 1 năm bảo hiểm thân vỏ, riêng bản G tiêu chuẩn được hỗ trợ thêm 30 triệu đồng tiền mặt. Mitsubishi Outlander 2.0 CVT và 2.0 CVT Premium 2023 được hỗ trợ 50% trước bạ, tương đương giá trị quy đổi 42-47,5 triệu đồng), tặng kèm camera 360 trị giá 20 triệu đồng và 1 năm bảo hiểm thân vỏ trị giá 10 triệu đồng. Tổng giá trị ưu đãi lên đến gần 80 triệu đồng.

Đối với các mẫu SUV nhập khẩu, đa số các nhà sản xuất không công khai doanh số bán hàng tại Việt Nam. Mẫu xe rẻ nhất phân khúc Crossover/SUV hạng C là MG HS và MG RX5 với giá niêm yết lần lượt từ 699 triệu đồng và 739 triệu đồng. Các mẫu xe còn lại như Peugeot 3008, Peugeot 408, Hyundai IONIQ5, Haval H6 Hybrid, Skoda Karoq, Volkswagen Tiguan hay các mẫu xe vừa “chào sân” như Lynk & Co 01, 05 đều có mức giá từ 900 triệu đồng trở lên.

Trong khi đó, hai mẫu xe điện của VinFast là VF e34 và VF 7 tiếp tục “một mình một sân” trong phân khúc SUV hạng C phiên bản “thuần” điện. Mức giá tương ứng 721 triệu đồng và 861 triệu đồng (chưa bao gồm pin) được nhà sản xuất xe điện Việt Nam đưa ra được đánh giá là phù hợp với tính năng, trang bị hiện có. Do không có đối thủ trực tiếp nên VinFast cũng không cần thiết phải giảm giá bán như các mẫu xe khác.

Thời gian tới, BYD đang có kế hoạch chào bán Atto 3 tại Việt Nam. Mẫu xe này cũng thuộc phân khúc SUV hạng C, với nhiều tính năng hiện đại nhưng mức giá rất cạnh tranh. Tại Thái Lan, BYD Atto 3 hiện có giá quy đổi từ 625-730 triệu đồng. Đây sẽ là đối thủ “khó nhằn” của VinFast VF e34, thậm chí có thể khiến một số mẫu xe xăng trong phân khúc phải “dè chừng”.

Một mẫu SUV “thuần” điện khác của Trung Quốc cũng chuẩn bị ra mắt thị trường Việt là GAC AION Y Plus, được kì vọng sẽ là đối thủ xứng tầm của VinFast VF7. Điểm nhấn của GAC AION Y Plus là chế độ i-Pedal, giúp tăng quãng đường di chuyển tối đa thêm 23%. Sở hữu khối pin 68,3 kWh, AION Y Plus có thể di chuyển đến 550 km sau mỗi lần sạc đầy, cao hơn hẳn so với các mẫu xe của VinFast.

Mặc dù vậy, khi về Việt Nam, các mẫu xe thương hiệu Trung Quốc rất có thể sẽ chịu áp lực phải điều chỉnh giá bán và các chính sách hậu mãi đủ hấp dẫn để có thể chinh phục khách hàng, tương tự điều mà Haval đã làm trước đây với mẫu xe H6 Hybrid.

Tin mới

Các liên doanh ô tô nước ngoài của Trung Quốc mất đi ánh hào quang vì xe điện

Các liên doanh ô tô nước ngoài của Trung Quốc mất đi ánh hào quang vì xe điện

Trong nhiều năm, các nhà sản xuất ô tô nhà nước Trung Quốc có thể tin tưởng vào việc liên doanh với các thương hiệu lớn của nước ngoài như một nguồn lợi nhuận kỳ diệu. Nhưng báo cáo thu nhập mới nhất cho thấy những ngày đó có thể sắp kết thúc, khi những công ty đơn lẻ mới hơn như BYD đã thúc đẩy làn sóng điện khí hóa tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, trong khi các thương hiệu ô tô nước ngoài đang bị tụt lại phía sau.
Xe hybrid: “Cứu cánh” cho các nhà sản xuất ô tô truyền thống của Mỹ?

Xe hybrid: “Cứu cánh” cho các nhà sản xuất ô tô truyền thống của Mỹ?

Khi chính quyền Tổng thống Biden hạ mục tiêu sử dụng xe điện từ 67% xuống 35% vào năm 2030, họ đã làm được hai việc: tạo cứu cánh cho các nhà sản xuất ô tô đang cảm thấy áp lực phải sản xuất và bán xe điện trong khi dội một gáo nước lạnh lớn vào các công ty chỉ bán pin xe chạy bằng điện.