Báo cáo CRI 2024: Việt Nam đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong việc giảm bất bình đẳng

Chu Khôi
Chia sẻ

Việt Nam đã thể hiện ưu thế trong các chính sách thuế, với xếp hạng 38 toàn cầu trong Báo cáo “Chỉ số Cam kết Giảm Bất bình đẳng (CRI) năm 2024”. Trong báo cáo này, cam kết của Việt Nam trong việc giảm bất bình đẳng là một thành tích đáng ghi nhận…

Việt Nam đạt được các tiến bộ trong xây dựng và triển khai một số chính sách, đặc biệt là chi tiêu ngân sách cho giáo dục, chính sách giảm thuế VAT và hiệu quả cao của chính sách thuế. Ảnh minh họa.
Việt Nam đạt được các tiến bộ trong xây dựng và triển khai một số chính sách, đặc biệt là chi tiêu ngân sách cho giáo dục, chính sách giảm thuế VAT và hiệu quả cao của chính sách thuế. Ảnh minh họa.

Ngày 21/10/2024, Oxfam Quốc tế công bố báo cáo “Chỉ số Cam kết Giảm Bất bình đẳng (CRI) năm 2024”, xếp hạng 164 Chính phủ về những chính sách liên quan đến dịch vụ công, thuế và quyền của người lao động — những chính sách trọng tâm để giảm bất bình đẳng.

VIỆT NAM ĐỨNG VỊ TRÍ 94 TRONG CRII-5

Trong tổng số 164 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, Việt Nam xếp vị trí thứ 94 trong xếp hạng toàn cầu của báo cáo CRII-5 năm 2024 (báo cáo lần thứ 5), so với vị trí 92 trong CRII-4 năm 2022 (báo cáo lần thứ 4) với 161 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Những kết quả đặc biệt đáng chú ý của Việt Nam bao gồm các tiến bộ trong xây dựng và triển khai một số chính sách, đặc biệt là chi tiêu ngân sách cho giáo dục, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và hiệu quả cao của chính sách thuế. Tuy nhiên, xếp hạng của Việt Nam trong mảng lao động đã giảm từ vị trí thứ 104 trong CRII-4 (2022) xuống vị trí thứ 120 trong CRII-5 (2024).

 

"Việt Nam thể hiện ưu thế trong các chính sách thuế, với xếp hạng 38 toàn cầu trong báo cáo CRII-5. So với báo cáo CRII-4 năm 2022, và khi so sánh tương quan với các nước có thu nhập trung bình thấp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ASEAN, cam kết của Việt Nam trong việc giảm bất bình đẳng là một thành tích đáng ghi nhận".

Báo cáo “Chỉ số Cam kết Giảm Bất bình đẳng năm 2024" (CRII-5).

Trong phân nhóm gồm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp (LMIC) ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương và các nước ASEAN, Việt Nam đạt kết quả tốt trên bảng xếp hạng CRII-5. So với các quốc gia có thu nhập trung bình thấp khác trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương, Việt Nam nổi bật với vị trí thứ 3 trong số 17 quốc gia trong nhóm này trên bảng xếp hạng CRII-5.

Ngoài ra, trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã cho thấy các thay đổi tích cực, từ vị trí thứ 4 trong CRII-4 (2022) lên vị trí thứ 3 trong CRII-5 (2024), vượt qua Singapore. Hiện tại, Việt Nam chỉ đứng sau Malaysia và Thái Lan trong số các quốc gia ASEAN về chỉ số này.

“Trong số 5 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được đánh giá trong khu vực ASEAN, bao gồm Việt Nam, Campuchia, Philippines, Timor-Leste và Lào, Việt Nam có điểm số CRII-5 (2024) cao nhất. Điều này cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc giảm bất bình đẳng so với các quốc gia khác trong khối ASEAN. Cách tiếp cận cân bằng của Việt Nam đối với nhóm các dịch vụ công và nhóm chính sách thuế tiến bộ đã góp phần cải thiện thứ hạng của Việt Nam, tuy vậy, sự tụt hạng trong trụ cột lao động cho thấy Việt Nam cần thêm các nỗ lực để nâng cao tính tiến bộ của các chính sách lao động”, báo cáo của Oxfam lưu ý.

Theo báo cáo, trong khu vực ASEAN, các quốc gia được đánh giá có các kết quả khác nhau. Ba quốc gia đã cải thiện thứ hạng  trong xếp hạng toàn cầu, trong khi 6 quốc gia khác lại bị tụt hạng. Mặc dù có một số cải thiện, tất cả các quốc gia ASEAN đều tụt hạng trong trụ cột lao động.

NHIỀU QUỐC GIA CÓ XU HƯỚNG THỤT LÙI

Trên bình diện toàn cầu, báo cáo năm nay cho thấy xu hướng thụt lùi trong đa số các quốc gia được xếp hạng khi so sánh với năm 2022. Theo đó, có 80% các quốc gia đã cắt giảm tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục, y tế và/hoặc bảo trợ xã hội; 80% quốc gia đã có những bước đi thụt lùi về các chính sách thuế; và 90% quốc gia đã có những bước đi thụt lùi trong bảo vệ quyền lao động và mức lương tối thiểu.

So với báo cáo CRII-4 năm 2022, các quốc gia khối OECD có thu nhập cao như Na Uy, Canada và Australia dẫn đầu bảng xếp hạng nhờ chi tiêu công xã hội mạnh mẽ và thực thi các chính sách lao động tiến bộ. Ngược lại, các quốc gia có thu nhập thấp, chủ yếu ở khu vực châu Phi cận Sahara, phải đối mặt với chi tiêu xã hội thấp và các chính sách thuế lũy thoái.

Xét trên phạm vi toàn cầu, khoảng cách phát triển giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển đã bị nới rộng đáng kể, cộng thêm với giá lương thực tăng và nạn đói.

 

"Lần đầu tiên kể từ khi Chỉ số CRI được công bố năm 2017, phần lớn các quốc gia đang tụt hậu trong cả ba lĩnh vực quan trọng này. Chỉ số toàn cầu mới cho thấy có tới 9/10 quốc gia trên thế giới đang thực hiện các chính sách có khả năng làm tăng mức độ bất bình đẳng kinh tế. Cắt giảm chi tiêu cho giáo dục và y tế “đáng thất vọng, nguy hiểm, và đi ngược lại phát triển” đang xảy ra tại nhiều quốc gia".

Theo Báo cáo “Chỉ số Cam kết Giảm Bất bình đẳng năm 2024" (CRII-5).

Trong khi đó, các nỗ lực giảm bất bình đẳng giữa các quốc gia trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương đáng lo ngại hơn so với tiêu chuẩn toàn cầu. Trong số 32 quốc gia thuộc khu vực này, chỉ có 5 quốc gia tăng hạng trong bảng xếp hạng toàn cầu, và hai quốc gia giữ nguyên vị trí. Có tới 25 quốc gia đã chứng kiến sự tụt hạng trong xếp hạng chung toàn cầu.

5 KHUYẾN NGHỊ TRONG NỖ LỰC GIẢM BẤT BÌNH ĐẰNG

Báo cáo CRII-5 năm 2024 đưa ra 5 khuyến nghị ưu tiên cho các chính phủ để cân nhắc trong nỗ lực giảm bất bình đẳng.

Một là, xây dựng các kế hoạch hành động quốc gia rõ ràng và có mốc thời gian cụ thể để giảm bất bình đẳng. Tất cả các quốc gia cần xây dựng các Kế hoạch giảm bất bình đẳng quốc gia (NIRP) một cách thực chất và có thời hạn rõ ràng để giảm bất bình đẳng, bên cạnh việc giám sát thường xuyên để kiểm tra tiến độ hàng năm (thay vì mỗi 3-5 năm như hiện nay).

Hai là, ưu tiên chi tiêu công cho các dịch vụ công thiết yếu như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội. Tất cả các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp, nên đảm bảo rằng ngân sách y tế sẽ chiếm ít nhất 15% tổng chi tiêu công, và giáo dục chiếm 20% - vì những chi tiêu này mang lại lợi ích cho những người nghèo nhất thông qua cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội, để giúp họ đạt được độ bao phủ toàn dân như trong các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Ba là, tăng cường thuế lũy tiến thông qua đánh thuế thu nhập của 1% người giàu nhất, ví dụ, ít nhất 60% thu nhập của họ từ cả lao động và vốn, và tỷ lệ này sẽ cao hơn với các triệu phú và tỷ phú. Tài sản của những người siêu giàu nên bị đánh thuế ở mức đủ cao để giảm sự tập trung của cải cực đoan, giảm bất bình đẳng và giảm sự tập trung quyền lực.

Ngoài ra, các cơ quan thuế, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp, cần được tăng cường năng lực và thiết lập các đơn vị theo dõi thuế tài sản ròng cao, để chống lại hành vi trốn thuế và né thuế của những người giàu nhất.

Bốn là, can thiệp vào thị trường lao động để bảo vệ tất cả người lao động. Một số quốc gia cũng cần ban hành luật chống phân biệt đối xử và trả lương bình đẳng. Nghỉ thai sản áp dụng cho cả nam và nữ cần được kéo dài, và được trả lương bằng 100% so với thu nhập trước đó, cũng như phân bổ đều hơn giữa nam và nữ.

Năm là, xây dựng các chính sách đáp ứng giới để công nhận, giảm bớt và phân phối lại công việc chăm sóc không được trả lương, và đảm bảo rằng những người lao động chăm sóc được trả lương sẽ có đại diện về quyền lợi. 

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con