Grab và ZaloPay “bắt tay” nâng tầm công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt
Sau đại dịch Covid-19, việc sử dụng các hình thức thanh toán khi mua hàng, di chuyển, giao nhận,...không dùng tiền mặt trở nên phổ biến và thu hút khách hàng. Đáp lại kỳ vọng đó, hai ứng dụng hàng đầu Việt Nam là Grab và ZaloPay đã tiến đến hợp tác chiến lược, nâng tầm việc sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đến người tiêu dùng...
Theo ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, việc thanh toán không tiền mặt tại khu vực Đông Nam Á đang phát triển nhanh nhờ các tác nhân thúc đẩy như đại dịch Covid-19, tỷ lệ người dân tiếp cận với các dịch vụ của ngân hàng còn hạn chế và sự phát triển của thương mại điện tử cùng các ứng dụng kết nối người tiêu dùng với các dịch vụ hằng ngày ngày càng đa dạng.
Và trong bức tranh của toàn Đông Nam Á, Việt Nam đã cho thấy mình không hề chậm chân trong hành trình trở thành một xã hội không tiền mặt. Dựa theo báo cáo về hành vi thanh toán của người tiêu dùng năm 2022 của Visa Consumer Payment Attitudes Study cho thấy, 83% người Việt Nam được khảo sát cho rằng họ dự định sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt thường xuyên hơn.
Không nằm ngoài xu thế này, Grab Việt Nam và Ví điện tử ZaloPay đã hợp tác cùng nhau triển khai phương thức thanh toán mới bằng ZaloPay trên ứng dụng Grab ngay trong những ngày đầu năm 2023. Theo đó, người dùng Grab có thể lựa chọn Ví điện tử ZaloPay để thanh toán các dịch vụ như đặt xe, đặt đồ ăn, đi chợ online và giao hàng, bên cạnh hình thức thanh toán qua Ví Moca trên ứng dụng Grab, bằng các thẻ ngân hàng đã liên kết hoặc tiền mặt như trước đây.
Chia sẻ tại buổi thảo luận với chủ đề “Hợp tác nâng tầm thanh toán không dùng tiền mặt” tổ chức vào ngày 28/02 mới đây, ông Lê Hồng Minh, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc VNG, cho biết ý tưởng hợp tác giữa hai bên bắt đầu từ cách đây 7 năm, trong một lần gặp ông Anthony Tan - nhà sáng lập Grab tại văn phòng Grab Malaysia.
Đến nay, kế hoạch đã trở thành hiện thực. Grab và Ví điện tử ZaloPay bắt đầu từ sự tin tưởng lẫn nhau và cùng chia sẻ tầm nhìn là đưa công nghệ vào cuộc sống để phục vụ người dùng tốt hơn qua việc cùng bắt tay đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam.
Tuy vậy, việc khuyến khích người dùng chuyển sang hình thức thanh toán mới ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những đối tượng khách hàng ít có cơ hội tiếp xúc với công nghệ hoặc ngần ngại do quy trình đăng ký tài khoản, liên kết ngân hàng rườm rà.
Sau gần hai tháng hợp tác triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, cả hai bên đã có bước tiến lớn trong việc đẩy mạnh công nghệ và hỗ trợ người tiêu dùng.
Về phần mình, ZaloPay cũng kỳ vọng sự hợp tác này không chỉ cho phép người dùng trải nghiệm thanh toán không tiền mặt mà còn tạo điều kiện để các đối tác tài xế, các bên chấp nhận thanh toán, các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể sử dụng thanh toán không tiền mặt đơn giản hơn, hướng tới xây dựng một cộng đồng không tiền mặt.
Không chỉ dừng lại ở việc hợp cung cấp dịch vụ thanh toán không tiền mặt trong nước. Grab và ZaloPay còn kỳ vọng sẽ mở rộng sự hợp tác này ra khu vực.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó Giám Đốc Điều hành Grab Việt Nam cho biết, về mặt kỹ thuật việc thanh toán xuyên biên giới ở Đông Nam Á là chuyện khả dĩ. Tuy nhiên để điều ấy thành hiện thực cần có sự cho phép của pháp luật cũng như các thể chế tài chính khác.
Cùng quan điểm, bà Lê Lan Chi, Tổng giám đốc ZaloPay, cũng cho rằng câu chuyện mở rộng thị trường quốc tế và cho rằng điều này sẽ có thể thực hiện nhưng chưa thực sự cấp bách. Theo bà Chi, hợp tác công nghệ lần này sẽ hạn chế tối thiểu tình trạng “bom” hàng, tạo sự công bằng và minh bạch cho các bên tham gia vào giao dịch.
Tại Việt Nam, hai “ông lớn” ứng dụng là Grab và ZaloPay đều đang sở hữu hệ sinh thái riêng. Grab là siêu ứng dụng kết nối người dùng với các dịch vụ hàng ngày đa dạng từ giao nhận, di chuyển cho đến các dịch vụ tài chính. Còn ZaloPay cung cấp loạt tính năng tiện ích và độc đáo để đáp ứng mọi nhu cầu thanh toán trong cuộc sống và kinh doanh của người dùng.
Tính riêng năm 2022, ví điện tử ZaloPay có hơn 11,5 triệu người dùng thanh toán với mạng lưới đối tác rộng khắp gồm hơn 13.000 đối tác và 35.000 điểm thanh toán trên cả nước.