Hành trình hướng tới mục tiêu Net Zero của tỉnh Đồng Nai
Đề án giảm thiểu khí carbon đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 là bước đi quan trọng trong hành trình của tỉnh Đồng Nai hướng tới mục tiêu Net Zero – trạng thái cân bằng giữa lượng khí carbon thải ra và lượng khí carbon được hấp thụ nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu...
UBND tỉnh mới ban hành Kế hoạch số 267/KH-UBND về triển khai thực hiện các hợp phần của Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch này đưa ra yêu cầu thời gian, lộ trình thực hiện 2/3 hợp phần của đề án.
Hợp phần 1 - Nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, thời gian triển khai là 15 tháng kể từ khi lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng đề cương và dự toán kinh phí. UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì lựa chọn đơn vị tư vấn, xây dựng đề cương trong tháng 8 và 9-2024.
Hợp phần 2 - Xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giảm thiểu khí carbon của tỉnh, thực hiện song song với quá trình thực hiện Hợp phần 1 đến thời điểm 3 tháng sau khi có kết quả thực hiện Hợp phần 1.
Trước đó, ngày 19/2/2024, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của Đề án nhằm đánh giá được đúng thực trạng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trên cơ sở đó, Đồng Nai xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giảm thiểu khí các-bon của tỉnh Đồng Nai, góp phần thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của cả nước theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Đồng thời, xây dựng lộ trình và cách thức thực hiện trong việc cắt giảm phát thải trên địa bàn toàn tỉnh theo lộ trình tham chiếu của các khu vực lân cận và đã tích hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh Đồng Nai.
Cụ thể, giai đoạn 2025-2030, Đồng Nai đặt mục tiêu giảm phát thải 20%; giai đoạn 2030-2035, giảm phát thải 45%; giai đoạn 2035-2045, trung hoà các-bon; giai đoạn 2045-2050, phát thải khí nhà kính bằng 0.
UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai hợp phần 1, nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát thải khí nhà kính; triển khai các nhiệm vụ với lộ, giải pháp phù hợp, bảo đảm cơ sở khoa học và thực tiễn, đúng quy định pháp luật, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tế.
Các Sở Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng rà soát, báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc kiểm kê phát thải khí nhà kính do đơn vị chủ trì thực hiện thời gian qua; cung cấp hướng dẫn thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, định mức kinh tế kỹ thuật việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Trường hợp chưa có các hướng dẫn của Bộ quản lý chuyên ngành, các Sở có trách nhiệm chủ động rà soát tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ quản lý chuyên ngành hướng dẫn thực hiện; kết quả gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp trước ngày 15/8/2024.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng báo cáo lộ trình giảm phát thải, bao gồm mục tiêu rõ ràng, có thể đo lường được và có thời hạn cụ thể cho các ngành kinh tế trọng điểm và toàn tỉnh.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ban, ngành liên quan xây dựng báo cáo chi tiết chuyển đổi xanh trong việc phát triển khu công nghiệp theo hướng đạt mục tiêu phát thải ròng Net-Zero năm 2050; thời gian hoàn thành báo cáo là tháng 12/2024.
Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, huy động từ các tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Cùng với đó là huy động hợp tác hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, quỹ và định chế tài chính trong nước, quốc tế; khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân vào các dự án phát triển carbon thấp; thúc đẩy phát triển thị trường carbon trong nước nhằm tăng thêm nguồn đầu tư cho phát triển carbon thấp.
Theo Đề án này, có 7 lĩnh vực trọng điểm và 4 giai đoạn để thực hiện. 7 lĩnh vực theo thứ tự ưu tiên, bao gồm: Năng lượng; giao thông; công nghiệp; môi trường; nông nghiệp – lâm nghiệp và sử dụng đất mục đích khác; xây dựng, vật liệu và đô thị.
Bốn giai đoạn thực hiện Đề án gồm:
Giai đoạn 1 (từ năm 2025-2030): Giảm 20% phát thải khí nhà kính;
Giai đoạn 2 (từ năm 2030-2035): Giảm 45% phát thải khí nhà kính;
Giai đoạn 3 (từ năm 2035-2045): Trung hòa carbon;
Giai đoạn 4 (từ năm 2045-2050): Đạt phát thải khí nhà kính bằng 0.
Trước mắt, giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai khuyến khích sử dụng điện và năng lượng xanh trong giao thông vận tải; sử dụng xăng E5; giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp đồng thời tăng tỷ lệ hấp thụ carbon, nâng tỷ lệ xử lý chất thải.
Giải pháp đặt ra là xác định chi tiết tiềm năng các nguồn năng lượng. Phát triển mạnh các dự án năng lượng mới không phát thải như: sản xuất nhiên liệu hydrogen, amoniac xanh; phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng. Cùng với đó, hình thành cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon, đảm bảo năm 2030 thị trường tín chỉ carbon của tỉnh được vận hành, kết nối với các thị trường trong nước, các nước khu vực và trên thế giới.
Cũng trong giai đoạn này, tỉnh sẽ có báo cáo mục tiêu, thời hạn giảm phát thải cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực trọng điểm và toàn tỉnh. Báo cáo phát triển chiến lược chuyên ngành và đa ngành nhằm giảm thiểu carbon trong các ngành kinh tế trọng điểm. Báo cáo phương án, lộ trình chuyển đổi xanh trong các khu công nghiệp và trung tâm logistics để đạt mục tiêu net zero năm 2050.