Một năm bết bát của các công ty công nghệ

Nguyễn Tuyến
Chia sẻ

Trong năm 2022, hãng công nghệ khổng lồ Microsoft đã mất khoảng 700 tỷ USD vốn hóa. Còn cổ phiếu Meta – tiền thân là Facebook, đã giảm hơn 70% giá trị từ mức đỉnh, “bốc hơi” hơn 600 tỷ USD vốn hóa... Tính chung, các nhà đầu tư vào cổ phiếu trên Nasdaq – sàn chứng khoán của các công ty công nghệ, đã mất khoảng 7,5 nghìn tỷ USD trong một năm qua...

Lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ, Nasdaq đã thua chỉ số S&P 500 trong nhiều năm liên tiếp - Ảnh: Getty Images
Lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ, Nasdaq đã thua chỉ số S&P 500 trong nhiều năm liên tiếp - Ảnh: Getty Images

Chỉ cách đây hơn một năm, vào cuối năm 2021, chỉ số Nasdaq của chứng khoán Mỹ đã lập đỉnh, tăng gấp đôi kể từ những ngày đầu của đại dịch Covid-19. Khi đó, IPO (niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của hãng xe điện Rivian là một trong những thương vụ chào sàn bom tấn trong một năm kỷ lục về các thương vụ phát hành. Hoạt động tuyển dụng bùng nổ. Các nhân viên lĩnh vực công nghệ lúc ấy ngập tràn trong phần thưởng là quyền chọn cổ phiếu giá trị cao.

Tuy nhiên, 12 tháng sau đó, tình hình đảo ngược hoàn toàn. Năm 2022, lãi suất tăng lên khiến cơ hội tiếp cận vốn của các doanh nghiệp giảm đi. Còn lạm phát cao khiến tất cả giá cổ phiếu của những công ty có tiềm năng mang về lợi nhuận trong tương lai cũng giảm đáng kể.

Lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ, Nasdaq đã thua chỉ số S&P 500 trong nhiều năm liên tiếp. Lần cuối cùng điều này xảy ra với chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ là vào cuối giai đoạn hoạt động kém hiệu quả sau khi bong bóng dot-com bị vỡ.

Nhiều nhà phân tích cho rằng ngành công nghệ giờ đây đang đối mặt với một phép thử thực tế tương tự như vậy.

NHỮNG CUỘC SA THẢI Ồ ẠT

Tình hình bi đát khiến toàn ngành công nghiệp Mỹ khởi động chế độ cắt giảm chi phí, ngừng tuyển dụng và sa thải ồ ạt. Những nhân viên gia nhập các công ty tiềm năng chuẩn bị IPO và nhận thưởng chủ yếu bằng quyền chọn cổ phiếu giờ đây rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan và chỉ có thể hy vọng vào sự phục hồi trong tương lai.

Lãnh đạo nhiều công ty công nghệ phải thừa nhận rằng họ đã sai. Đại dịch Covid-19 trên thực tế đã không thay đổi mãi mãi cách chúng ta làm việc, giải trí, mua sắm và học tập như nhiều người nói. Tuyển dụng và đầu tư như thể thế giới sẽ mãi mãi vui chơi giải trí qua các video, làm việc trong phòng khách tại gia và ngừng đi máy bay, ngừng đến trung tâm thương mại và ăn uống nhà hàng hóa ra là quyết định sai lầm.

Đơn cử trường hợp của Meta - tiền thân là Facebook. Năm qua lẽ ra phải là một năm khởi sắc đối với công ty này. Trước khi đổi tên thành Meta vào cuối năm 2021, Facebook đã liên tục mang lại cho nhà đầu tư tỷ suất lợi nhuận cao, kết quả kinh doanh vượt dự báo và ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận kỷ lục.

Một năm bết bát của các công ty công nghệ - Ảnh 1

Tuy nhiên, ông Mark Zuckerberg, CEO của Meta, không nhìn về tương lai giống như cách nhìn của các nhà đầu tư. Việc ông chi hàng tỷ USD mỗi năm để phát triển vũ trụ ảo (metaverse) đã khiến các nhà đầu tư Phố Wall thất vọng bởi họ chỉ muốn công ty tập trung vào quảng cáo trực tuyến. Nhưng một vấn đề lớn ngay lúc này của Meta là Apple đã cập nhật chính sách quyền riêng tư của trên hệ điều hành iOS và theo đó các nền tảng mạng xã hội của Meta khó nhắm mục tiêu người dùng để quảng cáo hơn.

Trong bối cảnh giá cổ phiếu giảm 2/3 và doanh thu giảm nhiều quý lên tiếp, đầu tháng 11, Meta thông báo sa thải 13% nhân sự, tương đương 11.000 người. Đây là đợt sa thải quy mô lớn nhất trong lịch sử công ty này. “Tôi đã sai lầm và sẽ chịu trách nhiệm”, ông Mark Zuckerberg nói.

Không chỉ Meta, hàng loạt công ty công nghệ khác cũng ồ ạt sa thải nhân sự. Theo dữ liệu từ trang Layoffs.fyi, tổng số nhân sự đã bị sa thải tại Cisco, Meta, Amazon và Twitter lên tới gần 29.000 người. Hãng công nghệ HP gần đây cũng thông báo sẽ sa thải 4.000-6.000 nhân viên trong vòng 3 năm tới.

Chỉ riêng năm nay, số lượng nhân sự ngành công nghệ toàn cầu bị sa thải đã lớn hơn tổng lượng sa thải trong giai đoạn Đại suy thoái năm 2008-2009 mà mở đầu bằng sự sụp đổ của Ngân hàng Mỹ Lehman Brothers. Các số liệu thu thập được cho thấy trong hai năm này, các công ty công nghệ đã sa thải khoảng 130.000 nhân sự. Trong khi đó, chỉ riêng trong năm nay, 965 công ty công nghệ trên toàn cầu đã sa thải hơn 150.000 nhân viên.

“Ở Thung lũng Silicon, một điều ai cũng biết là các công ty từ Alphabet (công ty mẹ Google), Meta cho tới Twitter, Uber đều có thể đạt được mức doanh thu tương tự hiện tại với ít nhân sự hơn. Thậm chí, những công ty đáng kinh ngạc này sẽ còn hoạt động tốt và hiệu quả hơn nếu không có các cấp bậc và sự mơ hồ đi kèm với tốc độ tăng trưởng nhân sự cực cao như vừa qua”, ông Brad Gerstner - nhà đầu tư công nghệ của Altimeter Capital, nhận xét.

Làn sóng sa thải của ngành công nghệ được dự báo sẽ còn tồi tệ hơn vào đầu năm 2023 trong bối cảnh các điều kiện kinh tế vĩ mô toàn cầu còn nhiều thách thức.

SPAC là các công ty mua lại với mục đích đặc biệt, hoặc thực chất là một công ty rỗng (shell company) được các nhà đầu tư lập nên với mục đích duy nhất là huy động vốn thông qua một vụ IPO để cuối cùng thâu tóm một công ty khác.

CƠN SỐT SPAC HẠ NHIỆT, THỊ TRƯỜNG IPO CHÌM NGHỈM

Những thương vụ mua bán của SPAC trở thành hiện tượng trong năm 2020 và 2021. Các ngân hàng đầu tư háo hức bảo lãnh phát hành cho họ, còn các nhà đầu tư lao vào với dòng vốn dồi dào. SPAC cho phép các công ty không đủ điều kiện để IPO theo cách truyền thống “đi cửa sau” để tiếp cận các nhà đầu tư đại chúng.

Tại Mỹ, năm 2021 có khoảng 619 SPAC niêm yết nhưng năm 2022 suy giảm đáng kể. Chỉ số CNBC Post SPAC Index- theo dõi hoạt động của các cổ phiếu SPAC sau khi niêm yết, đã giảm hơn 70% kể từ khi thành lập và giảm khoảng 2/3 trong năm qua.

Ông Chamath Palihapitiya, người từng được mệnh danh là “vua” SPAC, đã chấm dứt 2 thương vụ vào trong tháng 10/2022 khi không tìm được mục tiêu sáp nhập phù hợp và phải trả lại 1,6 tỷ USD cho các nhà đầu tư.

Một năm bết bát của các công ty công nghệ - Ảnh 2

Không chỉ SPAC, năm 2022, thị trường IPO công nghệ truyền thống diễn ra trầm lắng sau năm 2020 và 2021 bùng nổ nhờ lợi thế từ việc thế giới chuyển sang làm việc và giải trí trực tuyến nhiều hơn trong đại dịch và nền kinh tế dồi dào trợ cấp từ chính phủ. Tại Mỹ, năm 2022 chỉ có 173 IPO, giảm mạnh so với 961 thương vụ năm 2021.

Hai năm trước, những “con cưng của thị trường” đã huy động được hàng tỷ USD trong các đợt IPO. Nhưng giờ đây, giá trị của các công ty này giảm sút rõ rệt. Giá cổ phiếu của Rivian hiện đã giảm hơn 80% so với mức đỉnh, sau khi đạt mức vốn hóa thị trường cao ngất ngưởng hơn 150 tỷ USD. Renaissance IPO ETF - một rổ gồm các cổ phiếu công ty Mỹ mới niêm yết - đã giảm 57% trong năm qua.

Tuy nhiên, bất chấp triển vọng u ám, nhiều nhà phân tích vẫn tin rằng điều tồi tệ nhất đã qua và tương lai khởi sắc sẽ đến với các công ty công nghệ trong năm 2023.

“Dù nửa đầu năm còn nhiều khó khăn, sức ép từ các thông tin kinh tế tiêu cực sẽ giảm xuống vào nửa năm sau”, nhà phân tích Dan Ives của Wedbush dự báo. “Ngành công nghệ sẽ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn những tháng sắp tới, nhưng ít nhất hiện tại tôi có cảm giác rằng những điều tồi tệ nhất đã xảy ra rồi và rồi mọi thứ cũng sẽ phục hồi”.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Một năm bết bát của các công ty công nghệ - Ảnh 3

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con