Những triển vọng ứng dụng AI trong khám, điều trị các bệnh về đường tiêu hóa tại Việt Nam
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị bệnh tiêu hóa có thể giúp phát hiện chính xác các tổn thương trên 90%, xuất báo cáo chi tiết trong chưa đến 5 giây...
Bệnh lý về đường tiêu hóa luôn là một trong những nhóm bệnh phổ biến, ảnh hưởng đến mọi độ tuổi. Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc các bệnh lý này có xu hướng gia tăng đáng kể.
15-20% DÂN SỐ VIỆT NAM MẮC BỆNH VIÊM LOÉT DẠ DÀY
Chia sẻ tại Hội nghị khoa học “Cập nhật các tiến bộ mới trong quản lý bệnh tiêu hóa và gan mật” do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật phối hợp cùng Phòng khám đa khoa Hoàng Long tổ chức, PGS.TS.BS. Alex Leow, Bệnh viện Pantai, Kuala Lumpur, cho biết trước đây, các bệnh lý viêm ruột mãn tính (inflammatory bowel disease - IBD) thường được xem là căn bệnh của các nước phương Tây.
Tuy nhiên, với sự thay đổi trong lối sống của người dân châu Á, số ca mắc bệnh tại khu vực này đang ngày càng gia tăng. Tại Đông Nam Á, Singapore có tỷ lệ mắc IBD khoảng 1 trên 100.000 người, trong khi ở Malaysia, tỷ lệ này là khoảng 0,94 trên 100.000 người. Với tốc độ tăng hiện nay, gánh nặng từ căn bệnh này dự kiến sẽ tăng đáng kể trong tương lai. Hiện nay tại Hoa Kỳ, khoảng 1% dân số đang sống chung với IBD.
“Nếu các quốc gia châu Á trở thành các nước phát triển vào năm 2050, và tỷ lệ mắc IBD đạt mức tương tự như ở Hoa Kỳ, tức là 1% dân số, thì số lượng bệnh nhân sẽ vô cùng lớn. Đây là thách thức lớn, đặc biệt khi nguồn lực y tế tại khu vực châu Á vẫn còn hạn chế”, PGS.TS.BS. Alex Leow nói.
Tại Việt Nam, theo thống kê, khoảng 15-20% dân số mắc bệnh viêm loét dạ dày, với các triệu chứng điển hình như đau bụng, buồn nôn và đầy bụng. Tỷ lệ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) ước tính khoảng 10-15%. Tỉ lệ bệnh nhân trào ngược kháng trị hoặc có hội chứng chồng lắp ngày càng tăng đặt ra thách thức trong quản lý điều trị. Polyp đại tràng cũng là bệnh lý phổ biến với tỉ lệ ung thư đại tràng ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, khoảng 10% dân số Việt Nam nhiễm virus viêm gan B, trong khi viêm gan C và xơ gan cũng có tỷ lệ mắc cao, gan nhiễm mỡ liên quan tới rối loạn chuyển hóa bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có khoảng 7,8 triệu người mắc viêm gan B mạn tính, hơn 13.000 người bị xơ gan mất bù, gần 6.000 người bị ung thư tế bào gan và hơn 6.400 người tử vong do bệnh gan gây nên.
“Việc chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả đóng vai trò rất quan trọng. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể giúp bệnh nhân kiểm soát tốt căn bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm thiểu gánh nặng trong tương lai”, PGS.TS.BS. Alex Leow nói.
CHẨN ĐOÁN CỦA AI CÓ ĐỘ CHÍNH XÁC KHÔNG THUA KÉM SO VỚI CHẨN ĐOÁN CỦA BÁC SĨ NỘI SOI
Theo thông tin được đưa ra tại Hội nghị, các tiến bộ mới về công nghệ nội soi, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới khả thi và hiệu quả. Chia sẻ về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi tiêu hóa, theo PGS.TS.BS. Tomoaki Matsumura đến từ Bệnh viện Đại học Chiba, Nhật Bản, so sánh kết quả một thử nghiệm lâm sàng chẩn đoán polyp đại tràng cho thấy chẩn đoán tự động dựa trên AI có độ chính xác không thua kém so với chẩn đoán của bác sĩ nội soi.
Hiện nay, vẫn còn một số tổn thương ung thư đường tiêu hóa trên bị bỏ sót trong quá trình nội soi. Với những kết quả thử nghiệm như vậy, PGS.TS.BS. Tomoaki Matsumura cho rằng “AI có tiềm năng lớn trong việc giảm thiểu nguy cơ bỏ sót tổn thương và chuẩn hóa độ chính xác của bác sĩ nội soi trong quá trình chẩn đoán”.
Trao đổi bên lề sự kiện, PGS.TS.BS. Đào Việt Hằng, Giám đốc Trung tâm nội soi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết trong những năm qua, trí tuệ nhân tạo đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt trong lĩnh vực y tế. Chẳng hạn, trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, các máy siêu âm tích hợp AI giúp giảm nhiễu và tăng độ chính xác. Công nghệ AI trong máy chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ cũng giúp cải thiện chất lượng hình ảnh, giảm liều bức xạ, và định vị chính xác hơn các cơ quan trong cơ thể. Những tiến bộ này cho phép bác sĩ dễ dàng phát hiện tổn thương, nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị.
Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa Gan mật đã phối hợp với Công ty VinBrain phát triển và ra mắt DrAid EndoAI – hệ thống AI đầu tiên trong nội soi tiêu hóa tại Việt Nam. Được xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu hơn nửa triệu hình ảnh nội soi đường tiêu hóa, hệ thống DrAid EndoAI có khả năng phát hiện chính xác các tổn thương như viêm thực quản, ung thư dạ dày, loét hành tá tràng ở đường tiêu hóa trên và polyp đại tràng ở đường tiêu hóa dưới.
“Điểm đặc biệt của hệ thống này là khả năng tự động tạo báo cáo sau khi nội soi. Nghĩa là AI sẽ ghi nhận số lượng vị trí giải phẫu mà bác sĩ đã đi qua, đảm bảo không bỏ sót bất kỳ tổn thương nào. Mỗi tổn thương được phát hiện sẽ tự động ghi nhận hình ảnh kèm theo và xuất ra báo cáo chi tiết ngay khi quá trình nội soi kết thúc, chỉ mất chưa đến 5 giây”, PGS.TS.BS. Đào Việt Hằng cho biết.
Theo PGS.TS.BS. Đào Việt Hằng, trong các thử nghiệm, DrAid EndoAI phát hiện đúng các mốc vị trí giải phẫu đạt tỷ lệ 99% và phát hiện chính xác các tổn thương vượt trên 90%, rút ngắn thời gian chẩn đoán xuống chỉ còn vài giây. Đặc biệt, hệ thống cũng tích hợp được với các thiết bị nội soi hiện có. “Công nghệ AI không chỉ tiết kiệm đáng kể thời gian mà còn hỗ trợ bác sĩ, giúp đảm bảo độ chính xác mà không làm chậm quy trình làm việc”, PGS.TS.BS. Đào Việt Hằng nói.
Được biết, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa Gan mật cũng đang ra mắt ứng dụng HBVCare, ứng dụng hướng đến hỗ trợ các bệnh nhân viêm gan virus cũng như ung thư gan. Để giúp người bệnh quản lý sức khỏe hiệu quả hơn, HBVCare cung cấp các tính năng như nhắc nhở lịch tái khám, thông báo thời gian uống thuốc và cung cấp kiến thức y khoa về viêm gan và ung thư gan.
Công nghệ AI cũng được tích hợp trong HBVCare là công nghệ AI được tích hợp để quản lý hồ sơ bệnh án. Người dùng chỉ cần chụp ảnh kết quả xét nghiệm, hệ thống sẽ tự động chuyển đổi hình ảnh thành dữ liệu số hóa và lưu trữ hồ sơ. Điều này giúp bệnh nhân dễ dàng chia sẻ thông tin y tế với bác sĩ, đảm bảo quá trình điều trị liền mạch và hiệu quả.
NHỮNG KHÓ KHĂN KHI ỨNG DỤNG AI VÀO KHÁM, CHỮA BỆNH TẠI VIỆT NAM
Tuy nhiên, PGS.TS.BS. Đào Việt Hằng cũng cho biết có rất nhiều khó khăn cần vượt qua khi bắt đầu các dự án về AI. Theo đó, nếu chỉ dừng lại ở việc ứng dụng các sản phẩm AI thương mại hóa, công việc sẽ đơn giản hơn nhiều, vì đã có sẵn sản phẩm và chỉ cần tích hợp vào hệ thống công việc. Tuy vậy, trong lĩnh vực đặc thù như y tế, việc ứng dụng AI có một số khó khăn.
Thứ nhất là thách thức về xây dựng bộ dữ liệu lớn, chuẩn hóa, đa dạng về hình thái, về chế độ ánh sáng, để đảm bảo hệ thống có thể hoạt động hiệu quả trong nhiều điều kiện khác nhau. Sau đó tập dữ liệu này lại phải được gán nhãn bởi các chuyên gia có kinh nghiệm, yêu cầu nhiều thời gian và nguồn lực.
Thứ hai là những thách thức về tích hợp và thử nghiệm. Làm thế nào để hệ thống AI có thể tích hợp vào nhiều hệ thống máy nội soi khác nhau và hệ thống phải nhỏ gọn, dễ sử dụng, không ảnh hưởng đến luồng làm việc của các bác sĩ. Bên cạnh đó, hệ thống phải đảm bảo khi được tích hợp, AI không chỉ duy trì quy trình làm việc hiện tại mà còn giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán và tiết kiệm thời gian cho bác sĩ.
Trong khi đó, theo GS.TS.BS Đào Văn Long, Chủ tịch hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa - Gan mật, là một quốc gia đang phát triển, cơ sở hạ tầng y tế tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế về nguồn lực. Bên cạnh đó, việc phổ biến và áp dụng các sản phẩm trí tuệ nhân tạo trong y tế vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những vấn đề cần quan tâm là khung pháp lý đối với việc ứng dụng AI.
“Hiện nay, trí tuệ nhân tạo vừa mang lại lợi ích lớn, nhưng cũng có những khía cạnh chưa được pháp luật công nhận chính thức. Điều này đòi hỏi các nhà quản lý, hoạch định chính sách và các bệnh viện phải xem xét kỹ lưỡng khi áp dụng”, GS.TS.BS Đào Văn Long nói.
Theo ông, về mặt chính sách cần có những quy định rõ ràng và phù hợp để đảm bảo rằng AI không chỉ được ứng dụng hiệu quả mà còn tuân thủ các nguyên tắc pháp lý và đạo đức. Việc này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế mà còn giúp phát triển AI một cách bền vững và đúng hướng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.