14:44 29/07/2015

Liên tiếp nhiều doanh nghiệp bị phát hiện dùng phần mềm lậu

Nhĩ Anh

Việt Nam đã dần chuyển từ biện pháp hành chính sang biện pháp dân sự đối với các vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ

Việt Nam là một trong những quốc gia có bước tiến mạnh mẽ trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm máy tính, khi giảm tỷ lệ vi phạm từ 92% năm 2004 xuống 81% năm 2014. <br>
Việt Nam là một trong những quốc gia có bước tiến mạnh mẽ trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm máy tính, khi giảm tỷ lệ vi phạm từ 92% năm 2004 xuống 81% năm 2014. <br>
Ngày 27/7, đoàn thanh tra liên ngành về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền phần mềm cho biết đã phát hiện một doanh nghiệp Hàn Quốc và một doanh nghiệp lớn của Việt Nam sử dụng phần mềm không bản quyền.

Theo thông tin từ đoàn thanh tra, tại Công ty Cổ phần Điện tử Bình Hòa (Viettronics) ở Tp.HCM, sau khi kiểm tra 38 máy tính Viettronics dùng để kinh doanh, ngoài số lượng phần mềm có bản quyền, đã tìm thấy 62 phần mềm bất hợp pháp như Microsoft Office, Microsoft Windows XP, Autodesk, Adobe...

Viettronics đã ký vào biên bản thừa nhận hành vi vi phạm: sao chép phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu là vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Đoàn thanh tra yêu cầu Viettronics phải gỡ bỏ các phần mềm máy tính bất hợp pháp và làm việc với đại diện pháp lý của chủ sở hữu quyền tác giả để thỏa thuận, giải quyết dứt điểm hành vi vi phạm, đồng thời hợp pháp hóa các phần mềm bất hợp pháp phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Một cuộc thanh tra khác tại chi nhánh công ty Miwo Việt Nam (Hàn Quốc) cũng phát hiện nhiều phần mềm không bản quyền được sử dụng bất hợp pháp.

Trước đó, thanh tra Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) và các cơ quan chức năng địa phương đã thanh tra đột xuất 15 doanh nghiệp tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.
 
Có 822 máy tính được kiểm tra, số tiền xử phạt 500 triệu đồng. Sau thanh tra, các doanh nghiệp đã chủ động làm việc với đại diện chủ sở hữu để mua phần mềm máy tính hợp pháp nhằm khắc phục hậu quả, đồng thời bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đang trở thành một vấn đề ưu tiên của Việt Nam, Chỉ thị số 36/TTg của Thủ tướng khẳng định trách nhiệm của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI, trong trường hợp vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.

Hành vi sử dụng trái phép phần mềm có bản quyền có thể bị truy tố hình sự theo Luật Hình sự sửa đổi, các chuyên gia cảnh báo.

Gần đây, vụ kiện dân sự đối với công ty Trimmers do sử dụng phần mềm máy tính bất hợp pháp thuộc quyền sở hữu của một thành viên thuộc Liên minh Phần mềm BSA, được khởi kiện vào cuối tháng 6 là lời cảnh báo đối với các doanh nghiệp cố tình xâm phạm tài sản trí tuệ.

Trong hai năm gần đây, Việt Nam đã dần chuyển từ biện pháp hành chính sang biện pháp dân sự đối với các vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ, trong đó có phần mềm.

Nhằm xử lý các đơn vị vi phạm, rút ngắn tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính của Việt Nam ở mức trung bình của khu vực trong những năm tới, các hoạt động thanh tra sẽ tiếp tục được đẩy mạnh đối với các doanh nghiệp bị nghi ngờ sử dụng phần mềm bất hợp pháp, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết.

Việt Nam là một trong những quốc gia có bước tiến mạnh mẽ trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm máy tính, khi giảm tỷ lệ vi phạm từ 92% năm 2004 xuống 81% năm 2014.