

Thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực ban hành, điều chỉnh các chính sách, định hướng chiến lược trong phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Từ góc độ của cơ quan tham mưu định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế, chủ trương, chính sách, chiến lược về kinh tế - xã hội, ông có đánh giá như thế nào?
Đảng và Nhà nước ta đã luôn xác định phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch là một chủ trương lớn, thể hiện qua nhiều chính sách và pháp luật cụ thể nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường.
Hiện nay, về cơ bản, Chính phủ đã ban hành khá đầy đủ các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành năng lượng và các phân ngành năng lượng cũng như phê duyệt chiến lược phát triển các tập đoàn năng lượng nhà nước; qua đó đã tạo được hành lang pháp lý khá đầy đủ để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Qua đánh giá ban đầu của Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, đến nay về cơ bản, các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 55-NQ/TW. Đa số các cấp ủy đảng đã ban hành Chương trình hành động chi tiết để đưa chủ trương của Đảng về định hướng phát triển năng lượng, trong đó có năng lượng xanh, năng lượng sạch, vào cuộc sống. Các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy của các tập đoàn năng lượng nhà nước thực hiện nghiêm túc công tác lãnh đạo, chỉ đạo ban hành Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 55.
Hiện nay, về cơ bản, Chính phủ đã ban hành các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành năng lượng và các phân ngành năng lượng cũng như phê duyệt chiến lược phát triển các tập đoàn năng lượng nhà nước; qua đó đã tạo được hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Ông nhận thấy có tồn tại, thách thức hay vướng mắc nào trong phát triển năng lượng tái tạo hay không, thưa ông?
Bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua.
Thứ nhất, thiếu đồng bộ giữa quy hoạch và cơ sở hạ tầng truyền tải điện, giữa xây dựng và khai thác đồng bộ nguồn và lưới gây nghẽn lưới điện, nhiều dự án năng lượng tái tạo bị cắt giảm công suất phát.
Thứ hai, cơ chế tài chính, giá điện vẫn chưa rõ ràng, ổn định, gây tâm lý e ngại cho nhà đầu tư. Việc thiếu cơ chế lưu trữ năng lượng, điều độ linh hoạt cũng dẫn tới khó khăn trong tích hợp nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện quốc gia. Thiếu đồng bộ về dữ liệu và nền tảng số phục vụ quản lý năng lượng tái tạo cũng là vướng mắc hiện nay. Hiện chúng ta đang thực hiện quyết liệt quá trình chuyển đổi số quốc gia, đã ban hành Luật Dữ liệu 2024, nên sẽ khắc phục hạn chế này.
Thứ ba, chuyển dịch năng lượng gắn với phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tăng trưởng xanh còn thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các ngành: điện, dầu khí, giao thông, công nghiệp.
Về thực thi chính sách, việc lãnh đạo, chỉ đạo ban hành Chương trình hành động tại một số cấp ủy đảng thuộc khối bộ, ngành Trung ương vẫn còn chậm. Ngoài ra, nhiều nhiệm vụ, đề án được giao tại Nghị định số 140/NĐ-CP vẫn chưa được thực hiện, hoặc thực hiện còn chậm so với yêu cầu đề ra. Trong đó có một số nhiệm vụ, đề án liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng mới…
Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ, đề án liên quan đến phát triển xanh, bảo vệ môi trường cũng chậm triển khai hoặc chưa được thực hiện, như: Đề án quốc gia về phát triển các nguồn điện từ rác thải đô thị, chất thải rắn và sinh khối; Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức tiêu thụ nhiên liệu và khí thải đối với phương tiện giao thông vận tải. Hoặc như Luật sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - thời hạn hoàn thành dự kiến năm 2022, đến nay vẫn chưa ban hành (dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng 6 năm nay).
Ngoài ra, việc rà soát, sửa đổi, xây dựng, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan đến tái chế, tái sử dụng chất thải trong các khâu khai thác, sản xuất, phân phối liên quan đến lĩnh vực năng lượng… để hướng tới phát triển xanh cũng chậm được triển khai.

Từ thực tế hiện nay, ông có đề xuất giải pháp gì để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong thời gian tới?
Để tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương của Đảng về phát triển nhanh và bền vững ngành năng lượng nói chung và các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới nói riêng, bên cạnh việc bám sát các mục tiêu cũng như những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu trong Nghị quyết 55 cũng như tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, đề án nêu trong Nghị định 140, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức cộng đồng. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về lợi ích của năng lượng sạch, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội vào việc sử dụng và phát triển năng lượng tái tạo.
Hai là, hoàn thiện khung pháp lý. Cần nghiên cứu, sớm ban hành Luật Năng lượng tái tạo, tạo hành lang pháp lý ổn định, đồng thời, xây dựng và điều chỉnh các chính sách, quy định pháp luật liên quan để tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển năng lượng tái tạo, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong triển khai.
Xây dựng và ban hành chính sách đặc thù cho đầu tư vào năng lượng mới (như điện hạt nhân), tăng cường năng lượng sinh khối. Có cơ chế, chính sách đột phá để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ lưu trữ năng lượng nhằm tối ưu hóa hiệu suất nguồn điện tái tạo. Mở rộng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Ba là, tăng cường đầu tư và hỗ trợ tài chính. Cần khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước và quốc tế vào các dự án năng lượng sạch thông qua các cơ chế ưu đãi về thuế, tín dụng, có giá mua điện hợp lý trên cơ sở hợp đồng mua bán điện (PPA) phù hợp với thông lệ quốc tế để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng năng lượng tái tạo.
Cùng với đó áp dụng chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng sạch. Xây dựng cơ chế tín dụng xanh, carbon credit. Xây dựng các quỹ hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ năng lượng sạch.

Bốn là, nâng cấp hạ tầng và công nghệ, tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Theo đó, tập trung xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và đầu tư, nâng cấp hạ tầng truyền tải và hệ thống lưu trữ năng lượng để tích hợp hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện quốc gia.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí đầu tư và sản xuất. Phát triển các công nghệ lưu trữ năng lượng, thủy điện tích năng, hydrogen xanh. Xây dựng và khai thác dữ liệu năng lượng, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo trong vận hành hệ thống năng lượng, hệ thống điện thông minh.
Năm là, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và tăng cường hợp tác quốc tế. Cụ thể, xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về năng lượng tái tạo để phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Đồng thời, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để tiếp nhận chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm trong phát triển năng lượng sạch. Tham gia sâu hơn vào các sáng kiến, đặc biệt là Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), thu hút nguồn tài chính xanh quốc tế. Hợp tác với các nước phát triển để tiếp nhận công nghệ, mô hình quản lý, quản trị, phát triển thị trường carbon trong nước gắn kết với khu vực và quốc tế.
Sáu là, khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm. Xây dựng các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng cho các ngành công nghiệp, tòa nhà và phương tiện giao thông. Khuyến khích các tòa nhà xanh, xe điện, thiết bị tiết kiệm năng lượng. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình triển khai các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Từng bước tiến tới xây dựng và ban hành các chế tài thực hiện.

VnEconomy 09/04/2025 11:35
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 14-2025 phát hành ngày 7/4/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1308
