Phát triển năng lượng tái tạo, xanh, sạch: Nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn
Quốc hội đã chốt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 8% cho năm 2025 và tăng trưởng hai chữ số cho giai đoạn 2026 – 2030. Để đạt được mục tiêu này, một trong những nguồn lực có tính nền tảng và huyết mạch chính là điện năng và các nguồn năng lượng xanh, sạch…

Nhận thức rõ tầm quan trọng và vai trò thiết yếu của năng lượng, nhất là điện năng, ngày 31/3/2025, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam chủ trì, phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức Diễn đàn thường niên lần thứ hai với chủ đề: “Năng lượng xanh, sạch kiến tạo kỷ nguyên kinh tế mới – Giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh các nguồn năng lượng mới”, nhằm thảo luận, trao đổi về hiện trạng, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, xanh, sạch tại Việt Nam trong tương lai.
Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, đã nêu bật tính cấp thiết của việc phát triển năng lượng tái tạo, xanh, sạch.
Theo TS. Chử Văn Lâm, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 là 8% và phấn đấu đạt tăng trưởng hai chữ số (tức là từ 10% trở lên) mỗi năm trong giai đoạn 2026 - 2030, cũng như đáp ứng sự thay đổi mang tính chiến lược về phương thức hoạt động (gồm học tập, lao động, sản xuất) chủ yếu dựa trên nền tảng số, đòi hỏi các nguồn lực phục vụ cho quá trình này phải có những điều chỉnh và hoạch định phù hợp, hiệu quả hơn.
“HUYẾT MẠCH” CỦA NỀN KINH TẾ
Một trong những nguồn lực có tính nền tảng và huyết mạch, đó chính là điện năng và các nguồn năng lượng xanh, sạch. Đáp ứng yêu cầu cấp bách phục vụ các mục tiêu phát triển, nhu cầu điện năng đã được các cơ quan quản lý và các chuyên gia tính toán cần phải tăng từ 12-16% mỗi năm.

tầm nhìn đến năm 2050 theo Quy hoạch điện 8 điều chỉnh.
Từ nhu cầu thực tiễn, nhất là nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã rất quan tâm đến phát triển các nguồn năng lượng. Điều này được thể hiện trong nhiều văn bản định hướng chiến lược như: Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện 8), trong đó đã đưa ra định hướng cụ thể phát triển các nguồn năng lượng, đặc biệt ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch.
Đặc biệt, trong bối cảnh cần có sự tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình, ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam, nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ, phát triển bền vững đất nước.
Tiếp đó, ngày 30/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), thay thế cho Luật Điện lực năm 2004. Luật Điện lực năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/2/2025 được kỳ vọng sẽ giải quyết được các khó khăn, vướng mắc của ngành điện hiện nay, bảo đảm an ninh năng lượng điện, hướng đến mục tiêu Net Zero và góp phần thúc đẩy ngành điện lực phát triển bền vững, hiệu quả, bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Mới đây nhất, ngày 3/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực liên quan đến việc phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Nghị định này là bước tiến quan trọng, thúc đẩy ngành điện phát triển bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng và giảm tác động tiêu cực đến môi trường; đồng thời là một tín hiệu tích cực đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH ĐỂ ĐÁP ỨNG NHU CẦU ĐIỆN
Mặc dù nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành, song các ý kiến tại Diễn đàn cho rằng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch của Việt Nam đang có phần chững lại. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), cho biết khả năng thiếu điện trong giai đoạn 2026-2028 còn hiện hữu, do các nguồn điện của chúng ta tăng chậm, trong khi nguồn năng lượng tái tạo thì đang chững lại.
Phân tích cụ thể hơn, ông Tuấn nêu ra bốn nguyên nhân chính.
Thứ nhất, do các kế hoạch ban hành chậm. Sau một năm Quy hoạch Điện 8 được phê duyệt, thì kế hoạch mới được ban hành.
Thứ hai, chúng ta xử lý và giải quyết quá chậm các dự án thiếu hoặc vi phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Trong đó có dự án chưa hoàn thành các thủ tục xây dựng, hoặc có quá trình hồi tố về giá.
Thứ ba, mặc dù các quy định về điện gió ngoài khơi đã cụ thể hơn, đã chi tiết hơn, nhưng vẫn chưa đủ để triển khai. Cho đến nay, vẫn chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được khởi động, nên sẽ khó hoàn thành mục tiêu 6000 MW vào năm 2030.
Thứ tư, mặc dù đã có định hướng chuyển đổi nhiệt điện than sang điện khí, tuy nhiên hiện nay, phát nguồn điện khí vẫn còn chậm. Trong năm 2024 còn thiếu cơ chế để chuyển ngang giá khí và sản lượng hợp đồng, khiến thời gian vận hành để đảm bảo được thu hồi vốn sẽ dài, nên chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư.
Để giải quyết những vướng mắc trong việc phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch, ngày 31/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1710/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện 8 điều chỉnh).
Ngày 19/2/2025, Hội đồng thẩm định điều chỉnh Quy hoạch điện 8 đã nhất trí thông qua Dự án Quy hoạch điện 8 điều chỉnh. Theo đó, tổng công suất nguồn điện phục vụ nhu cầu trong nước (không bao gồm xuất khẩu, nguồn đồng phát và nhiệt điện rủi ro) là 183.291-236.363 MW, tăng thêm khoảng 27.747 - 80.819 MW so với Quy hoạch điện 8 đã được phê duyệt. Đáng chú ý, trong Quy hoạch điện 8 điều chỉnh đã bổ sung thêm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, với tổng công suất đạt 6.000-6.400 MW sẽ đưa vào vận hành giai đoạn 2030-2035. Giai đoạn đến năm 2050, hệ thống cần bổ sung khoảng 4.500-5.000 MW điện hạt nhân tại miền Bắc và khoảng 3.000 MW tại miền Trung (chủ yếu là điện hạt nhân dạng mô đun nhỏ SMR) để cung cấp nguồn điện chạy nền cho hệ thống.
Theo ông Tuấn, Quy hoạch điện 8 điều chỉnh đã đưa quy mô công suất các nguồn điện mặt trời và điện gió lên cao hơn rất nhiều, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư. Giá mua điện sẽ được áp dụng khác nhau theo miền, có nghĩa là đã xem xét đến tín hiệu đầu tư, giá thành sản xuất. Những nguồn điện ở gần nơi phụ tải hơn sẽ được có giá cao hơn để khuyến khích giảm truyền tải. Thời gian xây dựng các nguồn điện gió và điện mặt trời chắc chắn sẽ nhanh hơn các nguồn điện khác, do đó sẽ có khả năng đáp ứng một phần nhu cầu điện tăng thêm trong ngắn hạn...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 14-2025 phát hành ngày 7/4/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1308
