15:52 30/07/2024

"Công nghiệp không khói" của Thừa Thiên Huế tăng trưởng tốt

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

7 tháng năm 2024, lượng khách du lịch đến tỉnh Thừa Thiên Huế ước đạt 2.348.000 lượt, tăng 25,5% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 862.000, tăng 42,2%; doanh thu từ du lịch ước đạt 4.782,8 tỷ đồng...

 Khách quốc tế đến Huế bằng tàu biển đầu năm 2024. Ảnh Hữu Phúc
Khách quốc tế đến Huế bằng tàu biển đầu năm 2024. Ảnh Hữu Phúc

Theo báo cáo kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 7 tháng năm 2024, thu ngân sách nhà nước của Thừa Thiên Huế ước đạt 6.733,7 tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán, bằng 49,5% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 18,6% so với cùng kỳ.

Trong đó, tỉnh này thu nội địa ước đạt 6.145,2 tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán, bằng 47,7% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 15,8%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 577 tỷ đồng, bằng 93,1% dự toán, bằng 83,6% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 57,2%; thu viện trợ, huy động đóng góp 11,5 tỷ đồng, bằng 99% dự toán, bằng 57,5% chỉ tiêu phấn đấu và gấp 3 lần.

Chi ngân sách nhà nước của Thừa Thiên Huế ước đạt 7.572,7 tỷ đồng, bằng 47% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển 2.570,2 tỷ đồng, bằng 43% dự toán.

KHÁCH QUỐC TẾ TĂNG HƠN 42%

Trong tháng 7/2024, khách du lịch đến tỉnh này ước đạt 393.000 lượt, tăng 7,9% so với tháng trước và tăng 31,1% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 65,6 nghìn lượt, giảm 5,2% so với tháng trước và tăng 26,3% so với cùng kỳ; doanh thu từ du lịch ước đạt 812,5 tỷ đồng, tăng 7,9% so với tháng trước và tăng 21,6% so với cùng kỳ.

Lũy kế 7 tháng năm 2024, lượng khách du lịch đến tỉnh Thừa Thiên Huế ước đạt 2.348.000 lượt, tăng 25,5% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 862.000, tăng 42,2%; doanh thu từ du lịch ước đạt 4.782,8 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Đưa vào khai thác tuyến tàu du lịch Huế - Đà Nẵng, hành trình “Kết nối di sản miền Trung”; phát triển du lịch tàu biển; tổ chức các hoạt động khởi động mùa du lịch “Huế - Chào hè 2024”; Thừa Thiên Huế vào top 8 điểm du lịch tiết kiệm nhất Châu Á;...

Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 7/2024 của Thừa Thiên Huế ước đạt 4.862,5 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước và tăng 14,7% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.447,8 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 13% so với cùng kỳ.

Lũy kế 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội của tỉnh này ước đạt 32.207,8 tỷ đồng, tăng 13,4% so cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 23.278 tỷ đồng, chiếm 72,3%, tăng 12,2%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024 ước tăng 0,4% so với tháng trước, bình quân 07 tháng ước tăng 4,3% so với cùng kỳ.

KIM NGẠCH NHẬP KHẨU TĂNG 45%

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, trong tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Thừa Thiên Huế ước đạt 100 triệu USD, giảm 1,6% so với tháng trước và tăng 19,9% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh này ước đạt 662,8 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ; các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: Xơ, sợi, dệt các loại ước đạt 111 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ; hàng may mặc ước đạt 311 triệu USD, giảm 1,7%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 100,3 triệu USD, gấp 2,3 lần,...

Trong tháng 7/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Thừa Thiên Huế ước đạt 68,1 triệu USD, giảm 43,5% so với tháng trước và tăng 29,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của tỉnh này ước đạt 554,2 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ; các mặt hàng nhập khẩu phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu: Thủy sản ước đạt 0,9 triệu USD, giảm 82,6% so với cùng kỳ; nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 357,9 triệu USD, tăng 52,8%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 89,8 triệu USD, tăng 13,8%.

Về hoạt động vận tải, trong tháng 7, vận tải hành khách của tỉnh này ước đạt 3.085.000 lượt, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 16,7% so với cùng kỳ. Hàng hóa vận chuyển ước đạt 1.930.000 tấn, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải, bốc xếp ước đạt 449,7 tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước và tăng 15,4% so với cùng kỳ.

Lũy kế 7 tháng, vận tải hành khách của Thừa Thiên Huế ước đạt 20.936.000 lượt, tăng 17% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa ước đạt 13.078,6 nghìn tấn, tăng 14,5%; doanh thu vận tải, bốc xếp do địa phương quản lý ước đạt 3.042 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh này tháng 7/2024 ước tăng 7,7% so với cùng kỳ; lũy kế 7 tháng ước tăng 3,2% so với cùng kỳ. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng ước giảm 1,6%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 5,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, nước đá ước giảm 16,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,7%.

Một số sản phẩm chủ yếu của Thừa Thiên Huế có sản lượng tăng so với cùng kỳ gồm: Bia 199,2 triệu lít, tăng 3% so với cùng kỳ (trong đó: bia lon 137,3 triệu lít, tăng 6,1%; bia chai 61,8 triệu lít, giảm 3,5%); sợi các loại 68,6 nghìn tấn, tăng 2,4%; quần áo lót 223,5 triệu sản phẩm, tăng 6%; dăm gỗ 442,2 nghìn tấn, tăng 26,7%; điện thương phẩm 1.259,3 triệu KWh, tăng 6,3%; đá xây dựng 547,7 nghìn m3, tăng 11%;....

Các sản phẩm công nghiệp của tỉnh này có mức sản xuất giảm so cùng kỳ: Tôm đông lạnh 2.758 tấn, giảm 10%; xi măng 936,2 nghìn tấn, giảm 7,1%; men frit 145 nghìn tấn, giảm 1,1%; điện sản xuất 760,1 triệu KWh, giảm 21,9%;...

CẤP MỚI 29 DỰ ÁN ĐẦU TƯ

Về phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư, từ đầu năm đến ngày 23/7/2024, Thừa Thiên Huế có 457 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.997 tỷ đồng, tăng 5,8% về lượng và giảm 10,3% về vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại tại tỉnh này là 220 doanh nghiệp, giảm 14 doanh nghiệp; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 538 doanh nghiệp, tăng 131 doanh nghiệp; số doanh nghiệp giải thể 133 doanh nghiệp, giảm 125 doanh nghiệp so với cùng kỳ.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Huế từ đầu năm đến nay đã cấp mới cho 29 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 5.873,8 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án FDI với vốn đăng ký 34,5 triệu USD.

Cụ thể, trong địa bàn Khu kinh tế, khu công nghiệp 11 dự án đầu tư với vốn đầu tư đăng ký là 4.515,3 tỷ đồng, trong đó có 5 dự án FDI với vốn đăng ký 28,5 triệu USD. Ngoài địa bàn Khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh này cấp mới 18 dự án với vốn đăng ký 1.358,5 tỷ đồng, trong đó có 6 dự án FDI với vốn đăng ký khoảng 6 triệu USD. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế đã chấp thuận chủ trương đầu tư 4 dự án với tổng vốn đầu tư thu hút dự kiến 4.654,5 tỷ đồng.