18:33 10/07/2009

Hollywood “phất” nhờ suy thoái

Kiều Oanh

Suy thoái đã tác động tới Hollywood, kinh đô điện ảnh của thế giới, theo một cách mà ít ai nghĩ tới

Trong một rạp chiếu phim ở Mỹ - Ảnh: Economist.
Trong một rạp chiếu phim ở Mỹ - Ảnh: Economist.
Suy thoái đã dẫn tới những thay đổi chóng mặt trong ngành công nghiệp điện ảnh, một lĩnh vực được xem là nằm ngoài tầm ảnh hưởng của suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Từng làm những bộ phim lớn như “I, Robot” và “Norbit”, nhà sản xuất phim John Davis ở Hollywood còn đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh doanh đa dạng khác từ nhà hàng tới giàn giáo xây dựng. Ông cho biết, ở thời điểm hiện nay, ông lạc quan hơn bao giờ hết về ngành công nghiệp phim ảnh hơn bất kỳ một lĩnh vực nào khác.

Suy thoái, tới rạp nhiều hơn

Suy thoái đã tác động tới Hollywood, kinh đô điện ảnh của thế giới, theo một cách mà ít ai nghĩ tới.

Ông Michael Lynton, Giám đốc hãng phim Sony Pictures Entertainment cho biết, nếu trước đây, có ai đó đề nghị ông dự đoán xem suy thoái sẽ khuyến khích mọi người ở nhà xem TV hay tới rạp xem phim, chắc chắn ông đã đoán sai. Doanh thu của các tạp chiếu phim tại Mỹ từ đầu năm tới nay đã tăng 12% so với cả năm ngoái. Trong khi đó, tình hình tiêu thụ đĩa DVD ở các thị trường Mỹ và Canada ngày càng chậm.

Tại những tập đoàn lớn có mảng sản xuất phim, điện ảnh là một trong số ít những bộ phận hiếm hoi gặt hái lợi nhuận trong năm qua. Chẳng hạn, tại Sony, trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 vừa qua, hãng thu lãi 30 tỷ Yên (tương đương 299 triệu USD) ở bộ phận điện ảnh và truyền hình, nhưng thua lỗ tới 168 tỷ Yên ở lĩnh vực hàng điện tử.

Các hãng Disney, Fox và Universal trước đây thường đạt lợi nhuận từ các kênh truyền hình địa phương của họ, nhưng sự sụt giảm doanh số quảng cáo xe hơi trên các kênh này đã đặt dấu chấm hết cho nguồn lợi nhuận trên. Hãng Time Warner thì chịu áp lực thua lỗ từ mạng AOL và các loại tạp chí.

Bởi vậy, để chống đỡ với những khoản thua lỗ ở những mảng kinh doanh khác, ngành công nghiệp điện ảnh chủ trương tiêu ít tiền hơn và không làm những gì quá rủi ro.

Ít phim, càng đỡ lo

Năm ngoái, dưới tác động của khủng hoảng, nguồn tiền dồi dào từ các nhà đầu tư Phố Wall đổ vào các xưởng phim Hollywood bỗng chốc cạn khô. Các ngân hàng tại Mỹ bận rộn với việc cải thiện bảng cân đối kế toán của họ, trong khi các ngân hàng nước ngoài chịu áp lực phải tập trung vào thị trường trong nước. Ngân hàng JPMorgan Chase ước tính rằng, trước khi khủng hoảng tín dụng xảy ra, có khoảng 25-30 ngân hàng tham gia rót vốn cho Hollywood, nay chỉ còn chưa đầy một nửa số này.

Kết quả là số phim xuất xưởng khỏi Hollywood ít đi. Theo Hiệp hội Ảnh động Hoa kỳ, năm ngoái, có 606 bộ phim mới được sản xuất ở nước này, mặc dù nhiều phim chỉ được công chiếu ở một vài rạp ở New York và Los Angeles. Năm nay, số phim mới có thể giảm xuống mức 400 phim, hoặc thậm chí là ít hơn.

Mặc dù vậy, sự giảm sút số lượng phim này lại là một tin vui đối với các xưởng sản xuất phim và những công ty phát hành phim lớn. Họ cho rằng, nguồn tài chính đầu tư cho phim dồi dào trước đây chỉ đồng nghĩa với việc có quá nhiều phim thu hút sự chú ý của khán giả. Thực trạng cuối tuần nào cũng có phim mới công chiếu đã làm lượng khán giả của mỗi phim giảm sút quá nhanh chóng.

Chẳng hạn, số vé bán được cho phim “Wolverine” (tạm dịch: “Người sói”) tại Mỹ đã giảm 69% trong dịp cuối tuần thứ hai sau khi ra mắt vào hồi tháng 5 vừa qua, trong khi phim này được xem là một bộ phim thành công.

Do số đầu phim giảm xuống, các hãng phim cũng không thấy cần thiết phải chi quá nhiều tiền cho hoạt động quảng cáo phim.

Thêm vào đó, theo quan điểm của các nhà làm phim, do có ít phim được sản xuất, thù lao của những ngôi sao điện ảnh và các đạo diễn tài ba cũng vì thế mà giảm đi. Một cuộc đình công của diễn viên ở Hollywood vì vậy mà đã không được thực hiện như đã dự kiến trong năm nay. Những ngôi sao tầm trung thời gian này thường được các hãng phim trả ít thù lao cố định hơn, và thay vào đó họ sẽ được nhận một tỷ lệ cao hơn trong phần lợi nhuận thu về từ việc bán đĩa DVD và bản quyền truyền hình của bộ phim mà họ tham gia.

Phần lớn các ngôi sao và đạo diễn hàng đầu vẫn yêu cầu mức thù lao cao, nhưng con số này đang giảm xuống do mức độ hấp dẫn những bộ phim có mức chi phí cao hiện nay thường đến từ mức độ nổi tiếng của chương trình truyền hình, tiểu thuyết hay vở kịch mà bộ phim lấy cảm hứng, thay vì từ việc minh tinh nào xuất hiện trong đó.

Hai loại phim ăn khách

Tuy nhiên, những bộ phim có nhiều hiệu ứng đặc biệt làm mưa làm gió tại các rạp chiếu trong kỳ nghỉ Giáng sinh năm ngoái và mùa hè năm nay sẽ không vì thế mà giảm bớt số lượng hay ngốn ít chi phí hơn.

Trong mấy năm gần đây, thực tế đã chứng minh là những bộ phim có chi phí trên 150 triệu thường mang lại lợi nhuận khả quan. Tỷ suất lợi nhuận cao của những bộ phim sử dụng kỹ thuật không gian ba chiều, vốn đắt tiền hơn kỹ thuật không gian hai chiều, đang thúc đẩy các xưởng phim sản xuất nhiều hơn những bộ phim theo kỹ thuật này.

Nhà sản xuất phim Kevin Misher của bộ phim bom tấn “Public Enemies” (tạm dịch: “Kẻ thù của công chúng”) của mùa hè năm nay cho rằng, ngành công nghiệp điện ảnh sẽ ngày càng phân cực rõ rệt. Sẽ có những bộ phim hành động hoành tráng với chi phí sản xuất khổng lồ, và một dòng phim hài giá rẻ (tại những hãng phim lớn, một bộ phim được xem là giá rẻ nếu chi phí sản xuất là từ 40 triệu USD trở xuống).

Theo ông Misher, điểm chung giữa những bộ phim này là hứa hẹn đem đến những trải nghiệm tập thể cho khán giả. Mọi người thường thích xem những bộ phim hành động, phim hài hay phim kinh dị cùng bạn bè và người thân ở rạp, thay vì xem một mình trên TV hay điện thoại.

Với xu thế này, thua thiệt sẽ thuộc về những bộ phim tổng hợp không thuộc về loại nào, chẳng hạn như bộ phim “Duplicity” (tạm dịch: “Trò chơi hai mặt”) - một bộ phim kết hợp giữa hài kịch, bi kịch và lãng mạn với sự xuất hiện của Julia Roberts và Clive Owen. Bộ phim này đã gặp thất bại lớn về doanh số sau khi công chiếu.

Khả năng phản ứng nhanh của Hollywood trước những thay đổi trong lần suy thoái này đã giúp hoạt động của kinh đô điện ảnh này diễn ra khá bình ổn, với số hãng phim lớn không suy giảm. Tuy nhiên, sự cắt giảm hoạt động sản xuất phim hiện nay cũng đồng nghĩa với việc sẽ có ít phim ra mắt hơn khi suy thoái kết thúc, mà như thế nguồn lợi nhuận tiềm năng từ việc bán đĩa, bản quyền truyền hình… sẽ giảm sút, chưa kể tới chuyện khán giả sẽ có ít lựa chọn hơn.

(Theo Economist)