08:48 24/01/2024

Trị giá hàng buôn lậu tăng nóng, hải quan nộp ngân sách gần 500 tỷ đồng từ xử lý gần 16.000 vụ việc

Ánh Tuyết

Năm 2023, ngành hải quan xử lý gần 16.000 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, dù số lượng giảm so với cùng kỳ nhưng trị giá hàng vi phạm tăng tới 42,6%, ước tính đạt 12.476 tỷ đồng...

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp.

Thông tin về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại được ngành hải quan triển khai năm vừa qua, ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), cho biết toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 15.993 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, trị giá hàng hóa vi phạm tăng 42,6% so với cùng kỳ năm 2022, ước tính đạt 12.476 tỷ đồng.

Cơ quan hải quan đã khởi tố 40 vụ, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022 và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 186 vụ, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 497,8 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2022.

"NÓNG" TÌNH TRẠNG BUÔN LẬU VỚI NHIỀU THỦ ĐOẠN TINH VI

Theo Tổng cục Hải quan, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong thời gian qua diễn biến phức tạp, cơ quan này với vai trò là tổ chức thường trực Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, đã ban hành 6 kế hoạch nghiệp vụ và 28 văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho các cục hải quan tỉnh thành phố góp phần tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác kiểm soát hải quan trong toàn ngành.

Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Hùng Anh cho biết qua quá trình thực hiện nhiệm vụ, cơ quan hải quan đã phát hiện các vụ việc vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại.

 

"Các địa bàn phát sinh các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa có số vụ việc, trị giá tang vật lớn như Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Bình, An Giang...".

Tổng cục Hải quan.

Các đối tượng tập trung vào một số hành vi như: không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng nhằm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm như pháo nổ, ma túy, động vật hoang dã; lâm sản, thuốc lá, đường kính, dầu D/O...

Theo đó, đối với mặt hàng động, thực vật hoang dã thuộc danh mục CITES, cơ quan hải quan đã phát hiện bắt giữ 18 vụ việc, tang vật bao gồm 8,3 tấn ngà voi, 37 kg sừng tê giác, 51m3 gỗ, các sản phẩm như xương, thịt của động vật.

Điển hình, ngày 20/3 tại cảng Nam Hải Đình Vũ (TP. Hải Phòng), Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2 chủ trì, phối hợp với Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng), Công an TP. Hải Phòng đã phát hiện container hơn 7 tấn ngà voi nhập lậu từ châu Phi.

"Lô hàng này xuất phát từ Angola, được chuyển tải tại Singapore nhằm che giấu tuyến đường vận chuyển. Hiện lực lượng chức năng đang xử lý lô hàng theo quy định pháp luật", lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu thông tin.

Đối với mặt hàng phế liệu, ngày 05/6/2023, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) khởi tố 03 vụ án buôn lậu liên quan đến vi phạm của Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại dịch vụ kỹ thuật môi trường xanh sử dụng các tài liệu giả, quay vòng hồ sơ, tài liệu để nhập khẩu trái phép 4,1 nghìn tấn phế liệu, trị giá 9,5 tỷ đồng.

Cùng với đó là vụ việc vi phạm của Công ty Đông Hy Phát sử dụng hồ sơ, tài liệu giả để nhập khẩu trái phép 3,5 nghìn tấn phế liệu, trị giá 9,5 tỷ đồng và vụ việc vi phạm của Công ty TNHH MTV Thuận Hoàng sử dụng hồ sơ, tài liệu giả để nhập khẩu trái phép 2,6 nghìn tấn phế liệu, trị giá 6,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngày 05/01/2023, tại sân bay quốc tế Nội Bài, cơ quan hải quan đã kiểm tra, hành lý của một hành khách trên chuyến bay khởi hành từ sân bay quốc tế Nội Bài đi Incheon (Hàn Quốc) bắt giữ tang vật vi phạm gồm 86.300.000 won tương đương 1,6 tỷ đồng.

TRIỆT PHÁ NHIỀU ĐƯỜNG DÂY MUA BÁN MA TUÝ QUY MÔ LỚN

Bên cạnh đó, theo Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Hùng Anh, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vẫn diễn ra hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng.

Theo đó, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển không theo quy luật với thủ đoạn ngày càng tinh vi thông qua thủ đoạn cất giấu, ngụy trang ma tuý thành hàng hóa, hành lý thông thường. Thậm chí, các đối tượng cũng liều lĩnh và manh động hơn khi mang ma tuý theo người.

 
Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan).
Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan).

"Trong điều kiện các cảng hàng không ở Việt Nam được đầu tư mở rộng, đồng thời lợi dụng chính sách đơn giản hóa thủ tục hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và các chính sách quản lý liên quan, các đối tượng đã sử dụng phương thức ngụy trang cất giấu, trà trộn ma túy trong hàng hóa ký gửi, chuyển phát nhanh, quà biếu phi mậu dịch, vận chuyển theo đường hàng không về Việt Nam, tiếp đó tiêu thụ trong nội địa hoặc trung truyển đi nước thứ ba hoặc ngược lại. Đặc biệt, địa bàn “nóng” trong thời gian gần đây là tuyến hàng không, chuyển phát nhanh. Đây là địa bàn trọng điểm về các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu các loại ma túy từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại".

Chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết một trong các giải pháp mà Tổng cục Hải quan sẽ triển khai là tăng cường bố trí các máy soi chiếu tại tất cả các cửa khẩu đường bộ và sân bay, cảng biển…

“Nếu không trang bị máy soi chiếu thì không thể tìm thấy những loại ma túy mà chó nghiệp vụ cũng không thể phát hiện được, vì các đối tượng đã đưa ma túy vào các vật đúc, đổ khuôn", ông Thọ chia sẻ về thủ đoạn của các đối tượng.

Cũng theo Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, cơ quan hải quan đã chủ trì, phối hợp đấu tranh thành công nhiều chuyên án liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy, triệt phá thành công các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy có quy mô lớn liên quan đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Nổi bật là Chuyên án ĐH323 do Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì. Theo đó, ngày 7/5/2023, tiến hành kiểm tra các kiện hàng được gửi theo đường hàng không từ Sec về Việt Nam thu giữ 121,1 kg ma túy các loại.

Chuyên án HP323 Cục Hải quan TP. Hà Nội xác lập ngày 17/2/2023 bắt giữ 01 đối tượng người Việt Nam và 108 kg ma túy các loại.

Từ việc phát hiện 4 tiếp viên hàng không xách tay ma túy, cơ quan điều tra phá đường dây ma túy lớn nhất trong lịch sử, dự kiến khởi tố khoảng 500 người. Cảnh sát chứng minh được 3.000 tài khoản trong nhóm này đã giao dịch 22.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ trì kiểm tra bắt giữ trên 300 kg cocain vận chuyển qua tuyến đường biển tại Hải Phòng và phối hợp với lực lượng C04 triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy từ Lào về qua Việt Nam với số lượng tang vật lớn bị bắt giữ chưa từng có khoảng 1,3 tấn Ketamin.

Cũng theo ông Hùng Anh, qua tuyến đường bộ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy tập trung chủ yếu tại các các cửa khẩu biên giới giáp với Lào (như Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị), các cửa khẩu tuyến biên giới giáp với Campuchia (Tây Ninh, Bình Phước, An Giang) và các cửa khẩu tuyến biên giới giáp với Trung Quốc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh).

"Trong điều kiện các cảng hàng không ở Việt Nam được đầu tư mở rộng, đồng thời lợi dụng chính sách đơn giản hóa thủ tục hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và các chính sách quản lý liên quan, các đối tượng đã sử dụng phương thức ngụy trang cất giấu, trà trộn ma túy trong hàng hóa ký gửi, chuyển phát nhanh, quà biếu phi mậu dịch, vận chuyển theo đường hàng không về Việt Nam, tiếp đó tiêu thụ trong nội địa hoặc trung truyển đi nước thứ ba hoặc ngược lại", Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu nêu rõ.

Về kết quả đấu tranh, bắt giữ ma túy do cơ quan hải quan chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phòng, chống tội phạm về ma túy bắt giữ, năm 2023 toàn ngành bắt giữ 263 vụ/303 đối tượng, trong đó, cơ quan hải quan chủ trì 121 vụ. Tang vật thu được trên 2,8 tấn ma túy các loại.

Ngoài ra, trong năm 2023, Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp triển khai chiến dịch Con rồng Mê Kông giai đoạn 5 trong chuỗi Chiến dịch Con rồng Mê Kông, là chương trình hành động chung giữa các cơ quan hải quan và các cơ quan thực thi pháp luật khác của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về chống buôn bán bất hợp pháp ma tuý, động vật, thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã thuộc danh mục CITES trên các tuyến đường vận chuyển do Hải quan Việt Nam, Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến, khởi động từ năm 2018.

Chiến dịch này nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan phòng chống ma túy Liên hợp quốc (UNODC), Văn phòng liên lạc tình báo khu vực châu Á Thái Bình Dương (RILO AP).

Hải quan Việt Nam đã tham gia xây dựng và phổ biến 17 cảnh báo và 01 báo cáo tổng kết đánh giá hoạt động triển khai các giai đoạn của chiến dịch cho toàn bộ các thành viên. Chiến dịch Con Rồng Mê Kông V được triển khai từ ngày 15/4/2023 đến ngày 16/11/2023 với sự tham gia của 25 cơ quan hải quan, các cơ quan thực thi pháp luật và tổ chức quốc tế.

"Tổng số vụ bắt giữ được các nước thành viên báo cáo trong giai đoạn V là  1.715 vụ, tăng 111% so với Chiến dịch giai đoạn IV", ông Hùng Anh thông tin.