14:39 07/09/2015

Vì sao người tị nạn Syria đổ xô tới Đức?

Ngọc Diệp

Đức đang là đất nước tiếp nhận số lượng người tị nạn cao nhất tại châu Âu

Trong các buổi họp nội các mới đây nhất, Chính phủ Đức đã quyết định sẽ chi tiêu thêm 6 tỷ Euro để đảm bảo cuộc sống cho người tị nạn - Ảnh: EPA.<br>
Trong các buổi họp nội các mới đây nhất, Chính phủ Đức đã quyết định sẽ chi tiêu thêm 6 tỷ Euro để đảm bảo cuộc sống cho người tị nạn - Ảnh: EPA.<br>
Từ khi Lebanon đóng cửa biên giới, từ chối tiếp nhận người Syria vào tháng 10 năm ngoái, người Syria đã đổ xô sang một điểm đến mới: nước Đức.

Người tị nạn Syria ao ước đến Đức bởi theo họ, nước Đức sẽ cung cấp nơi ăn chốn ở, học vấn cho họ và con cái họ. Họ còn được đi học và kiếm việc làm.

Ngoài ra, họ còn đến bởi có thể đã hiểu nhầm về thông điệp tiếp nhận người nhập cư của Chính phủ Đức, một thông điệp đã bị các bên trung gian bóp méo để kiếm tiền từ những người chạy nạn.

“Mẹ Merkel”

Theo báo IB Times, trên thực tế, Thủ tướng Đức chưa bao giờ tuyên bố nước Đức sẵn sàng tiếp nhận khoảng 800 nghìn người nhập cư hay tị nạn trong năm 2015.

Bà chỉ nói duy nhất một lần rằng trong năm nay rằng nước Đức dự kiến nhận xem xét khoảng 800 nghìn đơn xin tị nạn. Hàng trăm nghìn người đổ xô đến Đức một phần cũng bởi sự hiểu nhầm đó.

Dù sao thì số liệu công bố trên tờ The Guardian (Anh) cho thấy riêng trong tháng 7 vừa qua, số lượng đơn xin tị nạn ở Đức đã chạm mức 37 nghìn, tăng tới 93% so với cùng kỳ năm trước.

Sang đến tháng 8/2015, số lượng đơn xin tị nạn vào Đức đã lên đến 100 nghìn. Đây đang là đất nước tiếp nhận số lượng người tị nạn cao nhất tại châu Âu.

Riêng đối với trường hợp người tị nạn từ Syria, Đức có một chính sách thông thoáng.

Bộ Nội vụ Đức công bố trong 6 tháng đầu năm 2015, nước này tiếp nhận tới 44.000 người tị nạn Syria, khá cao nếu so với tỷ lệ chỉ khoảng vài phần trăm đơn xin tị nạn được chấp nhận thông thường, trong khi số người bị trục xuất khỏi Đức chỉ là 131 người.

Những người tị nạn Syria đến Đức những ngày qua đã nhận được sự chào đón không thể nồng nhiệt hơn từ phía những người dân địa phương.

Họ được sắp xếp nơi ăn chốn ở, được cung cấp các nhu yếu phẩm, trẻ con được uống sữa, mặc quần áo mới được uống thuốc men đầy đủ. Nhiều người tị nạn Syria vì thế đã tôn sùng Thủ tướng Đức thành “Mẹ Merkel”.

Ngân sách hào phóng

Trong các buổi họp nội các mới đây nhất, Chính phủ Đức quyết định sẽ chi tiêu thêm 6 tỷ Euro để đảm bảo cuộc sống cho người tị nạn. Trong đó, 3 tỷ Euro được phân bổ cho các chính quyền bang để xây nhà cho người tị nạn, 3 tỷ Euro sẽ được chính quyền trung ương sử dụng để chi trả các chi phí phúc lợi.

Số liệu của Chính phủ Đức được hãng tin DW đăng tải cuối tuần qua cho thấy trong năm 2013, Chính phủ Đức chi tiêu khoảng 1,5 tỷ Euro, tức khoảng 1,67 tỷ USD, để trợ cấp cho những người tị nạn.

Nếu chia trung bình theo đầu người, con số trên tương đương 12.500 Euro/người tị nạn/năm, số tiền mặt mỗi người tị nạn thực nhận hàng năm khoảng 4.300 Euro, còn lại là cho các chi phí khác.

Giả dụ mức trung bình/người trên được duy trì trong năm 2015, Chính phủ Đức sẽ phải chi khoảng 10 tỷ Euro để cung cấp thức ăn, chỗ ở, dậy nghề dậy tiếng cho những người tị nạn.

Trong trường hợp người tị nạn đến Áo, họ chỉ nhận được tiền mặt 40 Euro/tháng và không phải ai cũng được hưởng các chương trình đào tạo tiếng và nghề. Tình hình còn tồi tệ hơn nếu họ đến các nước châu Âu khác, hay như tại Hungary, họ còn không được tiếp nhận.

So với ngân sách chính phủ 310 tỷ Euro/năm, 10 tỷ Euro có lẽ chưa phải con số quá lớn đến mức các nhà hoạch định chính sách Đức phải băn khoăn.

Vì thế, mới có chuyện khi nhận được thông tin từ trợ lý rằng Đức cần phải chi tiêu thêm khoảng từ 1,8 tỷ đến 3,3 tỷ Euro trong năm 2016 để giải quyết vấn đề người tị nạn, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble - người vốn nổi tiếng chặt chẽ về tiền bạc - cũng không phản ứng gì.