10:37 13/10/2017

Trung Quốc có thể sắp thành nước viện trợ lớn nhất thế giới

An Huy

Trong nhóm các nước nhận nhiều viện trợ từ Trung Quốc nhất có Nga, Pakistan, Angola, Sri Lanka, Lào

Một nhân viên cứu trợ người Trung Quốc đang giúp đỡ bệnh nhân ở Nepal - Ảnh: Tân Hoa Xã/SCMP.<br>
Một nhân viên cứu trợ người Trung Quốc đang giúp đỡ bệnh nhân ở Nepal - Ảnh: Tân Hoa Xã/SCMP.<br>
Trung Quốc có thể sớm vượt Mỹ để trở thành nước viện trợ lớn nhất thế giới cho các nước đang phát triển.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn dữ liệu công bố hôm 11/10 của AidData, một dự án có trụ sở ở Mỹ chuyên theo dõi hỗ trợ phát triển, cho biết từ năm 2000-2014, Trung Quốc chi 354,4 tỷ USD viện trợ và các dạng hỗ trợ khác cho 140 quốc gia. 

Trong cùng khoảng thời gian, Mỹ chi 394,6 tỷ USD cho các hoạt động này.

“Phát hiện đáng chú ý là Trung Quốc và Mỹ đã trở thành đối thủ trên một định nghĩa rộng hơn về viện trợ. Tuy nhiên, sự khác biệt về thành phần trong danh mục viện trợ của hai nước là lớn”, ông Bradley Parks, một trong 5 nhà nghiên cứu của AidData, phát biểu. 

Thực hiện nghiên cứu này là các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Heidelberg của Đức, Đại học Harvard của Mỹ, và Đại học William and Mary của Mỹ.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền, Trung Quốc càng có cơ hội phát triển quyền lực mềm thông qua viện trợ. Hồi tháng 3 năm nay, ông Trump tuyên bố muốn cắt giảm 32%, tương đương khoảng 13,5 tỷ USD, chi tiêu phi quân sự ở nước ngoài.

“So với Trung Quốc, các nhà tài trợ phương Tây có khả năng ít hơn trong việc tạo ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế trên diện rộng - trong phạm vi những giới hạn ngân sách hiện tại - vì họ đã cung cấp phần lớn sự hỗ trợ của mình thông qua những dự án có mức độ ưu đãi cao và hướng về phát triển”, báo cáo kết luận.

Dù báo cáo cho thấy Trung Quốc đang tiến sát Mỹ về lượng vốn tài trợ, chỉ 23% viện trợ của Trung Quốc phù hợp với định nghĩa khắt khe nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về viện trợ - tức hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Ngược lại, 93% viện trợ của Mỹ là vốn ODA - vốn tài trợ cấp cho những dự án nhằm thúc đẩy phát triển và có tỷ lệ không hoàn lại ít nhất 25%.

Phần còn lại trong viện trợ của Trung Quốc được xếp vào loại các dòng vốn chính thức khác (OOF) - những khoản vay cấp cho các dự án không nhằm mục đích phát triển và có tỷ lệ không hoàn lại dưới 25% hoặc được áp lãi suất thị trường. 

Ví dụ về loại viện trợ này có tín dụng xuất khẩu ưu đãi và trong một số trường hợp, bên cho vay có thể xóa nợ nếu cần thiết.

“Sự chênh lệch giữa vốn OOF so với vốn ODA cho thấy Trung Quốc có một chương trình mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy các lợi ích thương mại của họ ở nước ngoài… Đây không hoàn toàn là một sự hào phóng”, ông Parks nói. “Yếu tố lợi nhuận là lớn và họ cũng muốn đạt ưu thế cạnh tranh ở thị trường nước ngoài”.

Tuy nhiên, báo cáo nói các dự án được Trung Quốc cấp vốn cũng chứng minh được tính hiệu quả như những dự án được tài trợ bởi Mỹ và các quốc gia viện trợ hàng đầu khác. Theo kết quả nghiên cứu, tính trung bình, 2 năm sau khi thỏa thuận được ký kết, các dự án được Trung Quốc cấp vốn giúp làm tăng thêm 0,7% trong tăng trưởng GDP của nước nhận tài trợ.

Trung Quốc đã cam kết viện trợ nhiều tỷ USD cho một số quốc gia và còn hứa xóa một số khoản nợ. Năm 2000, nước này tuyên bố sẽ xóa nợ 10 tỷ Nhân dân tệ cho các quốc gia châu Phi, tương đương khoảng 1,2 tỷ USD vào thời điểm đó. Năm ngoái, Bắc Kinh xóa cho Mozambique một khoản vay không lãi 30 triệu Nhân dân tệ.

Nghiên cứu của AidData xem xét 4.368 dự án do Trung Quốc cấp vốn trong 14 năm, sử dụng thông tin từ các báo cáo của Chính phủ Trung Quốc, các tổ chức phi chính phủ và các bài báo.

Ông Parks nhấn mạnh rằng trong khi quan niệm chung là phần lớn vốn hỗ trợ của Trung Quốc được cấp cho châu Phi, trong số 5 dự án chính thức được Trung Quốc tại trợ ở châu lục này từ năm 2000-2014, chỉ có một dự án duy nhất là dự án ODA.

Cũng theo nghiên cứu, hai dự án lớn nhất ở nước ngoài do Trung Quốc cấp vốn bao gồm khoản vay OOF 34 tỷ USD do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cấp cho công ty dầu lửa quốc doanh Nga Rosneft vào năm 2009. Tổng cộng, Nga đã nhận hơn 35,9 tỷ USD vốn viện trợ từ Trung Quốc, trở thành quốc gia được Trung Quốc viện trợ nhiều nhất.

Ngoài ra, trong nhóm các nước nhận nhiều viện trợ từ Trung Quốc nhất còn có Pakistan (21,8 tỷ USD), Angola (14,3 tỷ USD), Sri Lanka (11,6 tỷ USD), Lào (11,5 tỷ USD), Mali (10,8 tỷ USD), Turkmenistan (10,7 tỷ USD), Kenya (10,4 tỷ USD), và Ethiopia (10 tỷ USD).

Chỉ trong vòng vài thập niên, Trung Quốc đã chuyển từ một nước nhận viện trợ thành một nước tài trợ, song song với việc nước này nổi lên thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc đến nay vẫn chưa đưa ra dữ liệu toàn diện về các dự án phát triển chính thức của nước này ở nước ngoài.

Năm 2013, Trung Quốc công bố sáng kiến “Vành đai và Con đường” nhằm tạo ra một tuyến thương mại xuyên suốt từ Á sang Âu thông qua phát triển hạ tầng tại các quốc gia. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng sáng kiến nằm trong chiến lược nhằm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới.

Ông Parks không cho rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về vốn ODA, nhưng nhiều khả năng sẽ trở thành nước viện trợ lớn nhất nếu sử dụng định nghĩa rộng hơn về viện trợ.