Chứng khoán Mỹ rực lửa sau lệnh đánh thuế hàng Trung Quốc của ông Trump
Tâm lý hoảng loạn của giới đầu tư khiến cả ba chỉ số chính ở Phố Wall có cú giảm mạnh nhất 6 tuần
Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế quan đối với một loạt mặt hàng từ Trung Quốc với tổng kim ngạch nhập khẩu lên tới 60 tỷ USD vào Mỹ mỗi năm.
Động thái này gây lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu và khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại.
Tâm lý hoảng loạn của giới đầu tư khiến cả ba chỉ số chính ở Phố Wall có cú giảm mạnh nhất kể từ khi thị trường rơi vào trạng thái điều chỉnh (correction) cách đây 6 tuần.
Hãng tin Reuters cho biết ông Trump đặt bút ký một biên bản ghi nhớ về dựng hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, hàng rào thuế quan này sẽ chỉ được thực thi sau một giai đoạn tham vấn, nên Trung Quốc sẽ có thời gian cân nhắc các biện pháp đáp trả, theo đó giảm nguy cơ trả đũa ngay lập tức từ Bắc Kinh.
Đã có thời điểm chứng khoán Mỹ hồi phục một phần sau khi lập đáy trong phiên giao dịch đêm qua, nhưng áp lực bán tháo đã trở lại vào cuối phiên.
"Tâm lý tiêu cực đang ở mức quá cao vào thời điểm nay", nhà quản lý danh mục đầu tư John Carey thuộc Amundi Pioneer Asset Management ở Boston phát biểu. "Thị trường còn có thể giảm sâu hơn nữa. Tôi chưa nhận thấy có bất kỳ điều gì tốt đẹp phía trước để có thể trấn an mọi người cả".
Các cổ phiếu lớn thuộc nhóm công nghiệp đồng loạt sụt mạnh. Trong đó cổ phiếu của hãng chế tạo máy bay Boeing mất 5,2%. Cổ phiếu hãng máy công nghiệp Caterpillar sụt 5,7%. Cổ phiếu công ty 3M Co trượt 4,7%. Ba cổ phiếu này dẫn đầu sự giảm điểm của chỉ số Dow Jones. Đối với chỉ số S&P 500, nhóm công nghiệp mất 3,28%.
Khi đóng cửa ngày giao dịch, Dow Jones giảm 2,93%, còn 23.957,89 điểm. S&P 500 "bốc hơi" 2,52%, còn 2.643,69 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 2,43%, còn 7.166,68 điểm.
Đây là mức giảm phần trăm mạnh nhất của cả ba chỉ số kể từ hôm 8/2, khi Dow Jones và S&P 500 rơi vào trạng thái điều chỉnh so với mức đỉnh thiết lập hôm 26/1.
Đà bán tháo diễn ra trên diện rộng, với duy nhất chỉ nhóm cổ phiếu dịch vụ công cộng tăng điểm, với mức tăng 0,44%, trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính thuộc S&P 500.
Chỉ số CBOE Volatility Index, thước đo phổ biến nhất về mức độ biến động được kỳ vọng trong ngắn hạn của S&P 500, tăng 5,48 điểm, lên mức 23,34 điểm, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 13/2.
Trái phiếu kho bạc Mỹ tăng giá khi các nhà đầu tư chuyển vốn mạnh vào các kênh đầu tư an toàn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vì thế giảm còn 2,8244%, từ mức 2,907% vào cuối ngày thứ Tư.
Lợi suất trái phiếu giảm gây sức ép giảm mạnh đối với các cổ phiếu tài chính, khiến nhóm này trước 3,7%, trở thành nhóm cổ phiếu lớn giảm giá mạnh nhất.
Một cổ phiếu sụt mạnh nữa phiên này là cổ phiếu công ty vận hành mạng xã hội Facebook, với mức giảm 2,7%. Đà giảm mạnh của cổ phiếu Facebook kể từ hôm thứ Sáu tuần trước đã kéo lùi nhóm cổ phiếu công nghệ, nhóm cổ phiếu tăng điểm tốt nhất trong S&P 500 từ đầu năm đến nay.
Phiên hôm qua, nhóm này giảm 2,69%, khi các nhà đầu tư tiếp tục lo ngại ngành công nghệ có thể bị siết giám sát do vụ bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng mà Facebook đang phải đương đầu.
Trên sàn NYSE, cứ 4,51 cổ phiếu giảm giá thì mới có 1 cổ phiếu tăng giá phiên này. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ cổ phiếu giảm-tăng giá là 4,09-1.
Giới đầu tư ở Phố Wall đã chuyển nhượng tổng cộng 7,77 tỷ cổ phiếu trong phiên giao dịch đêm qua, so với mức bình quân 7,17 tỷ cổ phiếu mỗi phiên trong 20 ngày giao dịch gần nhất.